U.Bớc-sét – tác giả cuốn sách “Tam giác Trung Quốc - Việt Nam – Campuchia” và cũng là nhà báo, nhà làm phim nổi tiếng, đã thu thập rất nhiều tài liệu để viết về cuốn sách này.
Vùng đất chết
Vào tháng 5/1979, ông Ngô Điền (khi đó là trưởng đoàn cố vấn Việt Nam sau đó là đại sứ rất có uy tín của Việt Nam tại Phnom Penh) đã trình bầy vắn tắt với U.Bớc-sét về sự hủy diệt khủng khiếp trên con người và cơ sở vật chất do chế độ Pol Pot gây ra, cũng như những hậu quả lâu dài của tình hình đó đối với nhân dân Campuchia: “Chúng tôi sẽ phải hy sinh nhiều để giúp họ và chúng tôi sẽ làm như vậy. Nhưng một vấn đề to lớn, lâu dài do tình trạng gần như thiếu hoàn toàn cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật có thể dẫn đến nguy cơ chúng tôi phải xây dựng lại đất nước này theo kiểu Việt Nam chứ không theo kiểu Campuchia. Trong tương lai, nguy cơ này sẽ làm tăng thêm nhiều vấn đề. Do vậy, chúng tôi phải cực kỳ thận trọng trong cung cách xử lý hàng viện trợ của chúng tôi và hơn hết là phải cực kỳ thận trọng trong mối quan hệ giữa các chuyên gia và kỹ thuật viên của chúng tôi với những người Campuchia mà chúng tôi sẽ đào tạo để rồi cuối cùng họ phải tự mình làm lấy”.
U.Bớc-sét kể lại trong cuốn sách, tháng 5/1979, lần đầu tiên sau khi chế độ Pol Pot bị lật đổ, ông đi bằng ô tô từ TP Hồ Chí Minh tới Campuchia. Ông viết về vùng giáp danh Campuchia với Việt Nam: “Nơi đây lúc này là một vùng đất hoang lạnh như bãi tha ma, không làng xóm, không chợ búa, không cấy hái trồng trọt, chẳng còn đâu những cây thốt nốt duyên dáng rất đỗi điển hình của miền đất này. Chỉ còn những gốc cây trơ trụi. Đây là một phần của “vành đai trắng” do Khmer Đỏ lập nên theo chiều dài biên giới giữa Campuchia và Việt Nam và sâu vào trong nội địa để sao cho cái xã hội “trong sạch” mới mẻ do chúng lãnh đạo, xây dựng nên không bị ô nhiễm về mặt xã hội và chính trị”.
Nhân dân thủ đô Phnom Penh tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam về nước. |
Tiếp đó ông viết: “Vết tích về những chùa chiền, trường học, làng mạc bị phá hủy, dấu tích về những cánh đồng lúa cũ, bờ ruộng vẫn có nguyên đó, nhưng đã nhiều năm chẳng hề có cấy trồng, những đê kè sụt lở và những con kênh cạn khô của những khu ruộng mới khoanh vùng, những hình chữ nhật khổng lồ, rõ ràng không làm nên trò trống gì; những giọt nước mắt và những lời kể lắp bắp về những cuộc tàn sát hàng loạt, về chế độ sinh sống ghê tởm và tù túng đến mức không thể tin nổi mà bọn Khme đỏ áp đặt, việc không có đủ những điều kiện tối thiểu cho một cuộc sống bình thường ở Campuchia như tôi đã từng được biết – tất thảy những điều đó đã là một sự xác nhận quá đầy đủ cho tính chính xác, thậm chí còn là nói bớt đi, của những gì tồi tệ nhất trong lời kể của những người tị nạn".
Nhanh chóng hồi sinh
Đến tháng 11/1980, U.Bớc-sét lại sang Campuchia và ông thông tin: Đến cuối năm, người ta sẽ thu hoạch được 1,3 triệu hécta lúa. Các cơ quan cứu trợ quốc tế tập hợp 32 tổ chức viện trợ dưới sự điều phối chung của Unicef và Oxfam tin rằng, triển vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng lương thực sáng sủa tới mức chưa từng có, có thể ngừng viện trợ lương thực, chuyển sang những hình thức viện trợ chuyên ngành hơn – phúc lợi trẻ em, y tế, phúc lợi cho nông thôn và các loại dịch vụ xã hội khác mà các cơ quan này thường tiến hành theo truyền thống. Dân số Phnom Penh đã tăng từ 7.000 người (tháng 5/1979) lên khoảng 350.000 người. Chợ búa mọc lên khắp nơi và tiền tệ phát hành mấy tháng trước đây đã được lưu hành rộng rãi. Ngành ngư nghiệp của một trong những vùng nước phong phú về cá nhất thế giới đã được phục hồi.
Ông viết lại cảm xúc: “Tôi được nghe kể về nhiều trường hợp trong đó các nhóm lính từ căn cứ của chúng ở biên giới Thái Lan, tới làng để thi hành nhiệm vụ tập kích, nhưng bị ngỡ ngàng bởi sinh hoạt bình thường và sự trù phú ngày càng tăng lên của cuộc sống làng quê, tới mức chúng phải cử phái viên vào làng đàm phán xin hàng. Đôi khi việc đầu hàng được tiến hành ngay tại chỗ, cũng có khi chúng quay về căn cứ thuyết phục đồng ngũ cùng về trình diện thành những nhóm đông. Hiển nhiên đây là kết quả vận dụng kinh nghiệm binh vận của Việt Nam bằng chính sách khoan hồng cho tất cả trừ những tên đầu sỏ. Ông khẳng định: “Việc tiêu diệt những ổ tàn quân Khmer Đỏ - chẳng hạn như những ổ tàn quân đã tổ chức cuộc phục kích gần Kôngpông Chơnăng – chủ yếu được thực hiện bằng những biện pháp chính trị binh vận chứ không phải bằng biện pháp quân sự”.
Ông viết thêm: Các đơn vị dân quân địa phương Campuchia ngày càng lớn mạnh và trực tiếp xử lý nhiều vấn đề liên quan tới an ninh nội địa. Người Việt Nam rút ra khỏi khu vực nào thì các đơn vị địa phương Campuchia này có thể tiếp quản và xử lý bất kỳ mối đe dọa nào của các lực lượng thù địch…. Tôi được nghe kể rằng có nhiều trường hợp, gia đình họ hàng cùng các nhóm dân quân vào những nơi ẩn náu trong rừng kêu gọi chồng con, anh em trở về quê hương (lại thêm một phương pháp vận động binh vận mà Việt Nam là bậc thầy). Chủ trương này bắt đầu có tác động đồng loạt, đều khắp và chắc chắn sẽ ngày càng có hiệu lực một khi tình hình kinh tế trở nên ổn định.
Việc bọn Pol Pot thủ tiêu bộ máy quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề, thậm chí bất kỳ ai biết chữ, đã gây khó khăn ghê gớm cho việc tìm kiếm nhân sự và xây dựng bộ máy quản lý và vận hành các nhà máy xí nghiệp và các cơ sở kinh tế khác. Như vậy có nghĩa là, trong nhiều vấn đề, gánh nặng mà người Việt Nam phải chịu sẽ còn tiếp tục nhiều năm nữa. Vai trò quân sự thiết yếu của bộ đội Việt nam trong việc ngăn ngừa Khmer Đỏ quay trở lại hiện nay đã được thế giới bên ngoài lần lượt thừa nhận, ít nhất là những người có tham gia vào những hoạt động nhân đạo trong vùng; nhưng người ta còn ít biết đến mức độ viện trợ của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, y tế và các lĩnh vực khác nữa.
Quân đội tình nguyện Việt Nam rút quân về nước, đi qua Hoàng cung ở Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, ngày 26/9/1989. |
Chính các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã sửa chữa những tuyến đường giao thông chính để chuyên chở viện trợ quốc tế, đã xây dựng lại hàng trăm chiếc cầu, đã khôi phục tuyến đường sắt Phnom Penh – Kôngpông Xom và Phnom Penh – Bát Tambang hoạt động trở lại. Chính người Việt Nam đã khôi phục lại 60 nhà máy đầu tiên ở Phnom Penh và một số nhà máy ở các thị xã trở lại sản xuất, đã xây dựng và trang bị lại cho các bệnh viện tỉnh và huyện (tổng cộng 3.600 giường tính đến tháng 6/1980), cung cấp 400 cán bộ y tế, trong đó có 200 bác sĩ cùng hàng ngàn y tá và dược sĩ. Tất cả những thực tế này, cộng thêm 140.000 tấn lương thực và thóc giống (đã cung cấp đến cuối tháng 6/1980) là một phần trong số những nỗ lực cứu trợ của Việt Nam.
Ông thông báo: “Ý kiến chung của những đại diện các cơ quan cứu trợ quốc tế mà tôi đã có dịp nói chuyện là, Việt Nam không chỉ đóng một vai trò sống còn trong “sự hồi sinh kỳ diệu” của nhân dân Campuchia mà họ còn thể hiện vai trò ấy một cách vô tư trong sáng, đúng với những lo lắng mà ông Ngô Điền đã nói”.
Ngày 2/1/2012, khi đến Đồng Nai dự lễ khánh thành di tích lịch sử Sư đoàn 125, tiền thân của lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia, Thủ tướng Hun -Sen trả lời báo chí và gọi bộ đội tình nguyện Việt Nam chính là “Đội quân nhà Phật”. Như vậy, sự thật về việc bộ đội tình nguyện Việt Nam bắt buộc phải cầm súng chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Campuchia, lật đổ chế độ diệt chủng Pol-Pot đã được khẳng định. Đó là hành động có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Tại đây, Thủ tướng Hun-Sen phát biểu: “Nhân dịp này tôi xin chân thành cảm ơn Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam... Tất cả chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu và xin được gửi lời hỏi thăm sức khỏe những người còn sống nhưng không thể tham gia buổi lễ này”.
Cuối tháng 12/2013, khi thăm Việt Nam, Thủ tướng Hun-Sen nói chuyện với hơn 700 cựu chiến binh quân tình nguyện và chuyên gia từng chiến đấu, giúp đỡ Campuchia tại Hà Nội. Ông khẳng định: “Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đã hy sinh hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất lớn khi giúp đỡ Campuchia… Vấn đề này không quên được. Hồi đó, Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia mà đã chịu hy sinh và hơn 30 năm người ta mới công nhận”