Không hề có chuyện sẽ xây điện thờ và hô nhập tượng?
Ngày 13/9, hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu và những động thái ban đầu đối với việc thay đổi một số cảnh quan tại gò Kim Châu trong hồ Văn thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám khiến dư luận không khỏi xôn xao bàn tán.
Điều đáng nói là sau khi các lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn cản nhưng hoạt động vẫn được diễn ra một cách lén lút. Chỉ khi cơ quan chính quyền mạnh tay cưỡng chế thì hoạt động này mới dừng hẳn. Theo đó, nhiều người cho rằng, lén lút chở nguyên vật liệu xây dựng vào gò Kim Châu là để xây dựng điện thời và hô thần nhập tượng tại đây.
Trò chuyện với ông Trương Đức Lạng người sinh sống lâu năm ở Ngõ Lương Sử A, phóng viên được biết: “Từ lâu, các cụ già ở khu vực lân cận đây ngày rằm, mồng 1 vẫn hay ra miếu thắp hương. Thấy sắp mùa mưa, rét mà miếu thì xập xệ quá nên các cụ tập trung lại với nhau mua mới nguyên vật liệu về để lợp lại ngói, trùng tu một số chỗ chứ không hề có ý định xây mới, hay lập điện thờ như báo chí đưa tin”.
Bà Lan người bán hàng rong quanh khu vực Văn Miếu cho biết: “Cũng không rõ là trong đó thờ cúng ai cả, người thì bảo thờ mẫu, người lại bảo do ngày xưa ai nhặt được hai tấm bia trong khuôn viên hồ, có người lại bảo bát hương trong đó được lập nên là để thờ cúng những người chết đuối tại hồ Văn. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thấy hoạt động hầu đồng hay gì diễn ra ở đây cả”.
Như vậy, với hoạt động thờ cúng diễn ra đã lâu ở đây và rõ ràng phải được sự chấp thuận của Ban quản lý di tích Văn Miếu thì mới tồn tại được lâu như vậy. Tuy nhiên, việc người dân tự ý chở nguyên vật liệu xây dựng vào khuôn viên di tích để xây dựng, hay trùng tu cũng là đều không được phép. Bởi đây là di tích quốc gia đặc biệt, mọi sự thay đổi, xê dịch di tích đều thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Văn Miếu dưới sự phê duyệt gắt gao của nhiều cơ quan chức năng khác. Chính vì lẽ đó mà khi chưa được sự cho phép thì mọi hoạt động tự phát nhằm thay đổi di tích cũng đều là vi phạm pháp luật về di sản.
Nghiêm khắc “mềm dẻo”, nên chăng?
Việc người dân tự ý mang nguyên vật liệu và có hoạt động xây, sửa trong khuôn viên di tích rồi các cơ quan chức năng mới biết đến và can thiệp là một hồi chuông báo động về sự nghiêm khắc, sát sao của các Ban quản lý các khu di tích. Bởi thực tế cho thấy, phải có sự “buông lỏng” thì người dân mới tự ý làm hoặc làm rồi quản lý mới biết mà hoạt động xây dựng trái phép tại gò Kim Châu thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày gần đây là một ví dụ điển hình.
Trước đó, bà Đỗ Thị Tám- Phó Giám đốc Trung tâm Văn Miếu cũng đã trả lời báo chí rằng, từ trước đến nay việc người dân nhang khói trong khuôn viên hồ Văn không có hành động gì thể hiện những sinh hoạt mê tín dị đoan. Ngày Rằm, mùng 1 người dân chỉ ra đó thắp nén hương, tranh thủ dọn rác ven hồ. Mỗi khi làm việc đó đều xin phép Ban quản lý.
Tuy nhiên, vì hoạt động trái phép của người dân gần đây đã vi phạm vào Điều 32, 33 Luật Di sản văn hóa quy định việc xây dựng các công trình tại di tích quốc gia phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin… Chính vì vậy mà theo quan sát của phóng viên thì sáng ngày 24/9 hoạt động xây dựng trái phép đã chấm dứt hoàn toàn, cổng vào hồ Văn đã bị khóa, thuyền người dân vẫn hay chèo để ra nhang khói đã được đưa lên bờ.
Đồng thời, Ban quản lý cũng đã dán thông báo tạm thời đóng cửa khu du tích hồ Văn để các cơ quan chức năng giám sát và chấm dứt hoàn toàn tình trạng xây dựng trái phép tại đây.
Tuy nhiên, trước sự chân thành của người dân trong suốt nhiều năm qua đối với việc nhang khói tại gò Kim Châu cũng như ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh, không gây mất trật tự trị an, đồng thời không xuất hiện các văn hóa tín ngưỡng trái phép diễn ra nên ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng ghi nhận điều đó trước báo chí và bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Ban quản lý di tích sẽ có được hướng giải quyết đúng đắn đối với vấn đề trên để sao vừa có thể để được lòng dân vừa đảm bảo nguyên gốc di tích, không bị xâm phạm.
Đề xuất này cần được cân nhắc kỹ để tránh việc xâm phạm di tích không cố ý hoặc cố ý một lần nữa diễn ra.