Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình “một cửa” điện tử cấp huyện tại khu vực miền Bắc” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức trung tuần tháng 9 vừa qua. Bên cạnh những mô hình, cách làm hay của một số địa phương được giới thiệu, nhiều vấn đề mới như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong ứng dụng CNTT; trách nhiệm của người quản lý, cơ chế, chính sách cho đội ngũ làm CNTT, lộ trình đầu tư hạ tầng, phần mềm, chính quyền điện tử, công dân điện tử…được nhiều địa phương quan tâm.
Các đại biểu dự Hội thảo tham quan mô hình bộ phận “một cửa liên thông” tại UBND quận Ngô Quyền Ảnh: Hoàng Phước |
Nhiều mô hình, cách làm hay
Đến nay, việc ứng dụng CNTT nói chung, áp dụng mô hình một cửa điện tử đối với các địa phương nói riêng trong cả nước không còn là chuyện mới. Tuy nhiên, do đặc thù riêng của từng địa phương, đơn vị, hiệu quả ứng dụng có sự khác nhau. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, việc tổ chức hội thảo là cơ hội tốt để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình một cửa điện tử cấp huyện đã và đang triển khai, qua đó góp phần thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính nhà nước, thực hiện mô hình chính phủ điện tử, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đẩy nhanh quá trình ứng dụng CNTT vào phục vụ đời sống xã hội. Kết quả đạt được cũng như một số vấn đề đặt ra từ thực tế “ứng dụng CNTT xây dựng mô hình “một cửa” điện tử tại quận Ngô Quyền” thể hiện trong tham luận của Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Nguyễn Xuân Phi thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đây là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước và thành phố đi đầu và triển khai mô hình một cửa điện tử khá thành công trên nhiều phương diện. Hiện quận Ngô Quyền là đơn vị đi đầu trong cả nước ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, xây dựng và áp dụng thành công chính quyền điện tử. Mô hình được hàng trăm đoàn đến từ các tỉnh, thành phố bạn tham quan học tập. Hiện mô hình này được triển khai nhân rộng trên khắp các tỉnh, thành phố, các quận huyện bạn, mang lại hiệu quả thiết thực. Giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân khoa học hơn, rút ngắn thời gian giải quyết; tạo sự công khai, minh bạch hơn, giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu, tăng tính thân thiện với người dân; đội ngũ cán bộ, công chức trưởng thành hơn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp; tăng thêm dịch vụ công phục vụ nhân dân… Với những thành công từ thực hiện mô hình “một cửa” (năm 2009), UBND quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) là đơn vị cấp quận duy nhất đoạt giải “Cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT hiệu quả nhất” của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện toàn bộ cán bộ công chức phòng, ban của quận sử dụng phần mềm phục vụ công việc hằng ngày, lãnh đạo quận sử dụng phần mềm để theo dõi, ra quyết định, người dân giao tiếp với chính quyền qua hệ thống; số hóa bản đồ toàn quận làm tiền đề cho việc áp dụng phần mềm quản lý cấp giấy CNQSD đất và quyền sở hữu nhà ở…Một số vấn đề cần quan tâm trong xây dựng một cửa điện tử ở thủ đô Hà Nội; kết quả và bài học kinh nghiệm về xây dựng “một cửa” điện tử ở Bắc Giang; mô hình “một cửa” liên thông hiện đại của Hải Phòng... có giá trị thực tế cao sẽ được nhân rộng.
Không nên áp dụng máy móc
Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Khúc cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu mô hình, cách làm hay, hội thảo đề cập đến nhiều vấn đề. Chẳng hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc ứng dụng CNTT, áp dụng triển khai thực hiện mô hình tại đơn vị mình; bố trí con người thực hiện; công tác đào tạo, tuyển dụng; sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan, đơn vị; áp dụng phần mềm nào (hiện đại hay bình thường), tự sản xuất hay nhập khẩu; lộ trình đầu tư (phần cứng, phần mềm, con người, quy trình)…Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cho rằng, không nên cứng nhắc, máy móc trong việc áp dụng mô hình “một cửa” điện tử vì mỗi địa phương có những đặc thù riêng. Chính quyền điện tử cấp huyện hoạt động nếu không đạt mục tiêu, hiệu quả đề ra thì trách nhiệm thuộc về ai. Nên sử dụng những phần mềm hiện có, hay đi tắt, đón đầu đầu tư phầm mềm hiện đại . Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai cho rằng cần xác định rõ mô hình một cửa cấp huyện như thế nào, mô hình một cửa liên thông điện tử là gì, có tiêu chí quy định rõ ràng, vấn đề có chính phủ, chính quyền điện tử nhất thiết phải có công dân điện tử cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Bởi, hiện nay hầu hết các cơ quan, đơn vị, quận huyện đều có trang thông tin điện tử, website riêng, nhưng dường như đối với người dân khi tiếp cận, truy cập khai thác, tìm kiếm thông tin từ đó còn là điều khá xa lạ, mới mẻ. Bởi vậy, nhiều đại biểu cho rằng, song song với đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý CNTT, quản lý nhà nước, các địa phương cũng nên có chương trình hướng dẫn, tuyên truyền mạnh mẽ hơn đến với người dân.
Hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt, phục vụ cải cách hành chính. Những mô hình, kinh nghiệm, cách làm hay từ các địa phương là những vấn đề thiết thực đặt ra trong cuộc sống cần được các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, giải quyết.
Đạt Hiển