(LĐ online) - Xuân đến, trên những nẻo đường du xuân là những điểm đến rạo rực lòng người. Tôi tìm về Xuân Thọ (Đà Lạt), quyết chinh phục dòng thác được xem nguy hiểm bậc nhất vùng Nam Tây Nguyên này. Chông chênh những hòn đá ven đường về Xuân Thọ trong những ngày xuân Đà Lạt, băng qua những cánh rừng thông sơ nguyên, những vườn mai anh đào bung nở tím ngắt một màu. Đâu đó, những ruộng rau bậc thang hiện dưới những làn mưa sương trắng đục, bồng bềnh vắt vẻo lưng chừng đèo. Thấp thoáng, những cô sơn nữ đang tỉa những búp sú để cho kịp chuyển về xuôi. Từ thành phố Đà Lạt, theo quốc lộ 20 về xứ Cầu Đất, Dran (Đơn Dương) khoảng chừng 30 phút đi xe máy thì đến thác Hang cọp, con đường không quá khó khăn như ngày xưa người ta từng nói về nó “Hẻo lánh, âm u và nguy hiểm”. Từ đèo Trại Mát nằm trên tuyến hành trình, các bạn sẽ được chứng kiến quang cảnh của những ngôi nhà kiếng trồng hoa chất lượng cao của người dân nơi đây. Xa xa, thấp thoáng giữa sơn nguyên, Đà Lạt hiện ra như một nàng thiếu nữ nằm e ấp cùng sương, thông và 2 ngọn núi mẹ Langbian. Qua Trại Mát, con đường nhỏ dẫn chúng tôi vào thác quanh co, đá cuội lởm chởm giữa bạt ngàn rừng thông nhấp nhô đang vào xuân. Con “ngựa sắt” như chùng lại rồi bò xuống thung lũng men theo con dốc trơn trượt, nguy hiểm đến rợn người. Tiếng thác nước chảy ầm ầm vọng lại càng gần... Theo truyền thuyết kể lại, thác Hang cọp xưa kia ngự trên vùng đất của “chúa tể sơn lâm”. Người Cill (người bản địa) rất sợ nó và xưng là “Ông Ba Mươi”. Thấy bản làng mình đã khổ rồi, còn phải sợ cọp mỗi khi lên rẫy nên một chàng trai trong làng đã cầm nỏ lên đường tìm cọp. Và rồi chàng trai ấy cũng đến được dòng thác, bắn mũi tên từ bên kia dòng thác trúng vào chân cọp làm “chúa tể sơn lâm” chạy vào rừng không dám về buôn làng dọa bà con.
Thác Hang cọp nhìn từ khu rừng nguyên sinh phía trên. Nguồn Internet |
Từ câu chuyện truyền thuyết, chúng tôi băng qua những bậc cầu thang rêu phong, những hành lang cầm tay không còn nguyên vẹn do sự tàn phá của thời gian. Vạch theo con đường mòn chúng tôi đi qua những bụi cây chắn ngang đường, những hòn đá sừng sững hai bên để đến gần với “tiếng hát của rừng sâu”. Giữa đại ngàn thâm u, bí hiểm, thác Hang Cọp hiện ra sừng sững với độ cao hơn 50m. Từ độ cao ấy hàng ngàn khối nước cứ đổ ập xuống va mạnh vào vách đá tung bọt trắng xóa, đồng thời phát ra âm thanh như tiếng cọp gầm. Mưa bụi mang hơi nước mát lạnh, dịu nhẹ phả vào người chúng tôi. Cảm giác mệt mỏi suốt chặng đường xa đến đây cũng như những muộn phiền thường nhật chợt tan biến. Bao quanh ngọn thác hùng vĩ nhưng cũng không kém nét thơ mộng là khu rừng nguyên sinh. Đâu đó, lanh lảnh tiếng gà rừng gọi bạn. Trên những cành cây lấp ló nhánh lan rừng.
Thác Hang cọp hiện ra hoang sơ và quyến rũ. Nguồn: Internet |
Nếu như dòng thác chính toát lên vẻ hùng vĩ thì phía dưới là hai dòng thác nhỏ uốn quanh những tảng đá lớn. Dòng nước mát lạnh trong vắt lúc này chảy hiền hòa, mượt mà tựa dòng tóc thiếu nữ. Trên đỉnh ngọn thác, chiếc cầu treo như sợi tơ trời đang giăng ra đón du khách bước vào để chiêm ngưỡng vẻ đẹp oai hùng của dòng thác từ trên cao.
Một nhánh thác chảy len lỏi qua những hòn đá to phủ đầy rêu. Ảnh: Phước Tuấn |
Hai dòng thác phụ phía dưới chảy hiền hòa, mềm mại tựa dòng tóc. Ảnh: Phước Tuấn |
Thác Hang cọp là địa điểm lui tới khá thường xuyên của các bạn trẻ đam mê picnic, khám phá thiên nhiên, cũng là địa điểm để những người yêu nhiếp ảnh đến để thể nghiệm kỹ thuật, sự sáng tạo của mình qua những khung hình.
Ngô Phước Tuấn