70,8% số doanh nghiệp FDI hài lòng
Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thu thập ý kiến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho thấy, cải cách TTHC của ngành BHXH thời gian qua đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho biết, họ thấy "thuận lợi hơn" trước những cải cách trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt lần lượt là 64%, 55,8% và 51,3%. Có tới 70,8% doanh nghiệp chia sẻ không gặp các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các trình tự, thủ tục của ngành BHXH.
Những con số đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI đánh giá cao nỗ lực của ngành BHXH trong việc tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp có đông lao động (nhất là lao động nữ), việc cải cách TTHC, giao dịch điện tử, đã giúp cho doanh nghiệp và người lao động tiết kiệm được nhiều thời gian giải quyết thủ tục với ngành BHXH. Báo cáo khảo sát của VCCI khẳng định: Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các trình tự, thủ tục của ngành BHXH khá cao (70,8%), điều này minh chứng cho kết quả và hiệu quả tác động của cải cách TTHC đối với các doanh nghiệp.
Chia sẻ ý kiến tại Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Trưởng phòng Hành chính - Trị sự Công ty TNHH Giầy Tisu (trụ sở tại Từ Sơn, Bắc Ninh) Nguyễn Thị Vân Nam cho biết: Ðây là công ty có 100% vốn Ðài Loan (Trung Quốc). Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động của doanh nghiệp luôn đầy đủ, kịp thời vì Ban giám đốc coi đây là giải pháp hữu hiệu để chăm lo đời sống, gắn kết, giữ chân người lao động lâu dài. Ngoài ra, công ty cũng nhận được sự tuyên truyền, hỗ trợ rất tích cực từ phía BHXH huyện Từ Sơn (Bắc Ninh). Hiện nay, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và được cung cấp đường dây nóng của cơ quan BHXH để có thể được tư vấn, hướng dẫn mọi lúc, mọi nơi giúp các chế độ cho người lao động được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
Tuy nhiên, báo cáo khảo sát cũng chỉ rõ vẫn còn khó khăn về thủ tục trong lĩnh vực BHXH. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng họ chưa nhận thấy thay đổi nhiều từ những cải cách này chiếm 28,8% đối với BHXH, 35,1% đối với BHYT và 43,8% đối với BH thất nghiệp. Ngoài ra, vẫn còn tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn hơn với các thủ tục hành chính của BHXH, BHYT và BH thất nghiệp, lần lượt là 7,2%, 9,1%, 4,9%.
Dựa trên kết quả khảo sát, VCCI đưa ra nhiều khuyến nghị đối với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan BHXH, như: Rà soát, kiểm tra những trình tự, thủ tục, hồ sơ hành chính để tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa hơn nữa, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các TTHC về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... nhằm mục đích hướng đến xây dựng chế độ báo cáo BHXH hợp lý, hài hòa lợi ích người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp.
Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho biết, để đạt được những đánh giá, ghi nhận tích cực của các doanh nghiệp FDI cũng như khối doanh nghiệp nói chung, những năm qua, ngành BHXH đã nỗ lực cắt giảm chi phí và thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đó có khối doanh nghiệp FDI. Ðến nay, bộ TTHC của ngành BHXH đã giảm từ 115 thủ tục xuống 32 thủ tục; giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42 % tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện. Ðồng thời, triển khai giao dịch điện tử trong toàn hệ thống, đến nay có khoảng 90% các đơn vị sử dụng lao động thực hiện. BHXH Việt Nam cũng tổ chức tiếp nhận và trả hồ sơ qua hệ thống Bưu điện với chi phí do cơ quan BHXH chi trả. Qua khảo sát thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức giao dịch này vì giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực…
Thời gian tới, để hỗ trợ và tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; niêm yết công khai, thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp những thay đổi về TTHC rõ ràng, cụ thể, kịp thời và thường xuyên; ban hành Quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tích cực vận động, có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các DN lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu điện công ích khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu cho biết, ngành BHXH sẽ thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho khối doanh nghiệp và triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 30-9-2016, khối doanh nghiệp FDI có 15.679 doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tăng 776 doanh nghiệp (5,2%) so năm 2015, chiếm 7,6% tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 3.631.705 người. Dự kiến đến ngày 31-12-2016 là 3.732.235 người, tăng 253.273 người (7,3%) so năm 2015.
Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 51.770 tỷ đồng chiếm 49,4% tổng số thu của các khối doanh nghiệp. Dự kiến đến ngày 31-12-2016 tổng số là 69.027 tỷ đồng, tăng 11.713 tỷ đồng (20,4%) so năm 2015. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 2.098 tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng số phải thu của khối doanh nghiệp FDI.