Nhóm tội phạm về tham nhũng là nguồn của tội rửa tiền
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, một trong các giải pháp được đưa ra tại Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của đất nước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung phát triển và hoàn thiện, đặc biệt trong việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về tham nhũng, rửa tiền.
Theo báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 – 2017, nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền được đánh giá có nguy cơ rửa tiền từ mức “trung bình cao” đến mức “cao”.
Do vậy, hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền sẽ góp phần đáng kể tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Quy định cụ thể để minh bạch, rõ ràng hơn và tránh lạm quyền trong thi hành
Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như đã nêu tại Tờ trình số 344/TTr-CP của Chính phủ nhằm bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Về báo cáo giao dịch đáng ngờ (Điều 26), Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ là cần thiết và đáp ứng khuyến nghị của FATF, tuy nhiên cần xem xét kỹ quy định về trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ tại khoản 1 Điều 26 khi yêu cầu hội tụ đủ cả 2 yếu tố, trong đó có yếu tố “Giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự” do tại thời điểm thực hiện giao dịch, việc xác định ngay khách hàng là bị can, bị cáo, người bị kết án theo quy định là khó khả thi.
Đồng thời, đối với quy định “Căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ hướng dẫn và bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ theo các ngành, lĩnh vực”, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định báo cáo và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Chính phủ ban hành quy định để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do đây là các dấu hiệu mới, tương đồng với quy định tại khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật.
Về các dấu hiệu đáng ngờ (từ Điều 27 đến Điều 33), Ủy ban Kinh tế thống nhất việc quy định các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên cần nghiên cứu bao quát cả các lĩnh vực khác thuộc đối tượng báo cáo nhưng chưa được quy định các dấu hiệu đáng ngờ cụ thể (như lĩnh vực luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, kinh doanh kim loại quý, đá quý…).
Mặt khác, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ, ví dụ như: một số dấu hiệu “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với bên mua bảo hiểm”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”… Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh bảo đảm hợp lý và khả thi.
Đối với một số dấu hiệu đáng ngờ cụ thể, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản tại Điều 27 và phân định phù hợp với hoạt động của các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.
Trong lĩnh vực ngân hàng (Điều 28), tại khoản 6 hiện quy định các hình thức chuyển tiền của doanh nghiệp ra nước ngoài chỉ có tiền điện tử, séc, hối phiếu có thể chưa bao quát đầy đủ các hình thức. Ngoài ra, tại khoản 14 mới chỉ quy định về thiết bị đăng nhập, địa chỉ giao thức trên mạng (địa chỉ IP) ở nước ngoài mà chưa quy định về nội dung này ở trong nước, đề nghị cân nhắc bổ sung.
Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (Điều 30), đề nghị rà soát kỹ lưỡng quy định tại dự thảo Luật với các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm tính thống nhất, phù hợp, khả thi .
Trong lĩnh vực chứng khoán (Điều 31), cần có quy định về thời gian cụ thể khi xác định các dấu hiệu đáng ngờ. Hiện nay dự thảo Luật sử dụng nhiều thuật ngữ định tính như “thường xuyên”, “ngắn” , “dài” có thể dẫn đến có cách hiểu và cách áp dụng khác nhau giữa từng đơn vị. Bên cạnh đó, cần cân nhắc quy định tại khoản 3 và khoản 7 vì các hoạt động quy định tại các khoản này đều thực hiện thông qua ngân hàng thương mại.