Bạo lực học đường và những bất cập trong chương trình giảng dạy là hai vấn đề được gần 100 học sinh “mổ xẻ” nhiều trong buổi đối thoại trực tiếp “Tiếng nói học sinh THPT TP HCM” với lãnh đạo Sở GD- ĐT thành phố sáng 25/3.
Đây là lần thứ hai, Sở GD- ĐT TP HCM tổ chức đối thoại trực tiếp giữa học sinh và lãnh đạo ngành giáo dục thành phố.
Phản đối đuổi học để kỷ luật
Liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, Đặng Thùy Trang, học sinh lớp 10 THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh cho rằng: hình thức đuổi học để kỷ luật, răn đe những học sinh đánh nhau là phản tác dụng giáo dục. Vì theo Trang, đối với những học sinh cá biệt, dùng hình thức kỷ luật quá nặng sẽ đẩy các bạn vào bước đường cùng. Đồng tình với ý kiến trên, Phương Thảo, lớp 11 THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận “hiến kế”: Thay vì đưa ra những biện pháp kỷ luật cứng rắn, nhà trường nên quan tâm nhiều đến những học sinh này, tích cực giáo dục giúp họ rèn luyện chứ không nên buộc thôi học.
Học sinh thẳng thắn gửi tới lãnh đạo Sở GD- ĐT TP HCM những câu hỏi khó. Ảnh: Nguyễn Thủy |
Ở một góc độ khác, Quỳnh Châu, THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, khá thẳng thắn khi cho rằng “người lớn quá vô cảm, thờ ơ trước vấn nạn bạo lực học đường khi chỉ giải quyết phần ngọn lúc sự việc đã xảy ra, mà không sâu sát, can thiệp sớm ngay từ đầu”. Còn Nguyễn Xuân Thọ, Phó bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn chất vấn: Thực tế, bạo lực học đường tiềm ẩn và được báo động nhiều năm qua, nhưng Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT không vào cuộc sớm. “Đợi khi các cơ quan truyền thông khui ra những sự việc nghiêm trọng mới bắt đầu đề cập, liệu có quá muộn không?”.
Tổng kết môn 10 phẩy nhưng không…hiểu bài
Từ những bức xúc về vấn nạn bạo lực học đường, nhiều học sinh đã liên hệ chéo tới chương trình đào tạo hiện nay: khô cứng, không thiết thực, đặc biệt là môn giáo dục công dân. Theo Ngọc Mai, lớp 10 trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, “khoảng trống về kỹ năng sống là lý do khiến nhiều học sinh sẵn sàng dùng bạo lực giải quyết những va chạm nhỏ”. Còn Ngọc Hà, lớp 12, THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn tâm sự: “dù điểm trung bình môn giáo dục công dân đạt 10 phẩy, nhưng thú thật em không hiểu gì cả, chỉ đơn giản là học thuộc bài mà thôi”.
Tại buổi đối thoại, nhiều HS cũng thẳng thắn phản ánh: “Trong khi Bộ GD-ĐT kêu gọi xóa đọc chép, các thầy cô chuyển sang “gạch dưới - học thuộc lòng”. Chẳng hạn, với môn Văn thì học sinh học thuộc thông tin về tác giả, viết tập làm văn thì phải theo ý có thang điểm cho sẵn. Hay như môn Anh Văn quá nặng về kiểm tra viết, dẫn đến việc học sinh thiếu tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài… Thậm chí một số em đặt vấn đề: “Học sinh phải chạy show học thêm, tăng tiết quá nhiều, phải chăng vì giáo viên cố tình “giấu nghề”? Ngành giáo dục có biện pháp nào ngăn chặn thực trạng này hay không?”
Tuy nhiên, sau khi đã hăng hái nêu khá nhiều ý kiến, không ít học sinh chia sẻ với Đất Việt về câu chuyện: “rồi đâu lại vào đấy”. Thực tế, có mặt tại buổi đối thoại này, đại diện các trường và lãnh đạo Sở cũng chỉ dừng lại ở “lời hứa” và “ghi nhận để xem xét”.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, Sở sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các em về chương trình học, sắp tới ngành tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Về vấn nạn dạy thêm, học thêm, đọc chép còn tồn tại, Sở sẽ khảo sát, kiểm tra thực tế ở từng trường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Theo