Đằng sau những cái chết của cô dâu Việt nơi xứ người, có rất nhiều phân tích, mổ xẻ. Nhưng, chưa thấy ai nói rằng một trong những nguyên nhân của cái chết đó là do họ chưa được học cách… lấy chồng.
Lớp học chọn chồng
Tháng 6 năm ngoái, một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra trên tờ Telegraph của nước Anh khi tờ báo này đăng bài phát biểu của bà Helen Fraser, giám đốc của Girls’ Day School Trust - một tổ chức gồm 24 trường tư và hai học viện dành cho nữ sinh tại Anh và xứ Wales rằng: cần dạy phụ nữ cách tìm chồng ngay từ khi còn là một nữ sinh.
Cô dâu Việt học nấu món ăn Hàn |
Bà Helen Fraser đưa ra quan điểm rằng một người phụ nữ ngày nay có thể cùng lúc đạt được sự nghiệp, gia đình và con cái, nếu như họ được chuẩn bị tốt và sớm những tư duy về người đàn ông sẽ là chồng mình. Và, để tìm được người đàn ông như vậy, thì phụ nữ cũng phải học qua một lớp học chọn chồng.
Đồng ý tưởng với bà Helen Fraser, năm 2009, tại Thượng Hải, Trung Quốc, một phụ nữ tên là Liang Yali đã mở một trung tâm đào tạo những phụ nữ độc thân để họ có thể lấy được người chồng ưng ý. Dù mỗi khoá học sẽ phải trả khoản tiền tương đương 2.000 USD, nhưng vẫn thu hút được rất nhiều người tham dự.
Các bậc cha mẹ ở Việt Nam xưa nay, hầu hết chỉ dốc sức đầu tư cho con cái mình thành đạt cho trong công việc, mà quên mất rằng, việc dạy con tìm kiếm được người bạn đời phù hợp cũng rất quan trọng. Bởi, tiêu chí hạnh phúc đã được xã hội công nhận đó là thành đạt trong công việc và có một gia đình vui vẻ. Không hiếm gặp những chính trị gia, những CEO, những doanh nhân sáng chói trên chính trường, thương trường nhưng lại ngậm ngùi với gia cảnh tan vỡ của mình.
Quay lại với thân phận của các cô dâu Việt xứ người. Đằng sau những cái chết của cô dâu Việt nơi xứ người, có rất nhiều phân tích, mổ xẻ. Nhưng, chưa thấy ai nói rằng một trong những nguyên nhân của cái chết đó là do họ chưa được học cách… lấy chồng.
Hay nói cách khác, cô dâu Việt chưa được hướng dẫn học tập để chung sống với những người chồng tương lai chứa đựng rất nhiều xung đột về văn hóa, phong tục. Trên phim ảnh Hàn Quốc, Đài Loan, đàn ông đều là những hình tượng lãng mạn, say đắm, ngọt ngào, nhưng ngoài đời lại trái ngược hoàn toàn.
Là công dân của quốc gia ảnh hưởng Nho giáo nặng nề, đàn ông Hàn, Đài Loan đều gia trưởng đến khắc nghiệt, trong khi đó các cô gái đến từ miền Tây lại rất phóng khoáng, hướng ngoại.
Đời không như phim
Theo con số của Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn, tính từ năm 2002 đến năm 2011, có khoảng 50.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc, chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 79% của cả nước.
Giáo sư Kim Hyun-jae thuộc trường đại học Youngsan (Hàn Quốc) đánh giá có khoảng 7% phụ nữ Việt Nam không hạnh phúc khi lấy chồng Hàn Quốc. Nguyên nhân chính bởi cô dâu Việt chưa có được những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, hiểu về luật pháp của nước sở tại trước khi đến làm dâu.
Nhận diện được vấn đề, TW Hội LHPN Việt Nam và Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong đó hai bên sẽ tiến hành thực hiện Chương trình giáo dục định hướng cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn trước khi sang Hàn Quốc.
Trong năm 2012, Chương trình đã tổ chức được 48 lớp cho trên 1.300 học viên. Nội dung lớp học do chuyên gia của KOCUN (Trung tâm chính sách nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Hàn Quốc) và Ban Thường vụ Hội LHPN TP Cần Thơ – địa phương được hai bên chọn là nơi tổ chức thực hiện - đảm nhận. Phía Hàn Quốc hướng dẫn những thông tin cơ bản về đất nước Hàn Quốc, dạy tiếng Hàn cơ bản, các ngày lễ, Tết, văn hóa ẩm thực, phương tiện giao thông, nhà ở sinh hoạt, mua sắm hàng hóa, nhận biết về tiền Hàn Quốc; giới thiệu Trung tâm hỗ trợ phụ nữ di cư, Trung tâm hỗ trợ phụ nữ khẩn cấp…
Phía Việt Nam giới thiệu về giáo dục truyền thống, phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống gia đình, cách ứng xử trong vai trò làm dâu, làm vợ, làm mẹ; những điều cần biết và một số điểm cần chú ý khi kết hôn với người nước ngoài; những câu chuyện thực tế về cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc.
Qua học tập, học viên (là phụ nữ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành hồ sơ đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp hoặc Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM), đều cảm thấy yên tâm và khỏi bỡ ngỡ khi sang làm dâu Hàn Quốc.
Thậm chí, có học viên sau khóa học đã “tỉnh mộng” thốt lên: “Đời không như phim!” bởi trước đó, cô chỉ được giới thiệu ý trung nhân thông qua các trung tâm môi giới hoặc qua các mối quen biết trong họ hàng. Những lời kể, những tấm hình gửi về từ Hàn Quốc thường chỉ là các câu chuyện thành công trong hôn nhân, sự hào nhoáng được tô vẽ thêm đó đã che khuất thực tế cuộc sống.
Diệu Anh