“Các Bộ đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) sau giám sát chuyên đề về thanh niên và trẻ em các năm 2008, 2009 và 2010” là một trong những đánh giá tại buổi làm việc của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Bộ Tư pháp sáng qua (10/5).
Ảnh minh họa từ internet. |
Huy động cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục trẻ em
Trước tình hình trẻ em vi phạm pháp luật gia tăng, Bộ Công an đã đẩy mạnh công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư. Đến nay, hầu hết các địa phương trọng điểm đều xây dựng được mô hình quản lý, giáo dục trẻ em, người chưa thành niên có quá khứ vi phạm pháp luật đang sinh sống tại khu dân cư.
Về phần mình, Bộ Tư pháp cũng đã rà soát, nghiên cứu các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến trẻ em cần được chỉnh lý, sửa đổi và nguyên tắc “khi áp dụng hình phạt đối với trẻ em phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù” đã được bổ sung thành một nguyên tắc xử lý hình sự trẻ em phạm tội (khoản 5 Điều 69 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009); xây dựng Nghị định quy định chi tiết biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em theo hướng bảo đảm tốt nhất lợi ích cho trẻ em, huy động cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục trẻ em.
Từ 2008 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 20 văn bản quy phạm pháp luật trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Bộ này đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 theo hướng cụ thể hóa các quyền của trẻ em, phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, cha mẹ, nhà trường…
Phối hợp thực hiện công tác thanh niên và trẻ em
Tuy nhiên, các Bộ cũng thừa nhận, một số văn bản ban hành nhưng thiếu điều kiện thực hiện như bố trí kinh phí ít, đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở kiêm nhiệm, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn bản không có người làm; một số chính sách tạo việc làm cho thanh niên còn chung chung, chưa đồng bộ…. Vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác thanh niên và trẻ em khi sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể và tổ chức quần chúng thiếu chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên.
Đánh giá cao nỗ lực của các Bộ trong thực hiện kiến nghị của Ủy ban sau giám sát chuyên đề về thanh niên và trẻ em các năm 2008, 2009 và 2010, Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Ngô Thị Minh khẳng định, Ủy ban sẽ tiếp thu các kiến nghị của các Bộ, đồng thời đề nghị các Bộ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về công tác thanh niên và trẻ em.
Năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012 có trên 12.500 trẻ em vi phạm pháp luật được xử lý bằng biện pháp hành chính (chiếm gần 55%), ngoài ra mỗi năm có hàng nghìn em đã thi hành án và giáo dục tại các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng trở về hòa nhập cộng đồng. Sau gần 03 năm thực hiện thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho trẻ em, tại 9 tỉnh thực hiện điểm đã có 10.992 vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện (năm 2010: 8.735 vụ việc; năm 2011: 1.084 vụ việc; năm 2012: 1.173 vụ việc). Trong đó, số vụ việc trẻ em được tư vấn pháp luật là 8.940 vụ (chiếm 81,3%); các Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư tham gia tố tụng đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em được 2.051 vụ việc (chiếm 18,7%)…(Nguồn: Bộ Công an – Bộ Tư pháp) |
Huy Anh