Hải Phòng hiện có 14 tuyến xe buýt do 6 đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác nhau khai thác với hơn 130 đầu xe. Các tuyến xe buýt kết nối những cửa ô với đường trục chính, khu công nghiệp, dân cư...bước đầu được nhân dân đón nhận, nhất là học sinh, sinh viên, CNVC. Rõ ràng việc hình thành các tuyến xe buýt là chủ trương đúng, hướng tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, dần thay thế phương tiện cá nhân.
Trong tổng số 131 xe buýt hiện đang hoạt động, chỉ có 21 xe được đầu tư từ ngân sách Nhà nước do Xí nghiệp xe buýt (Công ty TNHH MTV đường bộ Hải Phòng) khai thác. Các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt còn lại thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh hoạt động theo chủ trương xã hội hóa, tức là không được thành phố bù lỗ. Chất lượng phục vụ hành khách của Xí nghiệp xe buýt Công ty Đường bộ được đánh giá khá tốt. Từ thái độ của lái xe, phụ xe đến việc tuân thủ hành trình dừng đón, trả khách và chế độ bảo dưỡng, bảo trì, duy trì tình trạng kỹ thuật an toàn của xe buýt khá tốt, thu hút lượng lớn người đi xe buýt trên 2 tuyến đảm nhiệm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng chất lượng phục vụ hành khách. Có doanh nghiệp khi mới thành lập hăng hái đăng ký đến 5 tuyến, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, đầu tư phương tiện chưa phù hợp, hoạt động một thời gian đành thu hẹp quy mô như Công ty xe buýt Quảng Đông. Hiện công ty này rút lại 2/5 tuyến xe buýt đã đăng ký. Một số tuyến khác hoạt động rệu rã do phương tiện không được nâng cấp kịp thời, xe bẩn, lái xe chạy cẩu thả, làm mất đi hình ảnh ban đầu tham gia lĩnh vực này.
Trong số 6 doanh nghiệp đang kinh doanh, khai thác xe buýt ở Hải Phòng, có 2 đơn vị báo lỗ. Một trong số đó là Công ty Đường bộ (thuộc Sở Giao thông – Vận tải). Từ tháng 7-2010, Liên doanh BIC Vietnam ngừng hoạt động, Công ty Thịnh Hưng và Tân Việt thế chỗ và khai thác, song cũng gặp những khó khăn nhất định. Hiện trên 14 tuyến xe buýt ở Hải Phòng có 55 nhà chờ, 285 điểm dừng đỗ (có biển báo), bằng 50% so với yêu cầu quy định. Điều đáng nói là các nhà chờ, biển báo do các đơn vị tự đầu tư trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát riêng (thành phố chưa quy hoạch điểm dừng đỗ cho xe buýt đón trả khách) dẫn tới hạn chế như: mạng lưới các tuyến xe buýt ở Hải Phòng chưa bảo đảm tính kết nối, hệ thống hoàn chỉnh, chưa có sự hỗ trợ của hệ thống thông tin liên lạc, chỉ dẫn về tuyến, lộ trình, tần suất vận hành xe... làm hạn chế tính phổ cập, giá rẻ, hiệu quả mà xe buýt mang lại.
Những vấn đề cần sớm giải quyết
Để hoạt động xe buýt ở Hải Phòng ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, cần sớm giải quyết một số vấn đề. Thứ nhất, giá vé xe buýt tại Hải Phòng hiện do các doanh nghiệp quyết định. Vé tháng áp dụng cho một tuyến xe buýt trung bình khoảng 300 nghìn đồng, chiếm khoảng 25% thu nhập bình quân mỗi tháng của người lao động. Điều này chưa hợp lý. Giá vé dịch vụ này chỉ nên chiếm không quá 10% thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động. Như vậy, thành phố nên áp dụng giá vé xe buýt đồng loạt, coi đó là biện pháp tối ưu để hạ giá vé, hấp dẫn người dân tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải cộng cộng để đi lại. Thứ hai, vấn đề xã hội hóa vận tải xe buýt không nên giao cho doanh nghiệp tự quản, tự chủ, mà nên xác định khung doanh thu mỗi tuyến xe, tổ chức lại thành những gói thầu để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Sở Giao thông-Vận tải tham mưu với thành phố tạo lập “khung pháp lý" quản lý, thống nhất giá vé phù hợp với thu nhập của người lao động. Cần sớm quy hoạch xây dựng các tuyến xe buýt có sự kết nối tại các điểm giao nhau giữa các tuyến để hành khách có thể chuyển tuyến dễ dàng, thuận lợi./.
Anh Tú