Bỏng là tai nạn rất hay gặp trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, trong các loại bỏng thì bỏng nhiệt là hay gặp nhất. Bỏng nhiệt là bỏng do tiếp xúc với các vật nóng, như nước sôi, hơi nước, dầu ăn nóng, lửa và các vật nóng...
Theo chuyên gia y tế, việc xử trí đúng cách sau tai nạn bỏng giúp giảm diện tích, độ sâu bỏng, làm diễn biến bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng. Tuy nhiên, rất nhiều người áp dụng những cách sơ cứu sai lầm, dễ gây nhiễm khuẩn vết thương.
Điển hình mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi nhập viện do vô tình bị bỏng dầu nóng tại nhà. Gia đình đã cho bệnh nhi ngâm vào thùng nước và chuyển cả cả thùng nước và bệnh nhi đến viện. Tại đây, bác sĩ nhận định việc ngâm bệnh nhi như vậy khiến bị hạ thân nhiệt đột ngột, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ
Để sơ cứu bỏng nhiệt đúng cách, Khoa Sức khỏe cộng đồng – Môi trường và Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM hướng dẫn quy trình 6 bước như sau:
Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng
Đảm bảo an toàn cần đưa nạn nhân đến nơi an toàn, thoáng đãng để chuẩn bị cho việc cấp cứu. Tiếp đó nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi nạn nhân, ví dụ như đưa nạn nhân ra khỏi nơi hỏa hoạn, dập tắt lửa trên người nạn nhân. Cởi bỏ quần áo, trang sức…các nguyên nhân gây bỏng trên nạn nhân.
Lưu ý: Có những loại vải càng cháy càng dính chặt vào nạn nhân thì không nên xé bỏ.
Bước 2: Đánh giá ban đầu và bảo đảm chức năng sống còn
Cần xác định tình trạng ý thức của nạn nhân (tỉnh hay không tỉnh). Kiểm tra đường thở, tình trạng hô hấp, mạch ngoại vi và xem có ngừng tim hay không. Phát hiện chấn thương kết hợp như gãy xương lớn hoặc chấn thương sọ não, chảy máu lớn.
Nếu nạn nhân ngừng hô hấp, tuần hoàn cần lập tức hồi sức tim, phổi ngay.
Bước 3: Ngâm rửa vùng bỏng
Chỉ thực hiện khi nạn nhân tỉnh táo, không khó thở, không có chấn thương kèm theo. Thời điểm ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, thời điểm tốt nhất sau khi bị bỏng trong khoảng 30 phút. Việc ngâm rửa ít có tác dụng sau khoảng thời gian này. Yêu cầu nước để ngâm rửa nhiệt độ tiêu chuẩn là từ 16-20 độ C, phải là nước sạch.
Chuyên gia lưu ý không dùng nước ấm, có nhiệt độ cao hơn vì tác dụng hạ nhiệt và giảm đau rất ít. Không dùng nước đá gây nhiễm lạnh cho người bệnh. Dấu hiệu nhận thấy nhiệt độ nguồn nước phù hợp là người bệnh thấy giảm đau ngay khi ngâm hoặc trẻ em giảm cường độ khóc hoặc không khóc nữa.
Bước 4: Che phủ tạm thời vết bỏng
Sau khi ngâm rửa, cần che phủ vết bỏng bằng gạc sạch, vải sạch, khăn mặt, hoặc vải màn sạch. Đồng thời không nên bôi, đắp bất cứ chất, hóa chất (ví dụ: kem đánh răng, nước mắm…) lên vết bỏng tại hiện trường.
Bước 5: Ủ ấm và bù nước điện giải sau bỏng
Bù nước điện giải bằng đường uống, có thể uống oresol, nước sạch (đun sôi để nguội) cho nạn nhân. Lưu ý giữ ấm cho nạn nhân, đặc biệt là các vùng không bị bỏng. Nếu có thể, giảm đau cho nạn nhân bằng các thuốc giảm đau toàn thân.
Bước 6: Vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất
Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để nhận sự chăm sóc và điều trị chuyên khoa.
Lưu ý cần vận chuyển bằng cáng, bằng ô tô nếu người bệnh bỏng nặng. Nếu bị bỏng có kết hợp với gãy xương, chấn thương cần cố định tạm thời vùng xương bị gãy và chấn thương trước khi vận chuyển. Nếu bỏng kèm theo chấn thương cột sống cần vận chuyển bệnh nhân trên ván cứng, cố định đầu.