“Vận hạn” bất khả kháng
Nhớ lại mấy năm trước, khi các doanh nghiệp trong nước lên “cơn sốt” đầu tư bất động sản, thì ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lại “bẻ ghi” đi làm nông nghiệp. Quy mô cứ thế mở rộng dần, từ các trang trại nuôi bò ở Việt Nam, rồi được giao hàng chục nghìn hec ta đất ở Lào và Campuchia để trồng cao sau, cọ dầu, mía đường và bắp.
PGS - TS. Phạm Tất Thắng (nghiên cứu viên cao cấp thuộc Bộ Công thương) cho biết, phải nói rằng, HAGL rất nhạy bén với thị trường khi đã sớm đầu tư vào nông nghiệp. Đây là điều rất đáng khen đối với một doanh nghiệp vốn dĩ mạnh về các lĩnh vực bất động sản. Ngay từ đầu, họ đã đầu tư vào trồng cây công nghiệp lâu năm là cao su. Rồi tập đoàn này cũng có chiến lược nuôi bò để cung cấp cho thị trường một sản lượng thịt bò sạch ổn định. Về phạm vi đầu tư, HAGL không chỉ đầu tư ở Việt Nam, mà còn đầu tư sang cả Lào, Campuchia để tận dụng nguồn lực đất đai còn dồi dào của các nước này.
Tuy nhiên, Tập đoàn này đang vấp phải một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề về thị trường cao su do tác động của giá dầu giảm đã kéo giá cao su giảm sâu trong một thời gian dài, dẫn tới doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn thanh khoản.
Rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp, thế nhưng, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, trên thực tế, so với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam rất thiệt thòi khi đầu tư vào nông nghiệp. “Đầu tư vào nông nghiệp luôn tiềm ẩn các rủi ro lớn. Do đó, những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là việc khó tránh khỏi. Đáng ra, mình phải có chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp bằng cả vốn, đất đai. Việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải khắc phục những hạn chế tồn đọng, khuyến khích tập trung vốn đầu tư một cách chuyên sâu và bài bản”, Giáo sư Xuân cho biết.
Theo Giáo sư Xuân, trong bối cảnh như thế, nhà nước, các ngân hàng cần giúp họ đứng dậy, nếu để thất bại, cái được sẽ ít hơn cái mất. Vì thế, đối với các đơn vị cho vay phải tổ chức một nhóm chuyên gia nghiên cứu để xem tại sao họ lại đang gặp khó khăn?. Nếu họ làm thực sự, nhưng do rủi ro về thị trường thì cần hỗ trợ cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn trước mắt để họ phát triển trở lại.
Đã có quy định cụ thể
Điều 12, Nghị định số 55 (ngày 9/6/2015) của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định rõ: đối với trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.
Được biết, giá mủ trong những cánh rừng bạt ngàn của HAGL suốt mấy năm qua luôn “theo nhịp” của giá dầu thế giới. Từng đạt mức hơn 100 triệu/tấn, nay giảm xuống còn hơn 30 triệu/tấn. Yếu tố bất khả kháng này nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh nghiệm.
Nên, theo PGS. TS Phạm Tất Thắng, khi doanh nghiệp bị tác động bởi những yếu tố bất khả kháng như vậy, chúng ta phải có một chế độ tín dụng thích hợp đối với đòi hỏi của sản xuất nông nghiệp. Khi gặp rủi ro về giá, thị trường dẫn đến nguồn vốn đầu tư bị “lực cản” thì không có cách nào khác là phải khoanh nợ, giãn nợ cho họ, nhằm giúp họ xử lý hậu quả, để duy trì sản xuất tại các dự án.
“Thực ra, đây là việc tạo cho họ cơ chế chính sách, chứ không phải lấy tiền của Nhà nước cho doanh nghiệp vay. Thực tế, HAGL họ cũng có tiềm lực mạnh, nên nếu có sự hỗ trợ, thì có thể giải quyết được khó khăn trước mắt”, ông Thắng, nói.
Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải nhìn nhận, khi Chính phủ thông qua kiến nghị hỗ trợ HAGL của NHNN, mà cụ thể là thông qua các phương án tài chính như vừa rồi thì đây về bản chất là những giải pháp mang tính chính sách. Ngân sách không phải bỏ tiền ra, trong khi vẫn hỗ trợ rất hiệu quả HAGL và các ngân hàng liên quan.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh hỗ trợ HAGL ở đây không phải là “bơm” tiền hay cho tiền HAGL, mà chỉ là cơ cấu lại nợ, tức là hỗ trợ về mặt chính sách. Theo cách này thì Nhà nước không phải bỏ ra một đồng nào để HAGL có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh nhận định, các DN đầu tư vào nông nghiệp thường lấy chính tài sản hình thành trên vốn vay để thế chấp. Mà giá cả nông sản thời gian gần đây có xu hướng ổn định, chứ không biến động nhiều như thị trường chứng khoán hay bất động sản.
TS Vũ Đình Ánh. Ảnh nguồn Internet |
“Lấy ví dụ trường hợp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chỉ cần bán một phần diện tích cao su của cũng đủ để trả nợ ngân hàng. Tôi cho rằng mặc dù giá mặt hàng này rớt giá mạnh thời gian qua theo giá dầu thô, tuy nhiên giá trị những rừng cây cao su của HAGL vẫn vậy, bởi giá trị sản phẩm và giá trị tài sản thế chấp là 2 vấn đề không liên quan nhiều tới nhau”, TS Ánh phân tích.
Với phân tích này, nếu áp dụng theo Điều 12, Nghị định 55 của Chính phủ thì HAGL đủ điều kiện để áp dụng. Điều 12, Nghị định 55 quy định: căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng.
Ông Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Maritime Bank, cho rằng, hỗ trợ HAGL là lựa chọn ‘vẹn cả đôi đường’, khi mà doanh nghiệp có cơ hội hồi phục, ngân hàng có thể thu được nợ gốc và lãi, hàng chục nghìn người không bị mất việc, địa phương giải quyết được bài toán lao động, an sinh xã hội, ngân sách thu được các loại thuế.
Những doanh nghiệp tầm cỡ như HAGL là đã ảnh hưởng tới GDP rồi, thậm chí cả chính trị, quốc phòng. Ví dụ những dự án trồng rừng hay các dự án biên giới Việt-Lào rất nhạy cảm, ngoài mục đích kinh tế còn mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia của đất nước. Rồi vấn đề ngoại giao với các nước anh em như Lào, Camphuchia nữa…
Nhắc đến vấn đề bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hay Đảng và Nhà nước từ lâu đã quan tâm tới việc phát triển kinh tế khu vực biên giới với 2 nước Lào và Camphuchia, nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ ‘anh em’ giữa 3 quốc gia trên Bán đảo Đông Dương. Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ hàng chục năm qua đã giao Bộ Quốc phòng tổ chức các đoàn kinh tế dọc theo hàng nghìn km biên giới.
Bên cạnh đó cũng rất chào đón sự tham gia của các tổ chức kinh tế tư nhân vào phát triển kinh tế vùng biên. Nhận biết được việc phát triển biên giới vùng biên vốn gặp nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ đã có nhiều văn bản mang tính pháp luật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào đây, trong đó có Quyết định 482/QĐ-TTg năm 2010, nhấn mạnh những ưu đãi mà doanh nghiệp nhận được khi chấp nhận rủi ro đầu tư vào những khu vực hẻo lánh, xa xôi ở 2 nước bạn.