Thời gian qua, công tác thu hút nguồn vốn ODA đã được tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh triển khai. Trong giai đoạn 2010-2020, địa phương đã triển khai thực hiện 24 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, với tổng mức đầu tư của các dự án là 6.459 tỷ đồng. Các nhà tài trợ ODA chủ yếu cho tỉnh Hòa Bình là Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan hợp tác Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Kuwait về Phát triển kinh tế Ả rập (KFAED)…
Các lĩnh vực vận đồng nguồn ODA chủ yếu là giao thông, phát triển đô thị, hạ tầng nông thôn, y tế, giáo dục, thủy lợi, giảm nghèo…đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, tạo diện mạo mới cho nhiều ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác vận động và quản lý nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài cũng được tỉnh chú trọng. Giai đoạn 2010-2020, trên địa bàn tỉnh thực hiện 227 chương trình, dự án và 21 khoản viện trợ phi dự án với tổng giá trị cam kết là 51,747 triệu USD, giá trị giải ngân là 29,447 triệu USD, trung bình mỗi năm tỉnh tiếp nhận 2,8 triệu USD.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 14 chương trình, dự án ODA với tổng mức đầu tư trên 7 nghìn tỷ đồng. Các nhà tài trợ gồm: WB, ADB, Kuwait, Ả rập xê út, Hàn Quốc, Đức. WB là một trong những nhà tại trợ có quy mô vốn lớn nhất tỉnh Hòa Bình, với 05 chương trình triển khai tại tỉnh, tổng mức đầu tư trên 2 nghìn tỷ đồng, trong đó ODA do WB tài trợ là 1.850 tỷ đồng, chiếm 29% tổng vốn vay các dự án ODA của tỉnh.
Theo UBND tỉnh Hòa Bình, trên cơ sở Quyết định số 2109/QĐ-TTg ngày 15/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút đầu tư, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025”, hiện tỉnh Hòa Bình đang xây dựng định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, vốn ODA không hoàn lại ưu tiên sử dụng thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực, phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh; thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh; đổi mới sáng tạo; an sinh xã hội…
Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, nhất là các dự án liên kết vùng, có tính lan tỏa, tác động lớn đến nền kinh tế.