Nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ hoạt động 5 năm (2005 – 2010) của Hội Nạn nhân chất độc da cam, phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin thành phố Nguyễn Hữu Ý về hiệu quả, ý nghĩa của chương trình hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam 5 năm qua
-Ông có thể cho biết kết quả nổi bật trong hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam của các cấp Hội trong 5 năm qua?
-5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin thành phố phối hợp vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, tặng quà các nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá hơn 12,6 tỷ đồng. Trong đó thăm, tặng quà hơn 37,7 nghìn lượt người, xây mới, sửa chữa, nâng cấp 123 nhà trị giá hơn 3,3 tỷ đồng; tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ đột xuất 501 người. Ngoài ra, Hội phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức khám, chữa bệnh; hỗ trợ giống, vốn làm kinh tế gia đình; đỡ đầu học chữ, học nghề; tặng xe lăn; trợ dưỡng con cháu nạn nhân chất độc da cam…
Hội thường xuyên giữ mối liên hệ, tranh thủ sự giúp đỡ của Sở Ngoại vụ, Hội Liên lạc Việt kiều thành phố trong việc tuyên truyền, giới thiệu địa chỉ các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, chăm sóc, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân là người nước ngoài đầu tư dự án, đỡ đầu, tặng học bổng con, cháu nạn nhân có khả năng học tập, sản xuất…Trong 5 năm (2005-2010), Hội đón tiếp và làm việc với 10 đoàn là tổ chức, cá nhân Việt kiều và người nước ngoài từ Mỹ, Đức, Canađa, Hà Lan, Thụy Điển, Anh; 4 lần trực tiếp làm việc với Đồng chủ tịch Quỹ di sản chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Phong trào vận động trách nhiệm cứu trợ nạn nhân chất độc da cam tại Mỹ Mơrátnơ và đoàn phóng viên hãng phim ERIN (Mỹ). Thông qua tiếp xúc, trao đổi trực tiếp, lãnh đạo các đoàn trên cảm thông sâu sắc và khẳng định sự ủng hộ đối với tổ chức hội và các nạn nhân chất độc da cam, nhất là các cựu chiến binh tham gia kháng chiến bị nhiễm chất hóa học.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân da cam thành phố trao nhà tình nghĩa tặng gia đình bác Phạm Văn Bê ở xã Tú Sơn (Kiến Thụy) |
-Theo ông, những kết quả này có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện chủ đề năm 2010 của thành phố về bảo đảm an sinh xã hội?
-Kết quả các cấp hội đạt được trong 5 năm qua mang ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, có tác động tích cực trong việc cùng thành phố thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Kết quả rõ nét nhất chúng tôi đạt được là tạo sức mạnh đoàn kết vì nạn nhân chất độc da cam trong đông đảo các tầng lớp nhân dân… Đó là Đại tá quân đội nghỉ hưu hơn 80 tuổi Lê Cần, ở số 27/333 phố Văn Cao nhiều năm tiết kiệm để dành 300 triệu đồng hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Cháu Nguyễn Hoàng Minh, ở số 26/30 phố Lý Tự Trọng tiết kiệm tiền mừng tuổi, tiền ăn quà từ lớp 1 đến lớp 12 để hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà tình nghĩa tặng gia đình nạn nhân chất độc da cam. Cháu Trần Thị Thêm, ở số 67/414 phố Tô Hiệu đi rửa bát thuê để nuôi sống bản thân cũng chắt bóp, dành dụm hỗ trợ nạn nhân hàng triệu đồng. Nhiều nhà hảo tâm nhà sư, linh mục và người nghèo nhân dịp Ngày cả nước vì nạn nhân chất độc da cam đều ủng hộ vật chất, chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân…
-Hoạt động trọng tâm trong thời gian tới của các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam?
-Thực hiện tốt chủ đề năm của thành phố về “bảo đảm an sinh xã hội” và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các cấp hội phấn đấu làm mới, nâng cấp, sửa chữa 60-90 nhà cho các nạn nhân chất độc da cam thuộc diện hộ nghèo. Hỗ trợ vốn giúp những người còn khả năng lao động, phát triển kinh tế gia đình, mỗi suất từ 3-5 triệu đồng. Các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp từ 5-15 triệu đồng/suất. Hội phấn đấu hoàn thiện Trung tâm bán trú nuôi dưỡng, dạy nghề nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở huyện An Dương.
Từ thực tiễn hoạt động của Hội và sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, chúng tôi đề nghị Sở Y tế, Hội đồng giám định y khoa tích cực tổ chức nhiều đợt khám, giám định, kết luận bệnh tật của nạn nhân chất độc da cam. Vừa qua, bình quân mỗi đợt chỉ giám định được 200 trường hợp, đến tháng 7-2010, thành phố còn đọng 3000 hồ sơ chưa được giám định. Thực tế, có người chưa kịp giám định, hoặc chưa kịp nhận trợ cấp thì đã qua đời, vì vậy, nếu không đẩy nhanh tiến độ và số lượng giám định thì nạn nhân chất độc da cam sẽ rất thiệt thòi.
Hiện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin chưa có định biên chính thức bộ máy làm việc, chưa có trụ sở chính thức để hoạt động, phương tiện đi lại, chi phí xăng dầu đều do cán bộ trích từ lương hưu hoặc trợ cấp ít ỏi của mình. Chúng tôi mong UBND thành phố, cơ quan chức năng quan tâm tạo điều kiện để tổ chức hội có định biên, trụ sở làm việc để các cán bộ hội yên tâm công tác …
-Xin cảm ơn ông!
Thanh Thủy thực hiện