Sân bay Incheon của Hàn Quốc sáng sớm ngày cuối năm đón một đoàn khách đặc biệt đến từ Việt Nam. Những người đàn ông, đàn bà nông dân chân lấm tay bùn, đã qua bao thăng trầm của cuộc đời nhưng ánh mắt vẫn lộ vẻ ngơ ngác, bần thần giữa sân bay rộng lớn. Họ cố dán mắt vào nơi đám đông đang chờ đón, ở đó có gương mặt đứa con gái thân yêu sau ngàn ngày xa cách…
Cha mẹ và con gái vui mừng ngày gặp lại |
Nước mắt, nụ cười ngày gặp mặt
Ngồi chờ lên máy bay, câu chuyện của thành viên trong đoàn chỉ xoay quanh những gì họ được nghe con gái gọi điện thoại chia sẻ về cuộc sống của đứa con nơi đất khách quê người. Hôm nay, họ vượt hàng nghìn cây số đến xứ sở Kim Chi để gặp con với tất cả những hồi hộp, âu lo. Chuyến đi lần này được Hiệp hội Vì ngày mai tươi sáng (Hàn Quốc) đứng ra lo liệu để gia đình đa văn hóa Hàn – Việt có 14 ngày bên nhau, để có thể hiểu thêm cuộc sống của cô dâu Việt tại Hàn Quốc.
Rồi tất cả vỡ òa trong nước mắt và nụ cười. Những vòng ôm siết chặt yêu thương của cha mẹ và con gái, ánh mắt ngơ ngác của bọn trẻ con và nụ cười hạnh phúc của những chàng rể Hàn khi chứng kiến cuộc đoàn viên, xua tan cái lạnh đầu đông.
Đặng Thị Thu - 28 tuổi (quê Cần Thơ) - ríu rít chỉ đường về nhà cô khi xe chạy trên con lộ hướng về tỉnh Chung Buk. Thu kể, cô lấy chồng cũng do người quen giới thiệu với ước mơ lấy chồng giàu có để thay đổi cuộc sống ở dưới quê. Khi mới sang, lạ lẫm tất cả. Chồng hơn 8 tuổi, ít nói cười nên Thu thấy mình như người xa lạ trong chính ngôi nhà mà từ đây sẽ trở thành nơi gắn bó với cô lâu dài. Hàng ngày chồng đi làm công nhân ở nhà máy sản xuất máy cày, tối mịt mới về nên cô quanh quẩn ra vào một mình, bữa trưa cũng chỉ ăn một mình.
Đồ ăn Hàn Quốc chưa biết đến bao giờ nên có những ngày dài cô chỉ ăn mì tôm. Muốn trò chuyện với chồng lại phải dùng ngôn ngữ cử chỉ và nhờ vào cuốn sách song ngữ Việt - Hàn. Và như điều tất yếu, người này không hiểu người kia nói gì, thế là cãi nhau. Vợ nói tiếng Việt, chồng nói tiếng Hàn. Những lúc đó, tâm trạng cô là một khối cô đơn với những bực mình, tủi thân, buồn cười. Chán nản vô cùng, nhưng quyết tâm không thể quay về nơi vùng quê nhiều vất vả, Thu xin chồng đi học tiếng Hàn Quốc.
Cũng may chồng chia sẻ và tạo điều kiện nên cuộc sống dễ dàng hơn khi làm dâu quê người. Bà Na, mẹ Thu tranh thủ dậy bảo con: “Cái gì cũng vừa phải thôi. Mày cứ hay làm nũng chồng, quát tháo là không được. Phụ nữ thì phải nhẫn nhịn, không hỏng hết việc con ạ”. Thu chắc chưa hiểu được hết sự lo lắng sâu xa của người mẹ.
Ở nhà, nghe tin tức báo đài đưa về những vụ cô dâu Việt gặp nhiều khó khăn ở Hàn Quốc, những người mẹ như bà Na đau đáu nỗi niềm lo cho con gái. Bà Na bảo, lúc đầu cũng không muốn cho con gái lấy chồng xa nhưng ý nó quyết nên không thể ngăn đuợc. Sang đến nơi thấy 3 đứa cháu ngọai đều xinh gái, khỏe mạnh, tổ ấm nhỏ gọn gàng, ngăn nắp, nỗi niềm canh cánh bao năm qua của người mẹ như được trút hết…
Gia đình sum họp |
Hương vị Việt ở xứ Kim Chi
Lỉnh kỉnh trong hành lý mang sang cho con gái là những gói mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu, gia vị… Bà Nguyệt, mẹ của Phạm Thị Ngọc, vừa lôi từ trong túi xách ra gói bánh đa nem vừa bảo: “Hồi con bé ở nhà nó mê món nem rán lắm. Lần này tôi mang sang cho thật nhiều, tha hồ mời bố mẹ chồng thưởng thức”. Ngọc nhỏ nhắn và hay cười, quay sang nói một tràng dài tiếng Hàn với chồng rồi bảo bố mẹ: “Anh ấy bảo biết mẹ vợ tuyệt vời thế này đã lấy vợ Việt Nam từ lâu rồi”. Câu nói hóm hỉnh của chàng rể Hàn làm gương mặt bố mẹ vợ ngời niềm vui.
Cứ cuối tuần, Ngọc lại tự tay làm vài món ăn Việt Nam như nem, thịt bò cuốn lá cải, ruốc thịt lợn mời bố mẹ chồng. Những món ăn mang hương vị Việt Nam trở thành cầu nối tình yêu thương giữa nàng dâu với bố mẹ chồng. Mẹ chồng Ngọc tâm sự: “Con dâu tôi khéo tay lắm, tôi cảm nhận được tình cảm của nó từ những món ăn Việt Nam, bởi hình như nó làm những thứ đó bằng thứ tình cảm đặc biệt”. Đứng rán nem trong bếp, Ngọc bảo: “Những thức ăn mang hương vị quê nhà thế này giúp em như được ở quê hương mình. Mấy năm rồi chưa về thăm nhà, cũng nhiều khi buồn lắm”.
Giống như Ngọc, Nguyễn Duyên Thuý sang Hàn Quốc đã lâu mà chưa về thăm nhà. Đã mấy năm rồi, Thúy khát khao được đón một cái Tết đầm ấm bên cha mẹ nhưng đó là mơ ước thật xa vời. Đang cười đùa rộn rã, nhắc đến Tết, Thúy trầm hẳn xuống: “Tết ở đây buồn lắm, ai ở nhà nấy, không đi chơi như ở bên nhà mình đâu. Suốt ngày chỉ nấu ăn rồi ngủ và xem ti vi. Cũng không có không khí háo hức đón Tết như Việt Nam mình”.
Giao thừa ở Hàn Quốc không giống ở Việt Nam. Nếu người Việt chu đáo làm lễ cúng tổ tiên, hay ra đường hái lộc, đón xuân và gửi những lời chúc cho nhau vào thời khắc giao thừa thì ở Hàn Quốc, họ làm lễ hết sức đơn giản. Ngày đầu năm mới, người Hàn không đi chúc Tết bà con họ hàng như người Việt; tuy nhiên, tục lì xì lấy hên đầu năm ở đất nước này vẫn giữ được. Ở Hàn Quốc, nhiều gia đình tối 30 Tết mới rồng rắn kéo nhau vào siêu thị sắm đồ. Nếu ở Việt Nam bánh chưng không thể thiếu trong ngày Tết thì ở xứ sở kim chi, bánh Màn tu Cúc cũng có ý nghĩa tương tự.
Hai bà thông gia cảm động phút gặp nhau |
Thúy là cô gái khéo tay nên gia đình chồng cũng hay được thưởng thức những món ngon của Việt Nam. Bà Kim, mẹ chồng Thúy sau một thời gian hướng dẫn con dâu làm các món ăn Hàn Quốc giờ cứ tủm tỉm cười hài lòng vì “Con dâu tôi làm món Kim Chi còn ngon hơn cô gái Hàn Quốc làm đấy”.
Bà Kim tấm tắc khen món phở bò Thúy vẫn hay nấu cho cả nhà ăn. Để có được món ăn truyền thống đó của người Việt ở Hàn, mẹ Thúy thường gửi bánh phở khô, những gói vị phở sang cho con gái trổ tài bếp núc. Năm nào cũng thế, để cảm nhận được hương vị Tết quê nhà, Thúy lại tự tay gói những chiếc bánh chưng để cả nhà cùng ăn. Thúy bảo, cái cảm giác ngồi bên bếp lửa canh chừng nồi bánh để chêm thêm nước là lúc trong lòng dấy lên nỗi nhớ về những năm tháng tuổi thơ, thấy trong lòng ngập nỗi buồn xa xứ.
Hôm chia tay các cô dâu Việt tại Hàn Quốc để quay lại Việt Nam, mấy cô gái trẻ có người lén quay đi lau những giọt nước mắt. Mạnh mẽ hơn cả, Ngọc cầm tay tôi nói nhỏ: “Sắp Tết rồi, nhớ nhà ghê lắm chị ơi”. Bất giác tiếng khóc òa của Thúy vang lên…
Dẫu xa xôi, dẫu đã chọn cho mình một con đường đi khó khăn hơn những cô gái quê nhà, tôi vẫn đọc thấy trong mắt những người con gái đất Việt niềm vui về hạnh phúc lứa đôi. Họ đã mang đến những nếp nhà xứ Kim Chi ít nhiều hương vị Việt, như một niềm tự hào về quê hương Việt Nam…
Thái Hà