- Tại sao chị chọn con đường kinh doanh nhưng vẫn gắn với công việc của một MC?
Thật ra, khi còn học trong Học viện Âm nhạc tôi đã rất có năng khiếu khi học các môn lý luận.Thậm chí, khi đi xem một bộ phim hay đọc một câu chuyện nào đó, khi tóm tắt lại kể cho mọi người nghe thì được mọi người khen là thú vị hơn cả đi xem trực tiếp. Năng khiếu đó là từ nhỏ. Hơn nữa, gia đình tôi là gia đình có truyền thống về nghệ thuật cho nên từ lúc 2 – 3 tuổi tôi đã được ngồi xem bố dạy cho các cô chú diễn viên cách diễn xuất, nói năng, hành văn… sao cho trôi chảy, mạch lạc, tròn trịa. Từ những lần đó tôi đã ít nhiều bị ảnh hưởng.
Khi lớn lên, tôi cũng không nghĩ là mình sẽ trở thành MC nhưng vì công việc đưa đẩy nên cuối cùng lại bén duyên với công việc này. Tôi thấy nghề MC có một điều rất thú vị đó là giúp con người sự tự tin, luyện tập được trí nhớ, bổ sung kiến thức cho bản thân rất nhiều.
- Chị còn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên chị đảm nhận vai trò MC chứ?
Ngày đầu tiên cầm Mic lên sân khấu làm MC tôi rất run. Tính tôi thực ra rất nhút nhát nên lần đầu tiên làm vai trò này tay chân run bắn lên. Thế nhưng sau này càng ngày càng có được kinh nghiệm, nếu đó là kiến thức của mình, nếu mình không quá phụ thuộc vào giấy tờ, không nói theo nội dung của người khác thì mọi việc sẽ tốt hơn.
Bởi vậy, khi nhận bất kỳ một công việc nào đó, tôi hay bàn với CEO của chương trình đó để hiểu nội dung và dẫn theo cách của mình.
Nhớ lại năm mới mười mấy tuổi, khi đó tôi cùng một số thành viên đại diện cho Việt Nam sang giao lưu với đoàn thanh niên Trung Quốc. Dù lúc đó bé nhất đoàn nhưng toàn được các anh cử đại diện đi nhận quà, phát biểu… Sau mỗi lần phát biểu tôi luôn được các anh chị trong đoàn khen là nói hay, mạch lạc, có ý tứ. Từ đó, tôi cứ dần đến gần với công việc này bằng việc dẫn cho các chương trình ca nhạc.
Tôi nghĩ đấy cũng là một cái duyên rất hay vì nhờ được tạo cơ hội cho tiếp cận với công việc này từ bé nên khi càng lớn tôi lại càng kinh nghiệm hơn.
- Đã bao giờ chị bị “tai nạn” nghề nghiệp khi dẫn dắt chương trình?
Nghề MC là một nghề chịu rất nhiều áp lực trước đám đông, nhất là khi dẫn các chương trình truyền hình trực tiếp. Tôi đã từng bị vấp phải những tình huống như vì áp lực khi dẫn truyền hình trực tiếp nên bị tụt huyết áp. Tụt huyết áp nhưng vẫn phải cố chịu để bước lên sân khấu khi đang dẫn thì quên hết những điều muốn nói.
Qua chuyện đó, tôi tự rút ra cho mình kinh nghiệm là trước khi đi dẫn phải ăn no. Thêm nữa không được tạo áp lực cho mình quá lớn là phải dẫn hoàn hảo. Và học cách ghi nhớ nội dung để sao cho khi bị bí thì vẫn không quên kịch bản.
Được đào tạo bài bản trong trường nhạc vì sao chị lại không theo con đường ca hát mà lại làm MC rồi bây giờ là kinh doanh?
Nói thế nào nhỉ. Với một cường độ quay quá căng thẳng với lúc nào cũng thức khuya dậy sớm thì không thể trở thành ca sỹ chuyên nghiệp được. Ca sỹ chuyên nghiệp là phải đi diễn đêm hôm, sáng là phải ngủ dậy muộn để giữ sức khoẻ. Công việc đó không thể phù hợp với tôi vì ngoài việc dẫn dắt chương trình, tôi còn phải điều hành cả một công ty phía sau nữa. Nếu làm ca sỹ tôi sẽ buộc phải bỏ rất nhiều công việc khác và đó thì không phải là lựa chọn của mình.
Mô tả ảnh |
- Vậy lí do gì chị cũng rất ít khi đóng phim?
Tôi thường rất hay được mời đóng phim truyền hình, một phim có thể dài từ 50 đến 100 tập. Khi nhận lời làm những bộ phim đó có nghĩa là sẽ phải theo đoàn làm phim cả năm trời đi các tỉnh thì không còn thời gian để điều hành công ty.
Nhưng điều tôi hướng tới đó là đang tìm kịch bản hay để năm nay có thể thực hiện được một số bộ phim nhựa.
- Gia đình chị có truyền thống theo nghệ thuật. Vậy vì sao chị không hướng con gái nối nghiệp của mình?
Gia đình tôi theo nghệ thuật nhưng gia đình bên chồng lại theo nghiệp kinh doanh. Từ nhỏ, Bê (tên ở nhà của con gái) đã có “năng khiếu” rất giỏi đó là cứ thấy ống kính máy ảnh là khóc. Sau này lớn lên, mọi người thấy xinh xắn, dễ thương cũng bảo đi đóng phim nhưng cháu không thích, cháu sống hơi khép kín.
Khi bị chụp hình đưa lên báo thì Bê nói với tôi: “Ồ, mẹ ơi, bây giờ con mới hiểu để trở thành người nổi tiếng, cuộc sống của mình đã không còn là mình nữa. Mẹ thật là vất vả. Bê thì Bê không thích như vậy. Bê thích sống cuộc sống của Bê”.
- Chị có tiếc không khi có một cô con gái duy nhất lại theo nghiệp của cha?
Tôi thì không bao giờ áp đặt con cái vì ngành nghề nào cháu đam mê thì cháu sẽ làm giỏi nhất.
- Chị nhìn thấy con gái có những đặc điểm nào giống mình?
Bê có những đặc tính đó là rất nhạy cảm, dễ xúc động và hay thương người. Khi đi làm từ thiện bao giờ tôi cũng cho con đi cùng. Và bao giờ Bê cũng mang theo sách vở để cho những em bé nghèo khổ.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm đó là khi mình đi trao quà cho một em bé mất cha ở Quảng Ngãi. Khi Bê lên trao tiền cho em bé đó, Bê đã khóc ngay trên sân khấu. Thời điểm đó tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc vì con không phải là một đứa trẻ vô cảm ở thời đại này mà cháu biết đau với nỗi đau của người khác, biết chảy nước mắt khi xót thương cho một phận đời. Và khi con mình biết sẻ chia và đồng cảm với người khác như vậy tôi tin con sẽ là một công dân tốt.
- Đã bao giờ chị nghĩ sẽ động viên con gái tham gia các cuộc thi nhan sắc?
Từ bé đến giờ Bê sống rất khép kín, hướng nội nên tôi nghĩ cháu không có thích những điều đó. Cho đến bây giờ đi ra ngoài cháu cũng vẫn diện những bộ cánh áo tay dài, cổ kín chứ không bao giờ mặc khoét nách. Bây giờ đã 21 tuổi rồi, mẹ muốn con mặc cái gì đó tiểu thư hơn, nữ tính hơn một chút nhưng nói với Bê thì Bê cũng phải tập từ từ..
- Cám ơn chị đã chia sẻ thông tin!