“Nếu không có Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi không biết phải sống sao”
Xóm Trường bây giờ có con đường bêtông khá hiện đại, nổi bật tấm bảng ghi: “Đường nghĩa tình quân dân - Bộ Quốc phòng tặng khu dân cư mới xóm Trường”. Một phía bên đường, những ngôi nhà xây có chung mẫu thiết kế nhà cấp bốn chắc chắn, được người dân gọi là “nhà Thụy Sĩ” (do Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ tài trợ). Trên mái nhà, các đường ximăng chạy song song được đắp khá dày để giữ ngói không bị tốc bay nếu có bão lớn.
Nhìn đăm chiêu về hướng ngôi làng cũ, ông Mạnh Thế Đông (64 tuổi) kể lại câu chuyện năm xưa. Dù thời gian đã làm nguôi dần những đau thương, thế nhưng giọng ông Đông đôi lúc vẫn khàn đặc.
May mắn, ông Đông và vợ Nguyễn Thị Hồng Trinh (63 tuổi) đêm ấy còn sống sót, thế nhưng những cảnh tượng đau thương còn ám ảnh ông mãi. Đêm 2/11/2009, mưa như trút nước, ông và bà Trinh đóng cửa ngủ như mọi ngày: “Năm nào cũng mưa lũ, nên cứ nghĩ là chuyện thường, đồ đạc cũng kê lên cao hết nên cũng yên tâm lắm”.
Chỉ trong 3 tiếng đồng hồ từ 10h đến 2h sáng, nước dâng lên cao khiến ông bà không kịp trở tay. Bỗng dưng từ phía trên núi, trên các quả đồi, nước ào ào đổ xuống làng cuốn phăng tất cả. Một cảnh tượng kinh hoàng, người người chới với, tiếng kêu la, kêu cứu thảm thiết vang cả một vùng. Trong phút chốc, tiếng kêu cũng tắt dần, lịm dần theo dòng nước.
Ông Đông trong lúc nước cuốn thì may mắn bị đẩy vào cây vú sữa, nhanh tay bám vào, leo lên phía trên cao. Trong thời khắc ấy, ông Đông nghe tiếng kêu la, kêu cứu mà không thể làm gì được.
Bà Trinh cũng mắc vào cây vú sữa, thấy vậy ông Đông leo xuống một vài nhánh rồi kéo bà lên nhánh cao hơn. Càng lúc càng lạnh cóng, hai vợ chồng đu bám ở cây vú sữa mà không ai nói được với ai câu nào. Trụ trên cây 24 tiếng đồng hồ, vợ chồng ông mới được cứu.
Sau trận lũ ấy, 18 người ra đi mãi mãi. Nếu không có sự cứu trợ kịp thời của bà con khắp trong Nam, ngoài Bắc thì người dân xóm Trường không thể nào sống nổi. Mấy tháng liền bà con chỉ ăn mì gói là chính, chia ra ngủ nhờ ở nhà người quen. Nhưng ngay sau tai họa, chuyện lo cho nơi ở mới diễn ra rất nhanh. Con đường bêtông cả cây số làm chỉ trong 10 ngày. Nhà ở xây chỉ trong bốn tháng. Nhìn ngôi nhà khang trang, ông Đông nói: “Sau trận lũ tháng 11/2009, không ai hình dung rồi sẽ có nhà cửa trở lại như thế này. Nếu không có Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi không biết phải sống sao”.
44 hộ gia đình ở xóm Trường bây giờ đã có cuộc sống tốt hơn từ 10 năm nay do Nhà nước hỗ trợ, cùng với đó Hội Chữ thập đỏ Thụy Sỹ xây dựng nơi ở cho người dân nơi đây, không phải là rộng so với khi ở làng cũ ven sông, nhưng người trong làng ưng ý chính ở chỗ ít ra họ không còn thấp thỏm âu lo khi mùa lũ đến.
Ông Đông và bà Trinh kể lại giây phút kinh hoàng |
Gượng dậy sau tang thương
Không may mắn như vợ chồng ông Đông, bố mẹ và hai con của anh Phạm Ngọc Tân (SN 1977) và chị Trịnh Thị Tuyết Nhung (SN 1978) đã mất trong đêm kinh hoàng ấy. Nhớ lại câu chuyện, anh Tân ra trước hiên nhà lặng lẽ ngồi, lặng lẽ rít từng hơi thuốc, phả khói vào khoảng không vô hình.
Vật dụng trong nhà là chiếc tivi, đồng hồ treo tường và một số vật dụng đều do những đơn vị hảo tâm tặng. Phía trước nhà trên, nơi trang trọng nhất, là bàn thờ những người đã khuất. Chị Nhung nói: “Đã mấy đám giỗ rồi, chồng tôi lúc nào cũng khóc khi nhớ lại chuyện cũ”.
Anh Tân vẫn hay lần về xóm cũ, nơi chỉ còn dấu tích vài ngôi nhà đổ nát, lẩn khuất trong những vườn cây, ruộng mía. Đến đó, anh tần ngần nhiều giờ, thắp nhang khấn vái nơi bàn thờ trên nền nhà từng là tổ ấm của gia đình mình.
Đêm ấy, cả gia đình đang ngủ thì nước lũ tràn về. Nhà sập. Sáu con người bị dòng nước lũ cuốn trôi, cả gia đình chơi vơi trong biển nước. Chị Nhung vướng vào cây tre và đu trên cây, ngoảnh mặt nhìn quanh, không thấy chồng con đâu nữa, gọi khản giọng mà không ai trả lời.
Lũ tan, chị mới biết chồng chị còn sống, hai vợ chồng lang thang khắp xóm với hi vọng tìm lại ba mẹ và hai đứa con. Một ngày, hai ngày, đến ngày thứ ba, vợ chồng rụng rời khi nhìn thấy thi hài ba mẹ và hai con, cứ nhào đến ôm mà khóc.
Dòng hồi ức của chị Nhung chợt ngưng lại khi có tiếng gọi “má, má” từ gian nhà sau. Một cô bé chừng 7 tuổi vừa ngủ dậy, thấy người lạ, cô bé chạy lại sà vào lòng mẹ. “Đứa con gái út đấy, chắc anh Hai nó còn đang ngủ, ông trời thương nên đẻ hai đứa liên tục”, chị kể.
Chị Nhung và đứa con gái út vừa tròn 7 tuổi |
Sau cái tang bốn người trong gia đình, chị Nhung và anh Tân có những lúc như điên dại không thiết sống. Nhưng rồi phải gượng đứng lên để tiếp tục sống, tiếp tục xây dựng lại tổ ấm.
Những ngày này, miền Trung bão lũ liên tiếp, nhiều tài sản của người dân lại trôi sông, trôi biển. Ký ức về trận lũ năm 2009 ở tỉnh Phú Yên cướp đi 80 mạng khiến người dân miền Trung thấm thía hơn cái hung dữ của thiên tai, để mạnh mẽ đối mặt vượt qua những tai ương thiên nhiên rình rập.
Đêm 2/11/2009, trận lũ bất ngờ ập về xóm Trường làm chết 18 người, toàn bộ nhà cửa, tài sản trong xóm bị vùi lấp, cuốn trôi. Ngày 4/11/2009, trực thăng cứu trợ chuyến đầu tiên chuyển về xóm Trường 10 quan tài để kịp mai táng cho những người xấu số. Ngày 23/11/2009, đại lễ cầu siêu được tổ chức với hơn 1.000 phật tử từ các đạo tràng ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... về xóm Trường cầu nguyện.
Đầu tháng 1/2010, lực lượng quân đội dựng 44 ngôi nhà bạt cho người dân vào ở tạm để đón Tết Nguyên đán. Ngày 10/2/2010, địa phương khánh thành con đường bêtông về khu tái định cư cho người dân do công binh xây dựng chỉ trong vòng 10 ngày nên được gọi là “con đường thần tốc”. Ngày 1/10/2010, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ bàn giao 44 ngôi nhà mới cho người dân ổn định cuộc sống.