Rác thải - vấn đề bức xúc ở nông thôn Hải Phòng trong nhiều năm qua đang có hướng mở khi HĐND thành phố có Nghị quyết số 9/HĐND về “nhiệm vụ, giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2020”. Tuy nhiên, để nghị quyết này đi vào “cuộc sống” còn nhiều việc phải làm, vì trên thực tế, nhiều địa phương rất lúng túng trong việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, do khó khăn về kinh phí, quy hoạch bãi chứa rác và chọn mô hình thu gom, công nghệ xử lý rác phù hợp. Báo Hải Phòng ghi lại những khó khăn trên thực tế của các địa phương, cũng như những góp ý từ cơ sở để việc triển khai thực hiện nghị quyết này thực sự phù hợp và hiệu quả.
Nhiều người dân giật mình tự hỏi: Rác ở đâu mà nhiều thế? Nhiều tới mức, cứ đi ngoài ngõ là đụng phải rác! Rác tồn đọng lâu ngày, bao vây làng xóm, đe doạ sức khoẻ của người dân. Cũng chỉ vì không còn quỹ đất để quy hoạch bãi chứa rác, nhiều địa phương rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”...
Đưa rác về cổng trụ sở
Chiều một ngày đầu tháng 8, chúng tôi có cuộc làm việc tại UBND thị trấn Núi Đối (Kiến Thụy). Không khí oi nồng, cái nóng thêm hầm hập vì mùi hôi thối khó chịu theo gió đưa vào các phòng làm việc. Chỉ tay ra khu vực ngay trước cổng trụ sở, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Núi Đối Đỗ Việt Ái bức xúc: “Thủ phạm của mùi hôi thối ấy là bãi rác chình ình nằm ngay trước UBND thị trấn. Chúng tôi cũng rất bức xúc khi phải đưa bãi rác về ngay trước cổng thị trấn, nhưng không còn cách nào khác”. Từ phòng làm việc của đồng chí Bí thư Đảng uỷ thị trấn, chúng tôi nhìn thấy rõ một số xe cải tiến chở rác từ khu vực chợ thị trấn Núi Đối đổ ngay ra khu vực ven đường, trước cổng trụ sở làm việc của UBND. Cứ cách 15 phút, lại có người dân đi xe đạp qua, dừng lại, ngang nhiên vứtt túi ni- lông đựng rác hoặc bao tải đựng rác xuống đường. Theo phản ánh của các cán bộ thị trấn, không ít người dân ở các xã ven thị trấn như Thuận Thiên, Hữu Bằng đi qua đây tiện tay vứt rác ra khu vực này, vì nếu vứt bừa bãi ở các xã, lực lượng xung kích của địa phương bắt được là bị phạt khá nặng. Thế là, nhiều hộ dân thay vì phải tự tìm cách chôn huỷ rác chọn cách đơn giản hơn là mang ra thị trấn vứt, vì ở đây có lực lượng thu gom.
Bãi rác thải bốc mùi hôi thối, khó chịu trên đường 402, đoạn qua tiểu khu Cẩm Xuân, thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy). (ảnh chụp ngày 29-8-2010). Ảnh: Lã Tiến |
Theo Bí thư Đảng uỷ thị trấn Núi Đối Phạm Việt Ái, trước đây, thị trấn có bãi xử lý rác tạm tại khu vực đường vòng quanh Núi Đối, rộng 1 ha, là khu đất trũng sát đường và chân núi. Từ năm 2006, nhiều hộ ở khu dân cư gần đó ngăn không cho xe chở rác vào. Nguyên nhân khiến các hộ dân ở đây phản đối là bãi rác này nằm gần khu dân cư, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Bói chứa rỏc n#y được huyện xây dựng năm 2004 tại khu vực đường vòng quanh núi Đối, tận dụng khu vực đất trũng sát đường và chân núi để làm bãi xử lý rác. Sau đó 1 năm, khu vực đường này hình thành khu dân cư mới nên bãi rác trở thành gần khu nhà ở của dân, khi có nắng nóng là bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân chung quanh. Sau sự kiện này, thị trấn rơi vào tình trạng không có bãi chứa rác vì không còn diện tích đất công ích để quy hoạch làm bãi xử lý rác. Hiện thị trấn ký hợp đồng thu gom và xử lý rác với Hạt quản lý đường bộ huyện, nhưng do không có khu vực tập kết rác tạm để xe chở rác đưa đi xử lý nên luôn phải đối mặt với tình trạng rác ứ đọng, tràn lan khắp nơi. 3 tổ thu gom rác của thị trấn đành phải tập kết rác tại những khu vực ngã 3, ngã tư, ven các trục đường to hoặc khu vực công cộng như tại cầu Đen sát sông Đa Độ, ngã tư Tắc Giang- cửa ngõ vào thị trấn, ngay trước cửa trụ sở thị trấn…để xe của Hạt quản lý đường bộ đưa đi xử lý tại bãi rác Đồ Sơn. Phó chủ tịch UBND thị trấn Núi Đối than thở: “Vẫn biết chọn những khu vực trên để làm nơi tập kết rác là không bảo đảm vệ sinh môi trường, mất mỹ quan khu trung tâm nhưng chính quyền địa phương không còn cách nào khác. Vì nếu để gần khu dân cư và gần trụ sở làm việc của các ban ngành, lập tức bị kiến nghị từ khi đưa về trụ sở thị trấn thì tình hình yên. Thôi thì rác của nhà mình, mình đành chịu hưởng vậy”.
Rác ngập ao làng, đường làng
Ngay cạnh thị trấn Núi Đối là xã Thanh Sơn cũng đang gặp khó khăn vì không còn diện tích để quy hoạch bãi chứa rác. Vì thế, rác sinh hoạt ngập ngụa khắp nơi. Nhiều hộ dân ngang nhiên vứt rác ra khu vực công cộng, dù xã đã có quy định các gia đình phải tự xử lý rác tại vườn nhà. Các hộ dân ở khu vực đường đôi sát thị trấn được Hạt quản lý đường bộ huyện hỗ trợ thu gom. Tuy nhiên, vì lượng rác quá nhiều trong khi xã chưa có bãi thu gom nên người dân sau một thời gian quá tải vì phải tự xử lý, buộc lòng đùn rác ra khu vực đường làng, ao làng, đồng làng. Xã lại chưa có tổ đội thu gom, buộc phải để rác lưu cữu lâu ngày tại các khu vực công cộng nên có lúc bí chỗ xử lý , người dân đưa rác từ các thôn xóm chất đống lên khu vực đường đôi để Hạt quản lý đường bộ thu gom. Anh Vũ Văn Thiết, Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Kiến Thụy cho biết: “Chúng tôi ký hợp đồng thu gom rác cho thị trấn Núi Đối và 100 hộ dân ở mặt đường đôi thuộc xã Thanh Sơn. Tuy nhiên, hiện lượng rác của các thôn dồn ra khu vực đường đôi gấp 3-4 lần lượng rác thực tế mà đơn vị ký hợp đồng thu gom. Từ đó, dẫn tới việc cứ 1 ngày thu gom cho khu vực này, Hạt quản lý đường bộ chịu lỗ 3 triệu đồng. Đơn vị ký hợp đồng và thu lệ phí của 100 hộ dân mặt đường nhưng thực tế phải thu gom lượng rác cho 1/2 xã. Thời điểm Tết Nguyên đán năm 2010, do quá bức xúc, đội thu gom của Hạt quản lý đường bộ không thu gom rác tại khu vực đường đôi ngay trước cổng làng văn hóa Cẩm Hoàn và trụ sở UBND xã Thanh Sơn từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng. Trong 4 ngày đó, rác tràn lan khắp khu vực này, gây ô nhiễm môi trường, khiến UBND huyện phải vào cuộc yêu cầu các bên ngồi lại, bàn cách giải quyết.
Cũng do khó khăn không còn quỹ đất để xây dựng bãi chứa rác thải nên nhiều địa phương chọn cách dồn bãi chứa rác tạm ra khu vực ven sông, ven đê dù biết làm vậy là vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB và gây ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn các xã An Hồng (An Dương), Cao Minh (Vĩnh Bảo) thường xuyên có tình trạng người dân dồn rác ra ngoài khu vực bãi sông sát chân đê. Hoặc như bãi rác ven sông Văn Úc ngay chân cầu Tiên Cựu thuộc xã Quang Trung (An Lão). Bãi rác này trước đây có thời điểm được quy hoạch làm bãi rác tập trung của thành phố, nhưng sau phải tạm dừng vì có nhiều ý kiến phản đối. Do không còn quỹ đất để quy hoạch bãi rác nên xã Quang Trung tranh thủ bãi rác này thành điểm tập kết rác tập trung của địa phương. Ngoài ra, còn một điểm nóng nữa về rác thải là điểm giao cắt giữa sông Hòn Ngọc và sông Giá thuộc địa bàn xã Quảng Thanh (Thủy Nguyên). Tình trạng thiếu quỹ đất để xây dựng bãi chứa rác thải đang là vấn đề bức xúc của rất nhiều địa phương. Chẳng hạn, huyện An Dương có 16 xã, thị trấn chưa có quy hoạch bãi chứa rác, các xã ven đường 5 , đường 208 đều đưa rác ra khu vực chung quanh, dọc trục đường chính. Huyện xây dựng quy hoạch bãi rác chung của huyện ở xã Đại Bản nhưng không có tiền đền bù vì với giá đất ở An Dương hiện nay, 1 ha đất phải tiền bù 2 tỷ đồng, quá sức của các địa phương. Huyện Kiến Thụy chưa có bãi rác tập trung của huyện và còn 4 xã chưa quy hoạch được khu vực làm bãi chứa rác. Huyện An Lão mới có 6/17 xã quy hoạch được khu vực làm bãi chứa rác thải
(Còn tiếp)
Nhóm pv môi trường