Những bức vẽ của người họa sỹ ấy luôn có gam màu rất sáng, bởi anh là họa sỹ của trẻ em - những đứa trẻ mang trong mình trọng bệnh của Lớp học Hy vọng. Và, nó vẫn luôn lấp lánh những sắc màu rực rỡ ngay cả khi anh đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, ngày ngày tước đi từng cơ hội sống.
Gắn bó với bệnh viện vì... trẻ em
Đến với Lớp học Hy vọng của Bệnh viện (BV) Nhi TƯ vào mỗi chiều thứ sáu, bạn sẽ gặp một họa sỹ đã đứng tuổi đang cặm cụi hướng dẫn các học sinh (cũng là những bệnh nhi của BV) vẽ tranh và tô màu. Đó chính là họa sỹ Hoàng Văn Quảng - Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính, BV Nhi TƯ...
Họa sỹ Hoàng Văn Quảng |
Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật (năm 1983), Hoàng Văn Quảng - chàng họa sỹ trẻ quê gốc Hải Hậu (Nam Định) xin vào làm việc ở Phòng Tuyên truyền, BV Nhi TƯ với công việc chính là vẽ tranh cho trẻ bệnh và chuẩn bị tài liệu tuyên truyền. Cứ tưởng công việc sẽ cứng nhắc và nhàm chán, nhưng không, ngay từ khi cho ra đời bức vẽ đầu tiên, Quảng đã cảm thấy có cái gì đó rất gần gũi, thân thương khi thoáng nhìn thấy những gương mặt ngây thơ, tròn vạnh nhìn không chớp mắt vào sản phẩm khởi thảo của mình.
Và cứ thế, mỗi lần hoàn thành một bức vẽ, anh lại đón nhận thêm rất nhiều “khách hàng” mới. Càng xúc động hơn khi đó là những bệnh nhi đang mang trong mình trọng bệnh. Nhìn các em say sưa ngắm nhìn các bức vẽ, trên tay vẫn lủng lẳng bông băng và chai dịch truyền, anh không thể cầm lòng được. Sự yêu thích và ngưỡng mộ đó của các em cũng là động lực rất lớn để anh sáng tác ra những bức tranh ngày càng ấn tượng và xúc động hơn.
... Những bức tranh về trẻ em của họa sỹ Quảng được treo đầy các phòng bệnh, hành lang các khoa. Đó là những bức vẽ về cảnh sinh hoạt, chơi đùa của trẻ em từ khắp nông thôn đến thành thị (cảnh thả diều; cuộc thi bơi; cảnh các em đến trường vào buổi sáng...). Nhìn tranh, các em sẽ tạm quên đi bệnh tật, có ý chí hơn để chữa bệnh và bớt bi quan về số phận. Đặc biệt, vẽ tranh cũng phải hiểu được sở thích của các em. “Tranh vẽ cho các em màu sắc phải rực rỡ, tươi tắn; đề tài phải dễ hiểu và nó phải gần gũi với cuộc sống của các em...” - anh Quảng chia sẻ. Anh cũng tiết lộ, rằng mình vốn dĩ rất yêu trẻ em. Và càng gắn bó với chúng hơn khi vào làm việc ở BV Nhi TƯ. Đến giờ phút này, anh càng không thể nào xa chúng được.
“Các em đã cho tôi nghị lực sống”
Năm 2009, anh Quảng đi khám và bị phát hiện bị ung thư vòm họng. Vốn làm việc trong môi trường BV, lại có tí chất amateur của dân văn nghệ sỹ trong người, anh rất tin tưởng vào những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên không mấy suy sụp lắm về bệnh tật. Tuy nhiên, nhìn vẻ sầu não không thể che dấu được của những người thân trong gia đình, sự lo lắng, cảm thương của các đồng nghiệp cùng cơ quan, anh không khỏi chạnh lòng. Và anh chỉ quên hết tất cả khi cầm bút vẽ và bước chân vào lớp học Hy Vọng - lớp học dành cho bệnh nhi của BV vừa mới khai giảng.
Lớp học Hy vọng |
Hay tin lớp học khai giảng, với khả năng và kinh nghiệm của mình, anh Quảng đã tình nguyện xin vào làm giảng viên của lớp. Và, mỗi chiều thứ sáu hàng tuần, anh họa sỹ già lại vác giá vẽ, màu sáp đến lớp học để mang đến cho các học viên của mình hơi ấm của cuộc sống, của tình thương và hy vọng. Được chia sẻ với các em, nỗi buồn bệnh tật của anh cũng nguôi ngoai đi rất nhiều. Biết mình có bệnh, tôi càng thêm yêu thương các cháu mãnh liệt, chỉ mong chia sẻ, giúp đỡ, động viên các cháu, truyền cho các cháu niềm tin và hy vọng của chính mình trong điều trị bệnh...
Cũng chính các cháu là người mang đến cho anh nghị lực sống. Hình ảnh cậu bé Đức (11 tuổi) bị ung thư máu nhưng vẫn ngày ngày lê chân xuống lớp học khiến anh rất xúc động. Đặc biệt, bản lĩnh can trường của cậu bé càng làm anh thêm cảm phục. Nhìn chiếc đầu trọc lốc của cậu, anh hỏi: “Điều trị bệnh thế này phải gián đoạn việc học, con có đi học không?”. “Khi nào điều trị con nghỉ, điều trị xong con lại trở lại lớp” - cậu bé trả lời. “Vác đầu trọc thế này đi học con có ngại không?”. “Lúc đầu con cũng ngại nhưng giờ thì không” - cậu quả quyết.
Nghe học trò nói vậy, Quảng lại nghĩ đến mình. Và anh hơi thoáng xấu hổ khi so sánh với cậu bé. Qua điều trị 4 đợt bằng hóa chất, tóc anh cũng rụng gần hết nên phải đội tóc giả vì sợ mọi người tò mò, bàn tán, thương hại. “Chính các em đã cho tôi nghị lực sống. Tôi sẽ chạy đua với thời gian. Làm tốt, giúp đỡ được cho ai tôi sẽ làm, nhất là cho các cháu...” - anh khẳng định.
Không chỉ tự nguyện tham gia giảng dạy ở lớp học hy vọng của BV, anh Quảng phụ trách các khâu hậu cần và chăm lo cho các hoạt động từ thiện của BV. Ngoài ra anh cũng thường xuyên bỏ tiền túi để hỗ trợ cho các bệnh nhi bị bệnh tật hiểm nghèo đang điều trị tại các khoa, phòng của BV. |
Đoan Trang