Gần đây, tại TP.HCM liên tục xuất hiện thêm các “hố đen” rình rập người đi đường. Trong khi đó, cơn mưa chiều tối 10 và sáng 11-10 cộng với triều cường cao đã gây ngập nặng, dẫn đến kẹt xe khiến hàng vạn người phải “chôn chân” trên đường.
Tại TP.HCM, “lô cốt” đã gây ra không ít phiền toái cho người dân, nhưng khi nó được tháo dỡ và tái lập mặt đường, lại xuất hiện rất nhiều “hố đen” chực chờ gây tai họa.
Trong cơn mưa chiều tối 10-10, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM biến thành sông, các đơn vị chức năng phải đặt biển cảnh báo người đi đường - Ảnh: Thuận Thắng |
Lúc 22g ngày 9-10, khi chạy đến số 1 Trần Nhật Duật (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM), xe tải chở cát xây dựng do tài xế Nguyễn Phan Văn Trường (ngụ Đồng Nai) điều khiển bất ngờ bị sụp lún giữa đường và mắc kẹt tại đây nhiều giờ liền. Sau khi cẩu xe khỏi hiện trường, nơi chiếc xe bị sụp là một “hố đen” có đường kính hơn 1m, khoét hàm ếch bên trong. Nơi đây người ta vừa tháo dỡ “lô cốt” và san lấp mặt đường được hơn một tháng.Ghi nhận từ hiện trường
Một người bị nước cuốn chết trong cống
Một người đàn ông hơn 30 tuổi đã rơi xuống cống và bị nước cuốn chết ngạt tại ngã tư đường ray Tô Ngọc Vân (khu phố 3, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM) vào lúc 19g ngày 10-10. Chị Võ Thị Giang - người giữ chắn đường ray - cho biết cùng thời điểm trên do nước lớn ngang bằng với mặt đường, người đàn ông này đang chạy xe đạp đã bị trượt xuống cống. Do thấy nạn nhân không thoát sang cống bên lộ, mọi người nhanh chóng lao xuống cứu giúp nhưng đành bất lực vì nước chảy rất xiết. Hơn 30 phút sau, người dân và công an khu vực mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài vì chiếc xe đạp cuốn theo đã chắn dòng nước khiến nạn nhân mắc kẹt giữa cống. Nhiều người dân chứng kiến cho biết thêm do nước cống chảy rất mạnh nên hai người đàn ông lao xuống cứu cũng suýt nguy hiểm đến tính mạng vì mắc kẹt trong đó. Cũng may người dân đưa cây kéo lên được. Sơn Bình
|
Trước đó, 10g ngày 13-9, xe tải 68H-8549 đang bon bon trên đường Võ Văn Vân (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) bỗng nhiên khựng lại vì bị “hố đen” nuốt chửng đầu xe. “Hố đen” này có đường kính gần 2m, dưới đáy hố chủ yếu là cát. Ông Nguyễn Văn Tiến, một người dân ở đây, bức xúc: “Hồi trước mặt đường nhựa sạch đẹp. Cách đây hơn ba tháng “lô cốt” mọc lên và khi được tháo dỡ, người ta tái lập mặt đường sơ sài, bên dưới gần như rỗng tuếch nên khi xe cộ có trọng lượng lớn đi qua rất dễ bị sụp”. Ba ngày sau, ngày 16-9, khi lưu thông qua số 541 Nơ Trang Long (P.13, Q.Bình Thạnh) hàng loạt xe máy, xe tải, taxi... lại bị sụp lún làm một người bị thương và gây ùn ứ giao thông. Tại hiện trường, “bẫy đường” là một hố “ẩn” dài được che bởi lớp sình lầy sau cơn mưa. Theo người dân, nơi đây mới được san lấp sau khi tháo dỡ “lô cốt”. Ngày 25-9, một “hố đen” khác xuất hiện tại ngã tư Phạm Văn Hai - Bùi Thị Xuân (P.1, Q.Tân Bình) làm nhiều người đi xe máy té ngã. “Hố đen” có đường kính 0,5m và nhiều vết nứt xung quanh lộ ra nhưng bên trong rỗng tuếch, khoét hàm ếch với diện tích gần 4m2 và sâu hơn 2m, rất nguy hiểm. Theo bà con xung quanh, hố này được san lấp ngay trong đêm khuya cùng ngày. Có lẽ “bẫy đường” gây phẫn nộ nhất là vụ “taxi lọt hố tử thần” vào ngày 14-9 tại số 386 Lê Văn Sĩ, P.14, Q.3 . Sẽ còn “hố đen” bỗng dưng xuất hiện? Tính từ ngày 13-9 đến nay đã có tám “hố đen” được người dân phát hiện hoặc do xe cộ lưu thông sa vào. Liên tục trong các ngày 1, 7, 8, 9 -10-2010, hàng loạt “hố đen” xuất hiện trên các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Phan Văn Trị, Hai Bà Trưng (chân cầu Kiệu, Q.1), Trần Nhật Duật (Q.1). Đến tối 11-10, một “hố tử thần” khác xuất hiện trên đường Ngô Quyền (gần ngã tư giao với đường Bà Hạt). Những “hố đen” sâu 1-2m này rất nguy hiểm cho người đi đường. Những người lưu thông trên đường và bà con ở khu vực có “hố đen” luôn lo lắng không biết khi nào “hố đen” lại xuất hiện tiếp, vì đơn vị thi công chỉ lấp đất đá qua loa cho đầy hố rồi đổ bêtông mặt đường. Việc làm qua loa này được kiểm chứng qua hai vị trí sụp lún trên đường Lê Văn Sĩ (ngày 14-9) và ngã tư Phú Nhuận (ngày 15-8). Đây là hai vị trí đã hai lần sụp lún chỉ trong vòng chưa đến một tháng sau khi được tái lập. Dù các chủ đầu tư cho rằng đơn vị thi công tái lập mặt đường theo đúng quy trình kỹ thuật nhưng ông Nguyễn Tôn Thành (386 bis Lê Văn Sĩ, P.14, Q.3) nói như đinh đóng cột: “Tôi sẵn sàng làm chứng việc đơn vị thi công lấp “hố tử thần” đã không hề trải vải địa kỹ thuật bên dưới chứ đừng nói đến chuyện đổ bêtông bịt mối nối”.Thi công không đúng chuẩn, bớt xén vật tư Theo một kiểm định viên đường ôtô tại TP, sở dĩ ngày càng có nhiều “bẫy đường” là do đơn vị thi công làm không đúng chuẩn để thu lợi bất chính. Vị này cho rằng “nước là kẻ thù số một của đường” nên việc xây lấp tái thiết mặt đường sau khi thực hiện các công trình, dự án phải hết sức công phu và có chuẩn quy định rõ ràng. Thông thường về biện pháp thi công, kết cấu phải đổ một lớp cát, hai lớp đá rồi mới đến lớp nhựa.
Chiếc xe này sụp “hố tử thần” tại ngã tư Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) chiều 10-10-2010 - Ảnh: Thuận Thắng |
Giữa mỗi lớp phải có tần “ca lu” (số lần nén của xe lu) đúng chuẩn và được kiểm định 98% rồi mới tiếp tục thi công. Đối với lớp đá cuối để giao với nhựa mới cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, tưới nhựa dính, trộn đá và lu xe hết sức kỹ... Đó là chưa kể lúc thi công phải đảm bảo chất lượng vật tư, vật liệu. Sau khi quan sát hình ảnh nhiều “hố đen” mà chúng tôi ghi nhận, kiểm định viên nói trên khẳng định: “Rất nhiều nơi sử dụng xà bần thay đá để tái lập mặt đường. Việc này kết hợp với lớp nhựa trên dễ thấm nước vì không đạt kỹ thuật sẽ dẫn đến nhiều khoảng trống bên dưới, khi có vật nặng đi qua mặt đường sẽ dễ dàng sụp xuống”. Theo kiểm định viên này, chuyện bớt xén vật liệu xảy ra rất thường xuyên ở các công trình thi công cầu đường cũng là nguyên nhân dẫn đến “hố đen”.
Do thi công ẩu
Trao đổi về việc nhiều “hố đen” xuất hiện sau khi “lô cốt” được tháo dỡ, ông Trần Thế Kỷ - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM - nói: - Do nhà thầu không làm đúng quy trình thi công lu lèn từng lớp kết cấu nền đường hoàn chỉnh nên khi trời mưa, có nước thâm nhập, cát trôi xuống những lỗ bọng dưới nền đường gây ra lún sụp. * Như vậy hiểm họa “hố đen” rình rập người đi đường đến bao giờ, thưa ông? - Đến nay dự án vệ sinh môi trường TP đã thực hiện được 93% khối lượng công trình đào đường đặt cống thoát nước. Tuy khối lượng còn lại không nhiều nhưng là “khúc xương” mà nhà thầu để lại làm giờ chót, như việc đào đường qua các đoạn giao. Ở giao lộ Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu, nhà thầu vừa tháo dỡ hàng rào chuẩn bị lu lèn thì xe người dân chạy qua bị lọt hố. Sở GTVT TP đã yêu cầu các đơn vị khi tháo dỡ hàng rào phải tái lập ngay mặt đường, tránh gây mất an toàn cho người đi đường. * Ai sẽ chịu trách nhiệm về các tai nạn mà “hố đen” gây ra? Rõ ràng nhà thầu phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật. * Sở GTVT TP có định làm gì để khắc phục tình trạng “hố đen” trên đường? - Ngay trong tuần này, Sở GTVT TP sẽ mời các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn giám sát công trình để yêu cầu phải kiểm tra chặt chẽ từng công đoạn lu lèn tái lập mặt đường trước khi tháo hàng rào công trình trả lại mặt đường cho giao thông. Chủ đầu tư dự án và đơn vị tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm không để xảy ra lún sụp mặt đường. * Người dân than phiền khi mặt đường hư hỏng, lún sụp không biết gọi điện thoại đến đâu để yêu cầu khắc phục? - Bà con vui lòng điện thoại đến số 39291500 - Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 để yêu cầu xử lý các sự cố trên mặt đường.
Ngọc Ẩn
|
Theo Sơn Bình - Ngọc Hậu - Ngọc Ẩn
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ