Những công ty nhỏ mới ra đời thường phải khó khăn lắm mới kiếm được một khách hàng. Nhưng những doanh nghiệp đã có một số thành công nhất định thì lại sẽ đối mặt với khá nhiều cơ hội kinh doanh, nhiều đề nghị hợp tác... Và thực tế cho thấy, rất nhiều công ty Việt mắc cùng một căn bệnh mà các học viên của Trường Doanh Nhân PACE hay gọi đùa là hội chứng “Gi-la-na”: Gặp cái Gì là Làm cái Nấy.
“Tham dĩa bỏ mâm” - một chiến lược nguy hiểm
Có một nữ doanh nhân khởi nghiệp bằng nghề làm nước tinh khiết. Chị chịu học, ham tìm hiểu sách vở và đặt cho doanh nghiệp của mình một sứ mệnh rất đúng: Cung cấp nước tinh khiết cho cuộc sống tinh khiết.
Công việc khá suôn sẻ và phát triển, chị nắm giữ một thị phần vững chắc trong phân khúc nước uống ở các công sở và nhà máy. Cho đến một ngày, khi trò chuyện với khách hàng là chủ đầu tư một cao ốc văn phòng đang muốn chuyển nhượng công trình này để xuất ngoại, chị thấy cũng khá hay, nên xắn tay vào đầu tư.
Công trình đầu thành công, người quen khác ngỏ lời cùng chị hợp tác trên khu đất khá đẹp của mình, nhưng không làm cao ốc văn phòng mà làm khách sạn. Thấy cũng không có gì phức tạp, lại có lợi nhuận tốt, chị nhảy vào làm.
Chị bận rộn hơn, suốt ngày đi lại với những đối tác xây dựng, nhà hàng, khách sạn và thỉnh thoảng mới ngó qua công việc kinh doanh nước tinh khiết của mình. Đôi khi cũng tắc lưỡi: “Vậy là không được, nhưng thôi đành…”.
Rồi chị mở một trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khách sạn, và phát hiện một thị trường đầy tiềm năng của sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Vậy là ngược Bắc xuôi Nam, bay đi bay lại Nhật Bản, Hàn Quốc liên tục trong hành trình tiếp cận dòng sản phẩm này.
Rồi một hôm, chị lại hồ hởi thông báo rằng mình đang xúc tiến dự án kinh doanh tảo biển cho các siêu thị…
Nhiều người hâm mộ khả năng nắm bắt cơ hội của chị. Nhiều người ganh tỵ với những công việc mà chị làm được. Nhưng có nhiều người tự hỏi: Cuối cùng nữ doanh nhân này đang kinh doanh trong lĩnh vực nào?
Hình như, có cái gì đó hơi mông lung và dàn trải trong việc kinh doanh của chị.
Hình như, có chút bất ổn về mặt năng lực chuyên môn khi cái gì chị cũng làm, và đội ngũ của chị luôn chạy theo hụt hơi với khả năng chụp lấy cơ hội của người thủ lĩnh này.
Và chuyện gì đến cũng phải đến. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho văn phòng cho thuê bị ế, khách sạn đang bị xuống cấp và dự án mỹ phẩm thất bại do chiếc tàu chở hàng về không phải chuyên dụng làm hỏng hết gần một nửa lượng mỹ phẩm.
Chị xoay sở nhiều hơn, người hốc hác hẳn đi. Nguồn thu duy nhất lúc này là từ nước tinh khiết, nhưng vì bỏ bê nó quá lâu, nên thị phần đã bị lấy mất đi nhiều, công nghệ đang bị lạc hậu và người tiêu dùng đang dần quên mất chị.
Và chị rơi vào bi kịch.
Câu chuyện của người nữ doanh nhân này, thật ra, là mô hình khá phổ biến tại Việt Nam. Thị trường bùng nổ, tạo ra hàng núi cơ hội cho mọi người. Chỉ cần một phút thiếu tỉnh táo, người ta lao ra với những việc không nằm trong chuyên môn của mình, ôm lấy những dự án nằm rất xa năng lực lõi của mình.
Ông bà xưa gọi đó là “tham dĩa bỏ mâm”, để đến lúc, như chị nước tinh khiết, “dĩa” chẳng thấy đâu mà “mâm” cũng mất tiêu.
Có hai câu hỏi rất lớn về mặt chiến lược mà mỗi doanh nghiệp phải tự vấn trước khi quyết định một dự án mới: Có nên làm hay không? Và làm việc đó như thế nào? Tiếc là thông thường, nhiều người dễ quên mất việc phải trả lời câu hỏi đầu tiên.
Người ta hay bị mặc định là phải tìm ra giải pháp cho công việc mới của mình, có khi là rất khó khăn, chật vật và để vuột mất những điều quý giá hơn.
Ngạn ngữ phương Đông có nói: “Người khôn ngoan thì không nên đẩy mình vào hoàn cảnh khó xử”. Trong trường hợp này, cái khó xử lớn nhất là khi đang có một chùm những công việc, thì phải ứng xử ra sao với nó: bỏ thì thương, mà vương thì… mắc nợ.
Bài thuốc quý cho cuộc hành trình dài
Hơn một thập kỷ hội nhập kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam không xa lạ gì với lý thuyết về năng lực lõi, tay nghề chuyên môn hay hoạch định chiến lược. Những bài giảng này xuất hiện khắp mọi nơi, từ lớp học cho đến mặt báo và ra đến những cuộc trò chuyện thân tình.
Ai cũng nghĩ mình hiểu thấu đáo về những lựa chọn đơn ngành hay đa ngành trong lĩnh vực kinh doanh. Ai cũng tin rằng mình đang hết sức tỉnh táo trong việc chỉ chớp lấy cơ hội trong ngắn hạn để sau đó quay lại định hướng lâu dài của mình. Vậy mà, nhìn quanh, sẽ dễ dàng nhận ra những doanh nghiệp đang bị “hội chứng Gi-la-na” là rất đông và có xu hướng ngày càng đông hơn.
Doanh nghiệp nào cũng thích chứng khoán, bất động sản… Điều này không có gì xấu, bởi nó mang lại lợi nhuận lớn và nhanh, nhưng liệu có thực sự phù hợp với chiến lược dài lâu của công ty. Doanh nghiệp nào cũng tiếc những cơ hội quá đẹp đang xuất hiện trước mắt mình.
Nhiều “tập đoàn” được hình thành với hàng loạt công ty con đẻ ra mà chưa kịp nuôi lớn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong ngắn hạn khi chớp được cơ hội gì thì ta sẽ ráng chớp lấy, hay khi khó khăn thì trước mắt cứ làm bừa… sau đó sẽ quay về với năng lực lõi, sau đó thành công rồi sẽ làm tử tế…. Nhưng lúc đó quay về năng lực lõi và giá trị gốc liệu có còn kịp, lúc đó làm đàng hoàng liệu có còn ai tin?
Nhìn xa hơn một chút, sang những đại công ty của thế giới. Hãng xe hơi Ford hay hãng giải khát Coca-cola chẳng hạn. Hàng trăm năm, họ chỉ kiên định đi theo con đường duy nhất mà mình đã chọn. Bởi những trải nghiệm thực tế của sự phát triển giúp họ hiểu rằng, chỉ có thể tạo nên sự phát triển lớn mạnh và trường tồn khi xắn tay áo thực hiện điều mà mình giỏi nhất, yêu thích nhất. Nghĩa là, có những cơ hội thì mình phải chớp lấy, nhưng có rất nhiều cơ hội mình không nên tiếc.
Bởi những đại công ty này còn có nhiều cơ hội hơn mình nhiều, có nhiều năng lực hơn mình nhiều, nhưng tại sao họ lại có thể “miễn nhiễm” với những “virus-tham-việc”!?
Thực ra đa ngành không phải là tệ, đơn ngành cũng chưa phải đã hay, vì nhiều công ty đa ngành mà vẫn thành công và nhiều doanh nghiệp đơn ngành mà vẫn không mạnh đó thôi. Tuy nhiên, điều mà chúng ta nhấn mạnh ở đây, không phải là câu chuyện đơn ngành hay đa ngành, mà là câu chuyện của “năng lực cốt lõi”, câu chuyện “giá trị nền tảng”, câu chuyện “lớn và trường tồn”…
Để doanh nghiệp thiệt là khỏe, đủ sức đi xa, đi dài trong hành trình chinh phục những đỉnh cao mới, thì cần một bài thuốc tốt để chống lại hội chứng Gi-la-na.
Sẽ không quá khó, đó là phải nghĩ khác đi. Tức là khi nghĩ về chiến lược, về con đường mà doanh nghiệp sẽ đi, hãy nghĩ rộng về không gian, nghĩ xa về thời gian và nghĩ lớn về quy mô. Như thế, bằng sức mạnh nền tảng của mình, chúng ta đủ định hướng để đi trọn hành trình doanh thương lâu dài mà mình mong ước.