Ngày 1-7-2009, Luật BHYT chính thức có hiệu lực đánh dấu bước chuyển biến mới trong thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau một năm luật đi vào cuộc sống, nhận thức các cấp, ngành và người dân về chính sách BHYT được nâng lên, số lượng người tham gia ngày càng tăng, quyền lợi của người bệnh BHYT được bảo đảm…
Người bệnh và gia đình làm thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế sau điều trị Ảnh: Minh Hải |
Luật đã đi vào cuộc sống
Ngay sau khi Luật BHYT được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 12 và Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 1-7 là “Ngày BHYT Việt Nam”, BHXH thành phố tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng về Luật BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các đơn vị sử dụng lao động, khu dân cư, nêu bật chính sách BHYT trong nền an sinh xã hội và quyền, trách nhiệm của người tham gia BHYT. Theo Giám đốc BHXH thành phố Trương Văn Quý, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ nhận rõ bản chất ưu việt của chính sách BHYT, trong đó khẳng định vị trí tiên phong của các cá nhân, đơn vị trực tiếp thực hiện, giải quyết chế độ chính sách BHYT. Do đó, BHXH thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Y tế mời lãnh đạo BHXH Việt Nam phổ biến các văn bản quy định mới của Luật BHYT đến hàng trăm cán bộ lãnh đạo các quận, huyện; đối thoại trực tiếp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố về công tác khám chữa bệnh theo Luật BHYT; tuyên truyền về quyền lợi, mức đóng, điều kiện tham gia BHYT học sinh, sinh viên, BHYT tự nguyện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
60% dân số tham gia BHYT
Sau một năm triển khai luật, công tác BHYT ở Hải Phòng có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của BHXH thành phố, Hải Phòng có 1 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 60% dân số. Trong số này, nhóm người nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ để hưởng thụ quyền lợi BHYT.
Về cơ bản, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố có đủ điều kiện đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT năm 2010 với cơ quan BHXH. Trong đó có 32 cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập với 5500 giường bệnh tham gia khám, chữa bệnh BHYT; 223 trạm y tế xã, phường, 22 cơ sở y tế doanh nghiệp và 22 phòng khám đa khoa tham gia khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Sau một năm thực hiện Luật BHYT, hơn 1,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT 482 tỷ đồng. Người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi, chế độ BHYT của nhiều loại bệnh nặng, chi phí lớn như chạy thận nhân tạo, ung thư, các bệnh về máu, mổ tim hở…Theo ông Cao Đức Thoan, Trưởng Phòng Giám định BHYT Bảo hiểm xã hội thành phố, tình trạng bội chi quỹ BHYT cơ bản chấm dứt khi thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất. (Quý 1 năm 2009, bội chi quỹ BHYT 20 tỷ đồng, đến quý 1 năm 2010, bội chi quỹ BHYT dừng ở mức 2,3 tỷ đồng, giảm gần 90%).
Sớm ban hành Nghị định xử phạt vi phạm
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng nêu trên, quá trình triển khai Luật BHYT còn không ít vướng mắc ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện. Giám đốc Sở Y tế Phan Trọng Khánh cho rằng, sự quan tâm chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa sát sao, một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của BHYT. Một số đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện chính sách BHYT cho người lao động. Mức đóng BHYT của các đối tượng chưa tương xứng với mức độ gia tăng chi phí khám, chữa bệnh. Tại một số địa phương, mặc dù Nhà nước hỗ trợ 50% mức phí nhưng đối tượng thuộc hộ cận nghèo vẫn chưa tiếp cận thẻ BHYT. Vấn đề thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông do chưa có hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn trong thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Việc chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, chất lượng các dịch vụ kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa có các quy định chuẩn dẫn đến tình trạng chỉ định quá nhiều những dịch vụ kỹ thuật không cần thiết trong điều trị gây lãng phí quỹ BHYT. Các vi phạm pháp luật về lĩnh vực BHYT chưa có chế tài xử lý nên nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm…
Trước những khó khăn này, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT; tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh, nhất là mạng lưới y tế cơ sở để giảm tải người bệnh tại các bệnh viện tuyến thành phố và trung ương, bảo đảm việc đăng ký khám, chữa bệnh tại tuyến huyện, xã theo quy định của Luật BHYT. Ngành y tế khẩn trương ban hành các quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị chuẩn trong chẩn đoán và điều trị, bảo đảm chỉ định sử dụng các xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh BHYT được thực hiện theo đúng yêu cầu chuyên môn, tránh lãng phí quỹ BHYT…
Thanh Thủy