Đề cập đến những tác động, ảnh hưởng, hậu quả nặng nề của tin giả trên không gian mạng, một số ý kiến tại Hội thảo đề nghị nghiên cứu ban hành một văn bản pháp luật riêng để điều chỉnh toàn diện vấn đề xử lý tin giả.
Tin giả lan truyền nhanh hơn 6 lần so với tin thật
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy nghiên cứu lý luận và thực tiễn về hoạt động phòng, chống, ngăn chặn và xử lý tin giả trên không gian mạng; đánh giá thực trạng, xác định xu hướng hoạt động phát tán tin giả và công tác phòng, chống, ngăn chặn, xử lý tin giả trên không gian mạng trong nước và quốc tế. Cùng với đó, tăng cường trao đổi học thuật, kinh nghiệm, cập nhật các kỹ thuật, công nghệ, giải pháp và đề xuất biện pháp trong phòng, chống, ngăn chặn và xử lý tin giả trên không gian mạng trong thời gian tới.
Báo cáo đề dẫn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân nhấn mạnh, không gian mạng đã đưa chúng ta bước vào thời đại mà thông tin được lan tỏa dễ dàng, nhanh chóng, tức thì, trực tiếp, dễ tiếp cận với số lượng lớn người đọc, âm ỷ, kéo dài, khó xác minh, truy vết, khó xử lý triệt để và đặc biệt có thể gây hậu quả to lớn, bất ngờ. Dẫn nghiên cứu của Viện công nghệ Massachusett (Mỹ), Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương cho biết, so với tin thật, tin giả lan truyền nhanh hơn đến 6 lần và được đăng lại nhiều hơn đến 70%.
Thời đại không gian mạng, với các hệ thống thực ảo kết hợp, con người đang khai phá một không gian mới vô tận, tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không gian mạng không chỉ là cầu nối, là môi trường, là sự kết hợp thực tế ảo như hiện nay mà sẽ trở thành một không gian hiện hữu trong đời sống thường ngày, gắn chặt với công việc, thời gian, tâm tư, tình cảm của chúng ta. Càng như vậy, sự nguy hiểm của tin giả ngày càng lớn và các cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về tin giả và tác động, ảnh hưởng, hậu quả của tin giả trên không gian mạng; thực trạng phát tán tin giả trên không gian mạng và xu hướng phát tán tin giả trên không gian mạng.
Theo GS.TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tin giả là vấn đề xã hội, từ lâu đã là vấn đề gây nhức nhối đối với các nhà lãnh đạo, quản lý xã hội. Với sự phát triển của không gian mạng hiện nay, tin giả càng được lan truyền nhanh chóng, tác động, ảnh hưởng đến các lĩnh vực hoạt động xã hội, đe dọa sự an toàn của các tổ chức, cá nhân, gây tác hại ngày càng nguy hiểm, khó lường. Bên cạnh các tin giả xuất phát từ sự nông nổi, thiếu hiểu biết của người phát tán, còn xuất hiện tin giả, thông tin xấu, độc với ý đồ phá hoại uy tín của tổ chức, cá nhân, tiến công vào hệ thống chính trị, vào chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do vậy, ngăn chặn, triệt phá tin giả, thông tin xấu độc là nhiệm vụ cấp thiết.
Phát huy vai trò nòng cốt của báo chí
Theo GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh – Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, có 3 cơ chế cơ bản để phòng, chống tin giả: Kiểm chứng thông tin một cách độc lập do các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện để nhận diện sự thực. Nâng cao hiểu biết về truyền thông, nhất là truyền thông xã hội, phương tiện truyền thông xã hội để mọi người có tư duy phản biện đối với những thông tin mình nhận được nhằm nhận diện tin giả. Xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến phòng, chống, hạn chế tin giả. Điều quan trọng là cần phải phối hợp nhiều cơ chế khác nhau để nâng cao hiệu quả của phòng,chống, hạn chế tin giả.
Còn theo GS.TS. Lê Văn Lợi, để hạn chế ảnh hưởng của tin giả trên không gian mạng, phải chuyển từ tư duy chú trọng, triệt phá “zero fake news” sang tư duy quản trị rủi ro, nghĩa là tạo ra các khung khổ, cơ chế, thể chế để điều chỉnh chủ động, giảm thiểu ảnh hưởng của tin giả trên không gian mạng.
“Bên cạnh việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý để xử lý tin giả, giải pháp hàng đầu mà nhiều quốc gia sử dụng để đối phó với vấn nạn tin giả này, cần chú trọng hơn đến xây dựng các công cụ khác, mà quan trọng hàng đầu là xây dựng “niềm tin” cho cộng đồng mạng cũng như cung cấp những kiến thức cần thiết để người sử dụng không gian mạng tự thiết lập cho mình “bộ lọc” thông tin và sức đề kháng trước sự tác động của tin giả”, GS.TS. Lê Văn Lợi cho hay.
Nhấn mạnh về giải pháp hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý tin giả, GS.TS. Lê Văn Lợi phân tích, hiện nay, hệ thống pháp luật về an ninh mạng tương đối hoàn thiện, tiêu biểu là Nghị định số 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử…
Tuy nhiên, GS.TS. Lê Văn Lợi kiến nghị cần tiếp tục sửa đổi các quy định theo hướng nâng mức xử phạt với hành vi phát tán tin giả, vì trên thực tế mức xử phạt ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cường trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội, quản lý hiệu quả các hoạt động báo chí trên không gian mạng. Cần thiết nghiên cứu ban hành một văn bản pháp luật riêng để điều chỉnh toàn diện vấn đề này như một số nước đã thực hiện.
Ông Lê Văn Lợi cũng đề nghị phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan báo chí trong đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội; cung cấp thông tin chính xác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Nâng cao hiệu quả phối hợp lực lượng trong đấu tranh với “vấn nạn” tin giả.