Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới vấn đề phát triển hội viên của Hội LHPN Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TPHCM để thu hút, tập hợp hội viên, cần phân chia đối tượng phụ nữ để có hoạt động phù hợp, hiệu quả hơn. Cụ thể như tập hợp hội viên ở khu dân cư nên dành cho cấp Hội ở xã, phường thực hiện. Ở cấp trung ương nên hướng tới tìm các giải pháp, cách thức tập hợp đội ngũ các nhà khoa học nữ, doanh nhân, nữ trí thức thuộc các tổ chức, cơ quan, đơn vị...
Cùng với đó, Hội đưa vào chương trình thu hút nhân tài nữ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có những đề xuất chính sách quan tâm tới họ. Chiến lược tổng thể làm sao mở rộng đối tượng tập hợp, đào tạo nhân tài ở nhiều lĩnh vực - những người có sức tác động tới xã hội; qua đó sẽ tạo ra những tác động tới mạng xã hội, tăng hiệu quả tuyên truyền, giáo dục tích cực tới giới trẻ.
Cùng chung mối quan tâm, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đưa ra gợi ý, trong khối doanh nghiệp tư nhân, hiện nay có 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân, chưa tính hộ kinh doanh cá thể. Giả sử một nửa lao động thuộc khu vực này là nữ; 50% doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn thì có ít nhất vài triệu phụ nữ. Số lượng lao động nữ ở khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong vài năm tới, khi phong trào khởi nghiệp đang lên rất cao. Chính vì vậy, rất "cần nghiên cứu, tìm giải pháp để tập hợp lao động nữ ở khu vực này", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nói.
Tính đến tháng 11/2019, cả nước có 18.768.412 hội viên (tăng 1.768.501 hội viên so với đầu nhiệm kỳ), số cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội đã giảm đáng kể (giảm 635 cơ sở, từ 1.037 cơ sở tháng 2/2019 giảm còn 402 cơ sở tháng 11/2019).
Hội nghị Ban chấp hành lần này cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; đồng thời thực hiện công tác kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam; ra mắt Cổng Thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam; phát động đợt thi đua đặc biệt năm 2020…