Có hơn 50 người dân thuộc khu dân cư Vĩnh Đại – Mỹ Bình của xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam chết vì ung thư trong thời gian ngắn tại khu kinh tế mở Chu Lai, nơi ngày nào cũng chịu khói bụi và nước thải công nghiệp.
Xã Tam Hiệp có hơn 3.300 hộ dân, chủ yếu sống xung quanh khu kinh tế mở Chu Lai và khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Theo người dân nơi đây, hàng ngày họ phải hít khói có mùi khét rất khó chịu từ các ống khói các nhà máy, xí nghiệp nhả ra. Đến nỗi phải đóng cửa để ăn cơm và bịt khẩu trang khi ngủ. Quần áo phơi ngoài trời bị khói, bụi bám vào hôi hám.
Nước thải từ khu công nghiệp Bắc Chu Lai ra kênh mương đục ngầu. |
Ăn cơm đóng cửa, ngủ bịt khẩu trang
Ông Nguyễn Văn Lành bức xúc: “Ngày nào tụi tui cũng hít phải khói có mùi khét rất khó chịu. Ban đêm khói bay vào nhà ăn cơm không được và ngủ cũng không yên, phải bịt khẩu trang để ngủ”.
Không những khói “tấn công” vào khu dân cư mà nguồn nước thải của khu công nghiệp cũng gây ô nhiễm nặng cho đồng ruộng. Nông dân lội xuống ruộng làm đồng bị ngứa, chịu không nổi phải bỏ ruộng hoang.
Anh Lê Viết Trúc (ở thôn Thọ Khương) phản ánh: “Mùi khói khét chịu không nổi rồi. Vậy mà nguồn nước dưới đồng ruộng cũng bị ô nhiễm nặng, nông dân ở đây lội xuống ruộng cấy, gặt lúa bị ngứa và nổi ghẻ khắp chân, tay ghê lắm. Tôi chỉ lội xuống ruộng gặt lúa có 15 phút mà ngứa chân chịu không nổi và nổi ghẻ khắp 2 chân. Cục ghẻ nổi lên to như hòn bi chai vậy”.
Lão nông Lê Viết Cường một lần bị nước ruộng làm cho lở loét, nổi ghẻ, sợ phát khiếp không dám xuống ruộng khi có nước. Ông nói: “Tôi lội xuống ruộng gặt lúa khoảng 10 phút bước lên bờ nghỉ giải lao, thấy 2 chân bắt đầu ngứa rất khó chịu, gãi đến rướm máu luôn và sau đó là ghẻ nổi khắp chân. Sau lần đó mỗi lần bước xuống ruộng tôi phải trang bị đồ bảo hộ tới lưng quần để không cho nước thấm vào da”.
Trước hiện tượng lạ này, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng thôn Thọ Khương bức xúc: “Người dân ở đây chịu hết nổi mùi khói khét lắm rồi, ngày nào cũng hít phải ai mà chịu cho nổi. Nước ruộng bị ô nhiễm nặng do các khu công nghiệp xả chảy ra kênh mương tràn vào. Sợ quá có người phải bỏ ruộng chứ không dám bước xuống đồng nữa. Cá chết nổi trắng bụng luôn”.
Làng ung thư ở khu công nghiệp
Xây nhà trọ công nhân không dám ở, đất kêu bán không ai mua, khu dân cư Mỹ Bình - Vĩnh Đại đã có hơn 50 người già, trẻ chết vì ung thư trong thời gian rất ngắn. Hiện có 4-5 người đang ung thư giai đoạn cuối.
Anh Phạm Phương Nam, công an viên Vĩnh Đại bức xúc: “Phải có một cuộc điều tra đầy đủ, chính xác để tìm ra nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư quái ác đang hoành hành khủng khiếp tại đây, người dân mới yên tâm sinh sống, làm ăn được chứ họ lo lắng, hoang mang lắm. Ba tôi vừa về khu này ở vài năm cũng bị ung thư chết”.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân là khu dân cư Vĩnh Đại – Mỹ Bình gần như xây trong lòng khu kinh tế mở Chu Lai và chỉ cách con quốc lộ 1A là khu công nghiệp Bắc Chu Lai, cách bức tường xây của nhà máy sản xuất ô tô Trường Hải một con đường có vài mét. Có khoảng 4-5 ống khói của các nhà máy, xí nghiệp nhả khói bụi ra.
Chân của anh Lê Viết Trúc lội xuống ruộng bị ngứa nổi ghẻ như hòn bi. |
Cụ Võ Thị Dư (71 tuổi) nói: “Một ống khói hít đã chết rồi, mà có đến 4-5 ống khói của các nhà máy, công ty vây quanh sao chịu nổi. Trước sau gì cũng bị ung thư hết cho mà coi. Tội nghiệp nhất là cháu Nguyễn Xuân Sang (mới 13 tuổi, phải nghỉ học lớp 6) bị ung thư giai đoạn cuối. Đối diện nhà tôi là ông Ấn cũng bị ung thư giai đoạn cuối”.
Thắp hương cho ba vừa mất vì ung thư, em Lê Viết Tiến (học lớp 8), buồn bã kể: “Ba cháu đang khỏe mạnh, thì thấy mệt trong người, đi khám bệnh viện chẩn đoán bị ung thư và sau đó chết. Mấy đứa trẻ ở khu dân cư này hay nói “coi chừng ung thư đó” làm con buồn lắm”.
Ông Trần Cử, Trưởng thôn Vĩnh Đại cho biết, độ tuổi chết vì ung thư ngày càng trẻ.
Chính quyền xã "bó tay"?
Bà Ngô Thị Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp nhận định: "Nhân dân phản ánh về ô nhiễm khói bụi và nguồn nước sinh hoạt và nước thải từ khu công nghiệp là hoàn toàn đúng. Ngày nào các ống khói của nhà máy, xí nghiệp thải khói bụi ra người dân chịu không nổi, đòi kéo lên nhà máy phản đối. Lãnh đạo và cán bộ xã có nhà ở gần đây cũng không chịu nổi mùi khói khét nữa".
Bà Tiến cho biết thêm, từ khi có khu công nghiệp là nguồn nước sông bị ô nhiễm làm cho việc nuôi trồng thủy sản của người dân thất bại.
Trước những bức xúc, khiếu nại của nhân dân về tình trạng ô nhiễm tại địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo các cơ chức năng và UBND huyện Núi Thành nhanh chóng lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm.
Thiên Thanh