Chiều ngày 16-11-2010, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Dương.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thảo luận ở tổ. |
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chủ trì thảo luận tại tổ. Các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề cơ bản của dự thảo luật như vấn đề kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự; thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự; vấn đề buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; quy định thẩm quyền của Tòa án giải quyết việc công nhận sự thỏa thuận về quyền, lợi ích hợp pháp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự; việc phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao,...
ĐB Phạm Quý Tỵ (Bình Dương) cho rằng, theo luật hiện hành thì người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại cụ thể phát sinh do hậu quả của việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Dự thảo luật sửa đổi điều luật này theo hướng mở rộng hơn, quy định thêm một hình thức bảo lãnh khác là việc bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. ĐB đề nghị cần xem xét rất thận trọng đề xuất này của Tòa án Nhân dân tối cao.
Về cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, ĐB cho rằng đây là vấn đề rất phức tạp, mỗi năm Tòa án Nhân dân tối cao nhận mười mấy ngàn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nên xem xét không hết, còn tồn trên dưới bốn ngàn đơn khiếu nại dạng này, và tình trạng này cứ kéo dài qua nhiều năm. Do đó, ĐB đề nghị cần sửa điều luật này để tạo cơ chế rộng rãi hơn cho Tòa án, giúp cho Tòa án không bị vướng mắc trong trường hợp công dân gửi đơn mà Tòa chưa kịp xem xét nhưng đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, việc quy định cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao là rất cần thiết. Không nên đặt ra vấn đề phổ biến hay không phổ biến khi xem xét lại các bản án của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, vì trong thực tế nếu có hàng chục vụ, thậm chí hàng trăm vụ án của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao mà xử oan, xử sai thì đều phải được xem xét lại. Các Ủy ban của Quốc hội đi giám sát nếu phát hiện có oan, sai thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Bá Thanh, vấn đề quan trọng là có đủ trình độ, năng lực, khả năng giám sát hay không. ĐB đề nghị luật cần quy định theo hướng, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao khi xét xử nên bỏ phiếu kín, chứ không nên quy định biểu quyết, vì nếu biểu quyết sẽ xảy ra tình trạng nể nang, dễ dẫn đến sai lầm.
ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, cần quy định cơ chế đặc biệt khi xem xét lại bản án của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao theo hướng chỉ khi vụ án nào mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến thì mới được xem xét lại và khi xử lại các vụ án loại này thì phải được 2/3 thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.
Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, quan điểm là làm sai thì phải sửa. Cách sửa là họp lại, bỏ phiếu. Không phải lúc nào Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng ngồi lại để xử lý những vụ việc này. Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã xử sai thì phải tự sửa, không thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và phải có ý kiến về vụ án đó thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao mới xem xét lại.
ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Quảng Ngãi) nhận định việc sửa luật này là rất cần thiết. Tỷ lệ án sửa, hủy nhiều trong thời gian qua ngoài ý thức chủ quan của Thẩm phán còn do cơ chế luật pháp hiện hành khi quy định đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, dẫn đến ở cấp sơ thẩm thì đương sự không chịu hoặc chỉ cung cấp một số chứng cứ, nhưng đến cấp phúc thẩm thì lại cung cấp thêm chứng cứ, làm cho Tòa án bị động, lúng túng. Cũng có đương sự lợi dụng quy định này để làm khó cho Tòa án.
Theo ĐB thì tại phiên tòa dân sự, Viện kiểm sát không nên phát biểu về nội dung vụ án. Đồng thời, ĐB cùng đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) là phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có thể quy định bỏ phiếu kín.
(PHẠM HỮU HOA)