Để hoàn thiện một chiếc lẵng có hình hai chú thiên nga bằng bông trắng muốt phải mất hai ngày, mà sản phẩm chỉ bán được 50 nghìn đồng. Trừ đi tiền vật liệu, công sức người thợ được trả quá “bèo bọt”. Vì vậy, nhiều người đã “dứt áo” với nghề. Dù sắp đến Tết Trung thu là “mùa vụ” cao điểm của mặt hàng đồ chơi trẻ em, nhưng những chú thiên nga hiền lành vẫn vắng bóng trên phố phường. Trên phố cổ Hà thành bây giờ chỉ còn sót lại gia đình cuối cùng làm nghề kết lẵng thiên nga bông.
Bà Tâm bên giỏ thiên nga bông |
Cô bé 10 tuổi tạo nghề cho cả nhà
Căn gác nhỏ cheo leo, nép mình trong ngõ nhỏ số nhà 79 Hàng Lược là nơi “sản xuất” những con thiên nga bông mỗi mùa Tết Trung thu. Thấy có người tìm mình, bà Vũ Thị Thanh Tâm, năm nay đã 84 tuổi, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Nhắc tới nghề làm giỏ thiên nga bông, dường như bà thấy phấn khởi, quên hết sự mệt mỏi của tuổi già.
Dù hơn một tháng nữa mới tới rằm Trung thu, nhưng nhà bà Tâm “cơ man” vật liệu chuẩn bị làm hàng. Bà bảo: “Năm nay, tôi dự kiến làm khoảng 100 cái lẵng nên phải chuẩn bị từ bây giờ”. Đôi bàn tay gầy guộc khéo léo tạo hình con thiên nga, bà Tâm hoài niệm: "Ngày xưa làm gì có nhiều đồ chơi, nhiều hàng hóa đẹp mắt như bây giờ. Đứa trẻ nào mà có được cây đèn ông sao, hay con thiên nga bông là đã hãnh diện, đem đi khoe khắp lũ bạn rồi. Những chú thiên nga nhỏ bé ấy đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao trẻ nhỏ, là một hoài niệm đẹp không phai mờ trong tâm trí của nhiều thế hệ”.
Bà Tâm nhớ lại, lúc bà khoảng 10 tuổi, sẵn khéo tay, nên mấy chị em bà rủ nhau làm lẵng thiên nga. Ban đầu mấy chị em định làm để mình chơi và tặng người thân, hàng xóm. Sau đó, thấy chị em bà làm đẹp nên các chủ hàng ở phố Hàng Mã tìm tới đặt mua. Thế là chị em bà có nghề. Những năm 1990 trở về trước, Hàng Mã, Hàng Lược có rất nhiều nhà làm thiên nga bông.
Gần tới ngày rằm, các gia đình rộn ràng làm hàng suốt đêm. Bước vào tuyến phố này, thuở ấy lẵng thiên nga treo khắp nơi, từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, nhà nào cũng chất đầy lẵng, muốn đi vào phải khom lưng mới bước qua được. Vì mặt hàng này được khách hưởng ứng, nên chị em bà Tâm khi đó còn sáng tạo làm các lẵng có hình các con thú như mèo, gà, thỏ… đều bằng bông.
Bà Tâm vừa làm vừa nhiệt tình hướng dẫn cách làm lẵng. Mọi lẵng thiên nga nhồi bông đều được làm bằng tay theo cách thủ công thật cầu kỳ. Công đoạn đầu tiên cũng là khó nhất, đó là tạo hình thiên nga từ giấy vở cũ học sinh, sau đó nhồi bông vào bên trong cho cứng. Tiếp đó người thợ làm cổ, làm thân thiên nga bằng dây thép. Tiếp đến là công đoạn phủ bông y tế mềm và trắng muốt lên các chi tiết. Cuối cùng là công đoạn dùng kéo để tạo hình sao cho chiếc cánh thiên nga phải có dáng cong, mềm mại, trông như đang bay…
Mỗi chi tiết trên chiếc lẵng thiên nga bé xíu đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Bà Tâm tâm sự: “Việc phủ bông tưởng đơn giản, nhưng nếu làm không khéo, vết bông sẽ vằn và sần sùi, rất xấu.. Làm xong hình thiên nga rồi còn phải lắp thiên nga vào lẵng đã phủ bông, đính thêm những hạt cườm và hoa lụa để tăng phần quyến rũ và sinh động. Tất cả đều phải làm thủ công, không máy móc nào thay thế được”
Đôi thiên nga xòa cánh mỏng kiêu sa trên miếng bông trắng, bồng bềnh như tuyết, lấp lánh những hạt cườm, bông hoa đủ sắc màu, như phảng phất đâu đó tâm hồn của những món đồ chơi truyền thống. Từng chi tiết nhỏ như đôi cánh e ấp, chiếc mỏ đỏ chót, những hạt cườm và hoa trang trí đều được làm bằng tay rất nhẹ nhàng và thuần thục. Những chú thiên nga đáng yêu, mỗi con một vẻ, đủ mọi tư thế, không con nào giống con nào làm món đồ chơi thêm sinh động.
Từ thuở “vàng son” ấy đến bây giờ, thoắt cái đã hơn 70 năm, bà Tâm gắn bó với những con thiên nga bông này. Giọng chợt buồn, bà Tâm trầm ngâm: “Hồi xưa phố Hàng Lược, Hàng Mã, nhiều gia đình làm nghề này lắm. Nhưng bây giờ, chỉ còn mình gia đình tôi làm. Tiền công quá bèo bọt nên đa phần họ không làm lẵng thiên nga nữa mà chuyển sang buôn đồ chơi, lãi gấp 3 – 4 lần mà không tốn công”.
Nỗi buồn “một mình một chợ”
Sở dĩ bà Tâm khẳng định gia đình bà là gia đình cuối cùng ở phố cổ Hà Thành làm lẵng thiên nga bông này, bởi những năm gần đây, ở các tuyến phố bán đồ chơi trong dịp Trung thu, nhìn đi nhìn lại, các lẵng thiên nga đều… “made in” 79 Hàng Lược.
“Một mình một chợ” nhưng bà Tâm lại thấy buồn. Sự xâm lấn của đồ chơi Trung Quốc với những trò chơi bạo lực như gươm giáo, súng ống đã khiến đồ chơi truyền thống xa tầm tay của trẻ nhỏ. Đồ chơi Trung Quốc thì tràn ngập, mặc dù độc hại, dù chóng hỏng, nhưng cũng vẫn đắt khách vì rất bắt mắt. Những đồ chơi dân gian từ bao đời nay lại chìm xuống, nép mình khiêm tốn ở những góc nhỏ, khuất nẻo ở các cửa hàng. Nhiều người chỉ biết thở dài: “Tội nghiệp cho đồ chơi truyền thống Việt Nam!”
Giọng bà Tâm như nghẹn lại: “Nghĩ đồ chơi truyền thống bị thất thế, tôi buồn lắm. Cứ động viên cô con dâu làm để giữ nghề. Chục năm đổ về trước, nhà tôi phải huy động gần chục người làm để kịp hàng mùa vụ. Nhưng những năm gần đây, chỉ có tôi và cô con dâu “túc tắc” làm. Nếu như trước đây lầm hàng nghìn sản phẩm thì bây giờ, cả vụ gia đình tôi chỉ làm khoảng 100 chiếc giỏ thiên nga mà thôi. Cả mùa vụ, nếu bán hết thì được vài triệu đồng. Nếu ế thì coi như công sức hai mẹ con đổ bể”.
Cùng “sản xuất” thiên nga, chị Quách Thị Bắc, con dâu bà Tâm, cho biết thêm: “Gia đình tôi làm cũng chỉ để cho đỡ nhớ nghề thôi chứ không thể mong mỏi kiếm thêm thu nhập ở nghề này”.
Đồ chơi truyền thống đang dần bị lãng quên trước sự xâm lấn ồ ạt như vũ bão của đồ chơi nước ngoài. Sự hắt hiu của nghề làm lẵng thiên nga bông cũng như những đồ chơi truyền thống chẳng khác nào ngọn đèn trước…bão. Trước khi chia tay, bà Tâm kể câu chuyện không rõ nên vui hay nên buồn: “Hôm trước có 3 vị khách người Nhật tới thăm nơi “sản xuất” thiên nga. Họ tỏ ra thích thú và đặt mua chục lẵng về Nhật làm quà. Khi hỏi bên Nhật có ai làm đồ chơi như thế này không thì họ lắc đầu. Theo họ thì, nếu đồ chơi truyền thống này có ở bên Nhật, nhất định họ sẽ nâng niu và phát triển nghề. Ở nước ngoài họ rất coi trọng các sản phẩm làm thủ công, trong khi dân nước mình lại lạnh nhạt, quay lưng”.
Bà Tâm kết thúc câu chuyện bằng tiếng thở dài với nỗi buồn khó giấu. Những người đang đi gần cuối dốc cuộc đời như bà, vẫn cố níu giữ nghề truyền thống có lẽ cũng chẳng mong một ngày nghề được phục hưng, đem lại hiệu quả kinh tế. Họ làm những chú thiên nga bé nhỏ, hiền lành, cũng chỉ với mong muốn cho lũ trẻ bồi đắp tâm hồn trong sáng, biết yêu những sản phẩm mang vẻ đẹp tinh tế hơn là bị cuốn hút bởi những đồ chơi bạo lực đang tràn lan.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam), các làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống ở Hà Nội hiện nay đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều làng sản xuất mang tính giữ nghề, giá trị hàng hóa không cao như nghề làm diều của thôn Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, Đan Phượng), tò he thôn Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên), đèn ông sao ở Vân Canh (Hoài Đức), Cao Viên (Thanh Oai), tàu thủy sắt xã Khương Đình (Thanh Xuân), chuồn chuồn tre ở xã Tây Phương (Thạch Thất)… Theo TS. Nguyễn Thị Tình, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đồ chơi truyền thống là một nét độc đáo, một sắc thái riêng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội và là một phần của văn hóa dân tộc. TS. Tình cho rằng việc nghiên cứu, bảo tồn các làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống ít được ngành văn hóa quan tâm; chưa có hành lang pháp lý và sự đồng thuận; nghệ nhân không sống được bằng nghề. |
Thùy Dương