Chỉ đơn giản là yêu những câu xẩm cổ, những lời ca quan họ hay những điệu múa hầu đồng xa xưa… mà giữa chốn phố xá xô bồ, vẫn có một không gian văn hóa rất đặc biệt.
Để tìm hiểu về hoạt động khôi phục và bảo tồn những loại hình nghệ thuật dân gian đang dần bị mai một của dân tộc, nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt tại một trong những buổi diễn nghệ thuật dân gian, được tổ chức tối thứ bảy hàng tuần trước cổng chợ Đồng Xuân.
"Chiếu" xẩm chợ Đồng Xuân |
Không một lời mời chào, nhưng khu vực diễn ngày một đông khách. Ghế ngồi ít, khán giả chủ yếu đứng hoặc ngồi bệt luôn xuống đất. Điều này làm tôi liên tưởng ngay đến những buổi diễn ca chèo tại sân đình ở các làng quê xưa. Bác Phạm Văn Hoan (Ba Đình), một trong những người đến sớm nhất chia sẻ:“Tối thứ bảy nào cũng đi bộ hơn 1km đến Đồng Xuân để xem hát, cứ ăn cơm xong là đi luôn, do mắt tôi kém rồi nên phải đến sớm, ngồi gần xem mới thích”.
Trong cánh gà, các nghệ nhân xẩm đã mặc những bộ quần áo nâu dân dã, những liền chị khoác lên mình bộ áo the màu sắc, còn những cô đồng thì trang điểm kỹ hơn, quần áo cũng rực rỡ và cầu kỳ hơn.
Tuy đã chuẩn bị rất chu đáo, song nét hồi hộp vẫn thường trực trên khuôn mặt họ. Kẻ đứng, người ngồi, mắt ai cũng nhìn ra sân khấu chờ đợi màn biểu diễn của mình.
Nghệ sĩ xẩm trẻ tuổi Cao Thị Út, sinh viên năm cuối của Đại học Văn hóa Hà Nội tâm sự: “Mình theo xẩm đã được ba năm nay, và đi biểu diễn rất nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ mình hết hồi hộp trước những giờ diễn như thế này”.
Có lẽ cũng vì sự háo hức, nhiệt tâm của người biểu diễn, nên cứ đến hẹn lại lên vào tối thứ 7, nhiều người mê nghệ thuật dân tộc, nhất là xẩm đã đến đây như một thói quen.
Bác Vũ Tuân (Hoàn Kiếm) nói: “Không tối nào là tôi không đi xem, bảy năm rồi, xem nhiều nó thành nghiện, không đi thì thấy thiếu vắng cái gì đó”.
Tại điểm biểu diễn này, hồn xẩm vẫn là những cung bậc chủ đạo với hơn một nửa số lượng tiết mục được biểu diễn.
“Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ, tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất có chợ Đồng xuân
Mùa nào thức nấy, xa gần đến mua….” – những câu hát xẩm nhẩn nha lạ lẫm với dòng thời đại nhưng lại thực sự làm người thưởng thức tò mò, say đắm.
Nhiều bài xẩm nổi tiếng đã được trình bày lại bởi các nghệ sĩ tuổi đời trên dưới hai mươi như: “Một quan là sáu trăm đồng”, “Cô hàng nước”, “Trống cơm”…
Ấn tượng nhất trong số những tiết mục xẩm chúng tôi được chứng kiến có lẽ xẩm tàu điện “Vợ chồng nhà xẩm”: hình ảnh người phụ nữ dắt người chồng mù lòa, bệnh tật kiếm ăn phố phường bằng xẩm, giọng ca đầy nỗi ai oán, đắng cay cho thân phận mình đã khiến không ít người phải sụt sùi nước mắt…
Không chỉ người Việt mà ngay cả những du khách nước ngoài cũng thích thú đối với những loại hình dân gian này, hàng chục người vẫn kiễng chân để quay được những thước phim về buổi diễn.
Đối với những người lần đầu tiên được xem hát, họ chưa từng nghĩ những loại hình nghệ thuật dân tộc lại có sức hút lớn đến như vậy đối với họ. Bạn Đỗ Trung Kiên, 16 tuổi chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em nghe hát dân gian ở chợ Đồng Xuân, em không nghĩ rằng mình lại bị thu hút bởi âm nhạc dân gian - loại nhạc mà em từng nghĩ là khó nghe và nhàm chán như thế này”.
Cuối buổi diễn, chúng tôi có cơ hội trao đổi với nghệ sĩ Đoàn Minh Thông, Trưởng đoàn, ông vui vẻ nói: “Mặc dù chúng tôi đang biểu diễn những loại hình nghệ thuật rất kén người nghe, song mỗi tối thứ bảy, cho dù trời mưa thì vẫn rất nhiều người đến xem, đây chính là động lực cho chúng tôi duy trì và phát triển chương trình.”
Việc biểu diễn miễn phí và thường xuyên như thế này không chỉ truyền bá nét đẹp của nghệ thuật dân gian mà nó còn đánh thức trách nhiệm từ thế hệ trẻ phải bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc đang bị mai một. Mặt khác, đó là niềm vui cho những nghệ sĩ dân gian, những người chưa lúc nào ngừng việc đi tìm và bảo vệ những giá trị dân tộc đẹp đẽ.
PV