Bất chấp xung đột leo thang ở Syria và sự bất ổn ở một số khu vực thuộc châu Âu, song thế giới đã trở nên bình yên hơn trong năm ngoái, theo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (Global Peace Index) được công bố hôm qua (12/6). Theo Global Peace Index, Trung Đông được đánh giá là khu vực nguy hiểm nhất, còn Iceland là đất nước bình yên nhất thế giới.
10 nước đứng đầu và 10 nước cuối cùng trong danh sách “Global Peace Index”. |
Theo kết quả nghiên cứu “Global Peace Index” lần thứ sáu do Viện Kinh tế và Hòa bình (Australia) công bố sáng qua, bạo lực trên thế giới đã giảm 1,5% sau hai năm liên tiếp. Như vậy, hòa bình thế giới đã tiến thêm một bước, dù là nhỏ. Dựa vào 23 tiêu chí đo mức độ bạo lực bên trong và bên ngoài mỗi nước, Viện Kinh tế và Hòa bình đã sắp xếp 158 quốc gia theo thứ tự từ bình yên nhất đến nguy hiểm nhất thế giới.
Trong số những nước trong danh sách, nhiều nước lâm vào cảnh chiến tranh, có nhiều nạn nhân của các vụ xung đột vũ trang, phải chi nhiều tiền cho quân đội, tội phạm gia tăng, số lượng tù nhân đông, phải hứng chịu nhiều cuộc biểu tình bạo lực, sự bất ổn của chính phủ… Tiến bộ đạt được trong năm qua là do sự giảm bớt tính độc quyền từ phía các Nhà nước và việc giảm mức đầu tư cho quân sự vì khủng hoảng kinh tế. Các cuộc xung đột liên quốc gia giảm đi, trong khi đó các vụ bạo lực bên trong các quốc gia lại tăng lên.
Sự cải thiện được ghi nhận ở tất cả các khu vực trên thế giới, ngoại trừ Bắc Phi và Trung Đông. Phong trào “Mùa xuân Ả rập” đã góp phần làm gia tăng các vụ bạo lực địa phương. Trong số những nước “thụt lùi” nhất trong danh sách có Syria (xếp thứ 147), Ai Cập, Tunisia và Oman.
Đây là lần đầu tiên, khu vực Nam Sahara ở châu Phi không bị đánh giá là khu vực nguy hiểm nhất hành tinh nữa. “Các cuộc chiến tranh khu vực đã giảm bớt, trong khi Liên minh châu Phi đang cố gắng tăng cường hội nhập kinh tế và chính trị”, nhà sáng lập Global Peace Index Steve Killelea phân tích.
Nhìn chung các quốc gia châu Phi đã cải thiện được tình hình. Zimbabwe là nước tiến bộ hơn cả, ổn định sau nhiều năm đấu tranh chính trị. Tình hình của Madagascar cũng cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, riêng Somalia bị xếp vào vị trí cuối cùng của danh sách mà trước đó là vị trí của Sudan, Congo và Trung Phi.
Tình hình Syria đang rất bất ổn. |
Châu Á được cho là khu vực được lợi nhiều nhất, đặc biệt nhờ vào việc chấm dứt cuộc nội chiến ở Sri Lanka và sự giảm bớt căng thẳng liên quan tới vấn đề người tị nạn ở Bhutan (nước xếp thứ 19 trong danh sách). Tây Âu kể từ 6 năm nay vẫn là khu vực hòa bình nhất thế giới với 7 trong số 10 nước đứng đầu danh sách.
“Cành cọ vàng” vẫn thuộc về Iceland. Pháp (đứng thứ 40) mất đi 4 bước so với năm trước, kém xa Bỉ (đứng thứ 11) hoặc Anh (thứ 15). Trong khi đó, do có tiêu chí tăng số tù nhân, tội phạm và biểu tình bạo lực, Mỹ xếp thứ 88 trong danh sách, đứng ngay trước Trung Quốc.
Steve Killelea là một doanh nhân người Australia. Ông đã sáng lập ra Global Peace Index sau nhiều năm đầu tư vào châu Phi. Ông lập luận rằng, việc đo một cách khách quan mức độ bạo lực qua những tiêu chí cụ thể cho phép làm việc lâu dài trên sức mạnh của hòa bình. Ông gắn kết giữa giá của chiến tranh với xã hội. Steve Killelea tính toán: Trong một thế giới lý tưởng không bạo lực, 9.000 tỷ USD có lẽ đã được tiết kiệm vào năm ngoái, tương đương với GDP của cả nước Đức và Nhật cộng lại.
Quang Minh (Theo AFP, Reuters)