Hỗ trợ trẻ em là nạn nhân COVID-19: Cần chính sách đường dài

Những dòng tin nhắn T.N gửi đi cho mẹ không bao giờ còn có lời hồi đáp.
Những dòng tin nhắn T.N gửi đi cho mẹ không bao giờ còn có lời hồi đáp.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong căn phòng cuối dãy trọ nghèo ở khu phố 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức nghi ngút khói nhang. Giữa căn phòng là bàn thờ một người phụ nữ. Chị vốn là vợ, là mẹ trong gia đình có 4 đứa trẻ T.N (15 tuổi), T.V (10 tuổi), N.U (3 tuổi) và bé trai mới sinh gần 2 tháng tuổi.

Những dòng tin gửi mẹ chẳng bao giờ còn có lời hồi đáp

Kể lại ký ức đau buồn, bé T.N vẫn còn nhớ như in, ngày 5/8 cha đưa mẹ vào bệnh viện sinh em bé. Hai ngày sau khi mẹ vào viện, T.N và T.V sốt cao, dương tính với COVID-19 phải đi cách ly tập trung. Ngày 7/8, hai đứa trẻ trong khu cách ly nhận được cùng lúc tin vui và một tin buồn. Mẹ đã sinh em trai, một đứa bé kháu khỉnh, nặng 2,4 kg, nhưng lúc này mẹ em cũng được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Cha và em bé mới sinh xét nghiệm âm tính được bệnh viện cho về, còn mẹ thì vẫn một mình trong đó.

Sáng 3/9, bé T.N nhận được tin mẹ mất. “Khi ở bệnh viện cách ly, con thấy trong phòng có cô có người thân mất. Lúc đó con nghĩ, sau này mẹ mình cũng vậy thì sao, nhưng con không nghĩ nó thành sự thật” – T.N thổn thức, em vẫn chưa chấp nhận được sự thật là COVID-19 đã cướp mẹ em đi mãi mãi.

“Từ ngày 18/8, Zalo mẹ không hoạt động nữa, con báo tin với mẹ rằng con đã đỗ nguyện vọng 1 vào lớp 10, mẹ cũng không trả lời”. Từ đó, những dòng tin nhắn chẳng bao giờ còn có lời hồi đáp. T.N hầu như chỉ ngủ được một chút buổi trưa, còn buổi tối cứ nhắm mắt lại là nó thấy mẹ đang chăm các em…

“Cách đây 4 tuần: Bác sĩ ơi! Cố gắng cứu em! Chồng em cũng nặng lắm, 4 đứa con tụi em còn nhỏ lắm. Bốn ngày sau đó: Nay em đỡ đỡ rồi bác sĩ, nhưng chồng em mất rồi. Ba ngày sau đó cố gắng tìm ECMO cho chị, nhưng… Trong hàng nghìn trẻ mồ côi ở TP HCM có 4 đứa con anh chị. Đến giờ vẫn còn ám ảnh câu nói trong hơi thở ngắt quãng trước khi đặt nội khí quản: Bác sĩ ơi, cố cứu em, em còn 4 đứa con” – là những dòng nhật ký đầy cảm xúc, ám ảnh của bác sĩ Hồ Hoàng Kim - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Trong đợt dịch lần thứ tư này, trẻ em đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em trong đại địch COVID-19 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức tháng 9/2021, những con số buồn đã được đưa ra: tính đến ngày 31/8, cả nước đã có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 em. Riêng ở TP HCM có 10.073 học sinh phổ thông đang thuộc diện F0 và 1.517 học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi do dịch COVID-19. Ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng. Trong và sau đại dịch, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng…

An sinh, hỗ trợ tâm lý để cùng em trưởng thành

Từ tháng 4/2021, để kịp thời hỗ trợ cho trẻ em là nạn nhân của đại dịch, Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0 - 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung, theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày, áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành Công văn số 217/TE-CSTE gửi tới Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.

Tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký ban hành quyết định về việc hỗ trợ trẻ em ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo đó, trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 từ ngày 27/4 đến ngày 31/12 được hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ. Đồng thời, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4 đến 31/12 cũng được hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/trẻ. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TP HCM đã thông tin về những chế độ hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, đối với trẻ em có cha mẹ qua đời vì Covid-19, sẽ được xét trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng theo Nghị định 20/2021 với mức trợ cấp là hệ số 2,5 đối với trẻ dưới 4 tuổi; hệ số 1,5 đối với trẻ từ 4 tuổi trở lên. Đặc biệt còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn giảm học phí và các khoản khác trong trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hoá, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng 1 thì tiếp tục được hưởng chính sách cho đến khi kết thúc học nhưng không quá 22 tuổi.

Văn phòng UBND TP HCM cũng vừa có thông báo chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tham mưu chính sách chăm lo cho trẻ em mồ côi cha mẹ vì dịch COVID-19. UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tổ chức rà soát, lập danh sách các trẻ mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19 trên địa bàn; tổ chức thăm hỏi, động viên và nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài…

Dù rằng những chính sách an sinh đến với các em kịp thời nhưng vẫn còn đó một nỗi lo lắng khác. Đó là những đứa trẻ mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ sẽ vượt qua những nỗi đau ấy như thế nào? Mất đi sự chăm sóc của cha mẹ, trẻ phải chịu đựng không chỉ những tổn hại về tâm lý, mà điều kiện sống, điều kiện môi trường cho trẻ lớn lên cũng chịu những tác động nhất định. Do đó, vấn đề này cần sớm được nhìn nhận và có các chính sách phù hợp.

Theo ThS Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) thì “cần thảo luận sớm các chính sách hỗ trợ đường dài, chính sách cần hệ thống, hỗ trợ toàn diện, chăm sóc thay thế, hỗ trợ kinh tế và chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ. Các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng tham vấn với các bên liên quan các tổ chức xã hội làm về trẻ em để có chính sách hỗ trợ ngắn và dài hạn càng sớm càng tốt”.

Được biết, hiện nay có nhiều nhà hảo tâm lên tiếng về việc nhận bảo trợ cho những đứa trẻ mồ côi vì COVID-19 bằng cách xây dựng các khu nuôi dưỡng để các em có thể sinh sống và học tập ở đó cho đến khi trưởng thành. Trao đổi với truyền thông về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm, về góc độ tiếp cận quyền trẻ em, trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình bởi chính cha mẹ, người thân thích. Quyền rất đặc thù của trẻ em (khác với người trưởng thành) là được sống trong môi trường gia đình và các con chỉ phát triển tốt nhất, hài hòa nhất trong môi trường gia đình, bởi chính cha mẹ và người thân thích, ruột thịt của mình…

Trong trường hợp trẻ em mất đi môi trường gia đình (mất cả cha, mẹ) hoặc không thể sống với cha mẹ thì cần cho các em một gia đình khác thay thế để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại của các em, hoặc một gia đình nhận chăm sóc các em. Giải pháp đưa các em đến với môi trường chăm sóc tập trung như cơ sở bảo trợ xã hội, trường nội trú... chỉ là giải pháp cuối cùng khi không thể tìm cho các em một môi trường gia đình.

Cũng theo ông Nam, bên cạnh việc lo liệu về môi trường nuôi dưỡng thì cũng phải nhanh chóng giúp các em tiếp xúc được với các chuyên gia, người am hiểu về tâm lý để hỗ trợ các em sớm ổn định tâm lý, giảm tối đa các sang chấn trước cú sốc lớn đầu đời.

“Khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Ủy ban Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), các tổ chức quốc tế hoạt động vì quyền trẻ em đều nhấn mạnh việc chăm sóc trẻ em tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thể có biện pháp nào khác. Trong số hơn 1.500 trẻ em mồ côi tại TP HCM, mỗi em lại có số phận, có hoàn cảnh khác nhau. Cho nên, phải dựa trên thực tế là các em còn có bố hoặc mẹ, hoặc người thân nào hay không. Nếu còn thì họ có đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con họ không. Họ có thiếu gì, cần giúp đỡ gì không.

Chúng ta cần lắng nghe con trẻ và người đang chăm sóc trẻ để hiểu được các em có mong muốn gì. Nếu chúng ta thấy các con còn hy vọng ở với gia đình, người thân thì cần hết sức hỗ trợ để các em có gia đình, mái ấm, người thân. Tất cả hỗ trợ hiện nay, cần xuất phát từ việc các em ổn định cuộc sống, trưởng thành và được đi học. Chúng tôi đang trao đổi với TP HCM về việc có kế hoạch cụ thể, trước mắt hoặc lâu dài cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như có bố hoặc mẹ mất, đặc biệt là trẻ em mất cha, mất mẹ, mồ côi cả bố mẹ” – ông Đặng Hoa Nam cho biết.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.