Trong các báo cáo gần đây, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết ở khu vực Đông Phi số người tị nạn tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn đã tăng thêm 640.000 người, nâng tổng số lên 4,4 triệu người trong 6 tháng qua. OCHA cho biết tại khu vực Sừng châu Phi và Hồ Lớn đã có thêm 3 triệu người phải di dời kể từ đầu năm nay.
Hạn hán, mất mùa
Bản báo cáo cho biết: “Nguyên nhân số người tị nạn gia tăng là những đợt hạn hán và mùa màng thất bát, xung đột, mất an ninh và những cú sốc kinh tế ảnh hưởng đến những nhóm người dễ bị tổn thương nhất”. Khu vực Đông Phi đã phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử khu vực. Mùa mưa đến muộn và lượng mưa đầu mùa không đủ, chỉ đạt dưới mức trung bình vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Tình trạng hạn hán hiện nay ở Vùng Sừng châu Phi tương tự như khoảng thời gian tháng 10-11/2010 và đạt đỉnh điểm hồi năm 2011, dẫn tới khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại đây.
Mất mùa và lượng hoa màu giảm mạnh là tình trạng chung được ghi nhận trên khắp Somalia, phía Đông Nam Ethiopia và bờ biển Kenya. Theo Cơ quan Nhân đạo LHQ, phía Bắc và phía Tây của Kenya, phía Tây Nam của Ethiopia và phía Đông của Uganda cũng đang bị ảnh hưởng, dù hậu quả do hạn hán gây ra thấp hơn. Đặc biệt, nhiều gia súc, gia cầm tại các vùng này đã chết do hạn hán và thiếu nước. Theo các báo cáo mới đây của Chính phủ Somalia, do gia súc, gia cầm chết nhiều nên các hộ gia đình ở miền Bắc và miền Trung nước này đã mất từ 40% đến 60% tổng đàn gia súc, gia cầm của họ, còn các hộ gia đình ở vùng phía Nam bị thiệt hại từ 20% đến 40% số lượng gia súc, gia cầm.
Đặc biệt, số người rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng trong 6 tháng qua đã tăng đáng kể lên tới 26,5 triệu người, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Nam Sudan, nạn đói đã ảnh hưởng đến 90.000 người tại bang Unity. Theo báo cáo của OCHA vừa được công bố, tình hình ở Nam Sudan đang tiếp tục xấu đi khi 5,5 triệu người đang rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng do mất mùa bởi hạn hán kéo dài.
Trong khi đó, tình hình tại Somalia cũng đang xấu đi và đặc biệt đáng lo ngại trước dự báo sẽ có khoảng 3,2 triệu người phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực và cần viện trợ lương thực, thực phẩm khẩn cấp (tăng thêm 1,3 triệu người). Tình hình hạn hán nghiêm trọng, giá cả leo thang và lượng mưa khan hiếm càng khiến nguy cơ xảy ra nạn đói ở Somalia là khó tránh khỏi trong năm 2017. OCHA cũng đưa ra dự báo số người đương đầu với tình trạng mất an ninh lương thực ở Ethiopia đã tăng từ 5,6 triệu người lên 7,8 triệu người từ khi bắt đầu có dấu hiệu mùa mưa năm nay có thể đến chậm hơn mọi năm tại quốc gia Đông Phi này.
Thiếu đói nghiêm trọng
Báo cáo còn nêu rõ con số trên được dự báo sẽ tăng thêm trong 6 tháng cuối năm nay. Tại Burundi, 2,6 triệu người có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, trong đó có hơn 700.000 người đang ở trong giai đoạn khủng hoảng và 2,6 triệu người Kenya đang thiếu ăn. Cơ quan Nhân đạo LHQ cũng cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực sẽ trở nên tồi tệ hơn do xung đột vũ trang vẫn đang tiếp diễn và hiện tượng El Nino gia tăng trong thời gian tới. Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự báo hiện tượng El Nino xảy ra mùa Thu năm nay và có thể gia tăng 50-60%, dự kiến sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tại Ethiopia, phía Bắc Kenya, Somalia, miền Tây Uganda, Rwanda, Burundi và Nam Sudan.
Theo OCHA, suy dinh dưỡng cấp tính đối với những người tị nạn và trẻ em dưới 5 tuổi, những bà mẹ mang thai và cho con bú vẫn đang là mối quan tâm chính của nhiều vùng như Nam Sudan, Sudan, bao gồm khu vực Darfur, vùng Kordofan và phía Đông Sudan, phía Bắc Kenya và vùng Karamoja của Uganda. Tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính toàn cầu (GAM) ở Nam Sudan đã vượt quá ngưỡng khẩn cấp 15% ở 7 trong số 10 tiểu bang và đạt 33% ở miền Bắc Bahr el-Ghazal.
Trong khi đó, báo cáo cho biết có 640.000 người đã tìm kiếm nơi trú ẩn kể từ đầu năm 2017, tăng thêm 4,4 triệu người tị nạn và xin quyền tị nạn ở vùng Hồ Lớn và Sừng châu Phi. Đa số những người mới di cư đến từ Nam Sudan và Burundi, đặc biệt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan bị coi là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt, gần 2 triệu người đang phải di cư và hơn 1,9 triệu người đã và đang trốn chạy khỏi quốc gia trẻ nhất thế giới và xin tị nạn ở các nước láng giềng kể từ tháng 12/2013.
Cơ quan Nhân đạo LHQ cho biết việc gia tăng số người di cư cho thấy sự cần thiết phải xem xét lại Kế hoạch ứng phó với người tị nạn ở Nam Sudan (RRRP) và dự kiến sẽ có 2,13 triệu người tị nạn đến từ Nam Sudan vào cuối năm 2017. Theo cơ quan này, hiện gần 65.000 người Burundi đã và đang tìm kiếm nơi ẩn náu từ đầu năm nay và đưa tổng số người tị nạn mới của quốc gia châu Phi này lên tới 408.857 người...