Theo tờ Phil Star của Philippines, cảnh báo nói trên được ông Hardeep Singh Puri – Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) của Ấn Độ - đưa ra rại buổi nói chuyện với giới truyền thông Đông Nam Á. Ông Puri là một học giả và nhà ngoại giao hàng đầu của Ấn Độ và cũng là cựu Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ.
Trong bài phát biểu của mình, ông Puri cho rằng các nước ASEAN cần phải tận dụng chính sách đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Song, theo ông, các nước cũng phải xem xét về các cách thức để trả nợ và rằng các dự án đó có khả thi hay không.
“Tôi nghĩ các nước ASEAN dù nhỏ hay lớn đều có khả năng phục hồi nhưng phải cẩn thận về những dự án đưa đến nhiều tiền một cách dễ dàng. Đó phải là những dự án khả thi và các bạn phải có khả năng trả nợ. Nếu những dự án đó dẫn đến nợ nần hay các điều khoản về cổ phần thì hãy bỏ qua”, ông Puri cảnh báo.
Cựu đại sứ Ấn Độ lấy trường hợp các thỏa thuận đầu tư xây dựng một cảng biển sâu và một sân bay quốc tế ở các khu vực Hambantota và Mattala của Sri Lanka với Trung Quốc để chứng minh cho cảnh báo của mình. Ông cho hay, chỉ sau khi bắt tay vào các dự án đầu tư với Trung Quốc, chính phủ Sri Lanka mới nhận thấy rằng các dự án đó là không khả thi vì tại các khu vực vùng sâu, vùng xa ở gần Cảng biển Hambantota và Sân bay quốc tế Mattala không có các dự án phát triển đi kèm để thu hút tàu bè, hàng hóa cũng như du khách. Kết quả là, Sân bay quốc tế Mattala hiện được cho là sân bay vắng khách nhất thế giới. Chỉ riêng chi phí duy trì hoạt động của sân bay này cũng đã khiến chính phủ Sri Lanka phải chi ra khá nhiều tiền.
Hồi tháng 10 năm ngoái, chính phủ Sri Lanka đã thông báo tiến hành thỏa thuận gán nợ lấy cổ phần với 2 công ty tư nhân của Trung Quốc để gánh giúp phần lớn trong khoản nợ hơn 8 tỉ USD của Sri Lanka với Chính phủ Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, các công ty Trung Quốc sẽ sở hữu phần lớn số cổ phiếu ở 2 dự án trên và sẽ nắm quyền điều hành hoạt động ở các dự án này.
Cần phải nói thêm rằng cảng biển Hambantota có vị trí chiến lược quan trọng ổ Ấn Độ Dương. “Khoảng 65% trong tổng GDP của Sri Lanka hiện nay là nợ. Nợ hàng năm của Chính phủ nước này khoảng 8 đến 10 tỉ USD. Nếu chỉ có một nền kinh tế quy mô nhỏ mà khoảng 70% trong đó là nợ, anh sẽ không thể điều hành đất nước một cách hiệu quả”, ông Puri nói thêm.
Từ trường hợp trên, ông Puri cho rằng chính phủ của Tổng thống Philippines Duterte phải đảm bảo không để xảy ra tình huống tương tự với nước. Ông đặc biệt lưu ý đến việc khoảng 24 tỉ USD tiền nợ và tiền đầu tư mà chính phủ Philippines nhận được trong năm ngoái đến từ Trung Quốc. Trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Bắc Kinh, 2 nước cũng đã ký các thỏa thuận trị giá khoảng 15 tỉ USD.
Phần lớn các khoản đầu tư có bảo đảm là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như cảng biển, các dự án đường sắt, nhà máy điện, đường, cầu. “Trong cuộc chơi này không có từ thiện hay lòng vị tha. Ở Sri Lanka, nợ đã được chuyển thành cổ phần. Vấn đề là nếu nợ chuyển thành cổ phần tức là đang bán nước”, ông Puri nói. Song, ông từ chối trả lời về việc chính sách đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc ở không chỉ Philippines mà còn ở các nước ASEAN khác có liên quan đến nỗ lực “bịt miệng” các nước này trong vấn đề tranh chấp Biển Đông hay không. “Tôi không muốn võ đoán. Nhưng khi một nước thực hiện các chính sách như vậy, họ phải có động cơ của riêng mình”, ông nói.
Theo Huffington Post, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2014, chính phủ, các công ty và ngân hàng của Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay khoảng 86 tỉ USD. Trong nhiều thỏa thuận, khoản nợ được bảo đảm bằng dầu mỏ, khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác. Nhưng, trong bối cảnh giá hàng hóa thấp, các nước châu Phi đã gặp nhiều khó khăn trong việc trả những món nợ khổng lồ cho Trung Quốc. Ví dụ, phần lớn xuất khẩu dầu mỏ của Angola được sử dụng để trả khoản nợ ít nhất là 20 tỉ USD cho Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Angola không thu được tiền từ xuất khẩu dầu, dẫn đến khủng hoảng thanh khoản, đồng thời cũng khiến lạm phát gia tăng.
Tờ New York Times tuần này cũng có bài viết về những lo ngại của một số người đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Tờ báo cho biết, Canada – cũng tương tự Mỹ và một số nước khác – đang phải đối phó với việc phải xử lý hàng tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc. Những thương vụ mua bán có yếu tố Trung Quốc ở nước này gần đây bao gồm từ mua các công ty dầu mỏ lớn, các tòa nhà văn phòng cho đến các công ty công nghệ tiên tiến. Nhiều người tại Canada đã lên tiếng phản đối các thương vụ này vì lo ngại Trung Quốc có thể tiếp cận các công nghệ nhạy cảm. Với người dân, nhiều người Canada hiện cho rằng tiền của Trung Quốc đổ vào nước này đã khiến giá nhà ở các nơi như Vancouver tăng mạnh, đồng thời cũng khiến lập trường của Chính phủ trong nhiều chủ đề, như nhân quyền, trở nên mềm mỏng hơn.