Xác định đúng đối tượng thụ hưởng
Ngày 27/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam và Bộ LĐTB&XH đã phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh phải đề cao vai trò giám sát của nhân dân trong triển khai gói hỗ trợ: “Ở cơ sở làm đúng hay làm sai nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh. Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định” - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
“Bên cạnh quy định là làm đúng, làm minh bạch, công khai thì cần làm nhanh, khẩn trương, không để chính sách đã được ban hành phải đi lòng vòng. Dân khao khát mong chờ lắm rồi, lúc dân đói, dân cần thì phải hỗ trợ ngay, vì đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của chúng ta…
Với gói hỗ trợ này, chúng tôi mong muốn đừng để “dê đi lạc đường”. Đừng để ai phải bị xử lý về Đảng, về chính quyền và các hình thức xử lý khác. Bởi vì đụng đến đây sẽ là nỗi nhục suốt đời của các đồng chí cán bộ”.
(Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung)
Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đề nghị MTTQ các tỉnh, thành phố phối hợp cùng ngành LĐ-TB&XH và các sở, ban, ngành phải thực hiện chặt chẽ, chính xác ngay từ đối tượng thụ hưởng; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ. Cùng với đó, công khai đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ qua các phương tiện truyền thông đại chúng và niêm yết danh sách tại các điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, phải cung cấp số điện thoại, địa chỉ email từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã để nhân dân trực tiếp phản ánh; có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.
“Phải xác định rõ trách nhiệm từ việc ký văn bản, phê duyệt danh sách, biên bản làm việc, báo cáo kết quả; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, nhất là ngành LĐ-TB&XH các cấp, của Bí thư chị bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận... Nếu nơi nào để xảy ra tiêu cực thì Bí thư chi bộ, trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… phải chịu trách nhiệm” - ông Mẫn lưu ý.
Nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của Nghị quyết 42/NQ-CP, tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương cho biết, sau khi Nghị quyết này có hiệu lực, UBND các tỉnh, thành đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc về kinh phí, xác định đối tượng thụ hưởng, thời điểm thụ hưởng…
Với kiến nghị của một số địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm ngoài mức 50% mà Ngân sách Trung ương hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, tại điểm 4, mục I Nghị quyết 42 đã quy định rất cụ thể về vấn đề này, do vậy đề nghị các địa phương sử dụng nguồn lực của mình để thực hiện kịp thời quy định tại Nghị quyết 42. Nếu quá trình thực hiện gặp khó khăn về nguồn lực thì báo cáo ngay Bộ Tài chính để có hướng dẫn tháo gỡ.
Giải thích thêm, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn về tiền thì chắc chắn sẽ không được Chính phủ điều chỉnh mức chi của từng địa phương. “Mức 70%, 50%... là theo Nghị quyết 42, sẽ không thay đổi. Chỉ có điều những địa phương nào có khó khăn ban đầu thì có thể đề xuất với Chính phủ cho ứng trong một phạm vi nhất định, trong khuôn khổ nguồn được chi”- ông Đào Ngọc Dung khẳng định.
Giám sát ngay từ đầu
Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng về việc thực hiện Nghị quyết 42 phải công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác, Bộ trưởng Dung cho biết, đến nay về cơ sở pháp lý, các địa phương đã hoàn toàn đủ căn cứ để triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng. Ngay sau hội nghị này, các Bộ liên quan sẽ tiếp tục có Thông tư hoặc văn bản, công văn để hướng dẫn trong phạm vi thẩm quyền được phân công.
Nhưng Bộ LĐ-TB&XH sẽ không ra văn bản, Thông tư gì nữa vì tất cả những thông tin cần thiết đã được quy định tại Quyết định 15 của Thủ tướng. Tinh thần là mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chính sách, trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng thụ hưởng khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách cao nhất.
“Các đồng chí nói trong tháng 4/2020 chỉ triển khai ngay với 4 nhóm đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công và bảo trợ xã hội. Tôi xin nói lại, 4 nhóm này rõ rồi, có danh sách rồi thì tập trung triển khai càng nhanh càng tốt và tinh thần là trong tháng 4. Nhưng như vậy không có nghĩa các nhóm còn lại không triển khai ngay trong tháng 4.
Đối tượng lao động tự do hiện nay cũng đang rất cần và càng ưu tiên nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu… Đây là đối tượng khó khăn nhất hiện nay, không chờ được đâu. Không có cơ quan Trung ương nào chỉ đạo đến 15/5 mới hỗ trợ nhóm đối tượng này” - ông Đào Ngọc Dung nói.
Cũng theo Bộ trưởng Dung, khi giám sát thì Uỷ ban Mặt trận các cấp và các cơ quan đoàn thể phải tiến hành giám sát ngay từ đầu, từ lúc rà soát lên danh sách, chứ không chờ lên danh sách rồi mới giám sát.
“Chúng tôi mong muốn việc triển khai Nghị quyết 42 không để xảy ra tình trạng phải khởi tố. Nhưng nếu xảy ra vi phạm thì xử lý nghiêm minh, từ xử lý về Đảng, hành chính và nếu vi phạm đến mức xử lý hình sự thì chuyển cơ quan xử lý hình sự”.
Tiếp thu những kiến nghị, vướng mắc của các địa phương tại hội nghị, ông Dung cho biết, Bộ LĐTB&XH sẽ lập ngay Đường dây nóng và lập Trang điện tử để một nhóm chuyên gia nghiên cứu giải đáp các vướng mắc này.
“Do đó, nếu các địa phương có vướng mắc thì chậm nhất là tối nay các đồng chí chuyển thông tin về Bộ và chậm nhất chiều ngày kia, Bộ sẽ trả lời bằng văn bản tất cả những vướng mắc cho các địa phương… MTTQ Việt Nam và Bộ LĐTB&XH sẽ giải đáp một cách công khai, minh bạch” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nói.