Chúng tôi đến “xóm không chồng” bên dòng sông Cu Đê, thuộc tổ 37, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) vào một chiều giữa cuối tháng 8. Nơi đây có 66 hộ dân, nhưng hơn một nửa trong số đó là những phụ nữ, trụ cột của nhiều gia đình ở đây. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, song các chị trong “xóm không chồng” đều có một điểm chung là họ phải tự thân chèo lái gia đình bước qua sóng gió cuộc đời, khi trong nhà vắng bóng đàn ông.
Thân cò lặn lội...
Chị Th. và con trai đang đập mè. |
Sau một hồi chạy xe trên con đường bê-tông ngoằn ngoèo theo chỉ dẫn của mấy đứa trẻ trong xóm, chúng tôi tìm đến nhà chị Ng.Th.Q, người phụ nữ bị bệnh tâm thần đã “tự túc” sinh được 2 cậu con trai. Ngôi nhà thiếu bóng đàn ông, trống vắng, buồn bã. Mấy người hàng xóm của chị kể lại, chị Q. mắc bệnh tâm thần từ lâu. Hồi năm 1988, bỗng dưng người dân trong xóm phát hiện chị có thai, rồi sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Bị bệnh, chị không thể chăm sóc con chu đáo, nên việc chăm lo cho con chủ yếu là cha mẹ chị lo. Lúc khỏe mạnh, chị giúp công việc nhà hoặc phụ giúp công việc cho người ta kiếm tiền nuôi con, còn khi lên cơn, chị Q. đập phá đồ đạc trong nhà, rồi ngồi cười khúc khích, man dại một mình.
Những tưởng, chuyện sinh nở chỉ xảy ra một lần duy nhất đối với người đàn bà có số phận đau khổ này. Nào ngờ, khoảng 10 năm sau đó, chị Q. lại mang thai đứa con thứ 2 và tiếp tục sinh nở. Và lần này cũng chẳng khác trước, mọi người trong gia đình và hàng xóm cũng chẳng biết bố của đứa bé là ai. Kể từ ngày sinh đứa con thứ 2, bệnh tình chị Q. như nặng hơn, chị hay đập phá đồ đạc trong nhà, bỏ đi lang thang… Thấy vậy, đứa con trai đầu chán nản, bỏ nhà vào miền Nam kiếm sống, còn hai mẹ con chị sống nhờ vào tiền, gạo trợ cấp xã hội hằng tháng.
Hoàn cảnh nhà các chị B. Th. Nh. cũng éo le không kém. Gặp chúng tôi sau khi vừa đi làm đồng về, chị Nh. thẹn thùng kể lại, hồi đó, tuổi đã lớn, nhưng vẫn không có người “dòm ngó”. Chị nghĩ, chẳng lẽ mình phải sống lặng lẽ một mình mãi. Vậy là, chị quyết định sinh con để sau này còn có người nuôi dưỡng tuổi già. Và sau những lần “tự túc’, chị sinh được 4 đứa con và đều cho chúng mang họ mẹ. Nhà nghèo, đông con, ngoài việc làm nông, chị bươn chải đi làm thuê đủ thứ công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. May mắn cho chị, thấy hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, các nhà hảo tâm đã xây tặng chị căn nhà cấp 4 trú mưa, trú nắng. “Làm việc quần quật suốt cả ngày thế mà chẳng đủ ăn. May ra vài năm nữa chúng nó lớn, có công ăn việc làm thì tôi mới bớt khổ”, chị Nh. hy vọng.
Đến nhà chị Tr.Th.Th thuộc diện hộ nghèo, chúng tôi cũng chứng kiến hoàn cảnh buồn không kém. Như những người phụ nữ “xóm không chồng”, trước đây, chị Th. “tự túc” sinh được 3 đứa con. Vừa rồi, 2 cô con gái lớn đã có chồng, chỉ còn cậu con trai út sống với chị. Chị Th. kể, một mình nuôi 3 con, đời sống gia đình chị khó khăn, vất vả lắm. Ngoài căn nhà cấp 4 được xây dựng theo diện xóa nhà tạm, bên trong ngôi nhà chẳng có vật dụng gì khác đáng giá. Nguồn thu nhập chính của gia đình chị dựa vào nông nghiệp. Những lúc mùa màng rảnh rỗi, chị tranh thủ đi làm thuê đủ thứ công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Những đứa trẻ thiếu cha...
Với những đứa trẻ ở “xóm không chồng”, các em chịu đủ thứ thiệt thòi trong cuộc sống. Nhiều em chưa một lần được gọi tên cha, không biết mặt cha. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em phải lam lũ ngay từ nhỏ để làm thêm, phụ giúp mẹ và cũng để góp phần nuôi sống chính mình. Chẳng hạn như trường hợp em B.T.L, con chị B.Th.Nh, năm nay là học sinh Trường THCS Nguyễn Bá Phát, xã Hòa Liên (Hòa Vang). Từ nhỏ, L. đã phụ giúp mẹ làm các công việc gia đình như nấu cơm, đi chợ, lo cho em… L. kể, năm ngoái, được người ta cho một xấp vải may áo quần đi học, nhưng em không dám đi may ngay, vì nghĩ hoàn cảnh gia đình mình khó khăn, nên để dành đến lúc bước vào năm học mới 2010-2011 mới sử dụng.
Ông Nguyễn Chơi, Tổ trưởng tổ 37 Thủy Tú cho biết, từ xưa đến nay, người dân ở đây chủ yếu sinh sống nhờ vào nông nghiệp. Nhưng những năm qua, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, thêm vào đó, tình trạng mất mùa cũng thường xuyên xảy ra. Để có cái ăn, ngoài việc đồng áng, người dân phải đi làm thêm các công việc khác. Nhìn chung, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ vắng bóng đàn ông trong nhà.
Ông Chơi cho biết thêm, cho đến nay, ở tổ 37 Thủy Tú vẫn chưa có học sinh nào đi học đại học, cao đẳng. Hầu hết các em sau khi học xong THPT, thì đi học nghề hoặc làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp. Bước vào năm học 2009-2010, trên địa bàn tổ có 60 học sinh đang học phổ thông, nhưng không biết rồi đây trong số ấy có em nào sẽ bước chân vào giảng đường đại học không, hay là chúng cũng đi theo vết xe cũ của anh chị?
Ông Nguyễn Như Hân, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hòa Hiệp Bắc cho hay: Để giúp đỡ các em học sinh nơi đây không phải rơi vào cảnh bỏ học nửa chừng do hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, Hội Khuyến học vận động các tổ chức từ thiện xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ áo quần, sách vở, học phí cho các em. Tuy vậy, so với nhu cầu thực tế, các em còn thiếu thốn nhiều thứ lắm.
Chia tay “xóm không chồng”, nơi có những người đàn bà suốt ngày sống trong cảnh lam lũ với ruộng đồng, bươn chải đủ mọi công việc để kiếm tiền nuôi con, mà sao thấy hiu hắt buồn. Không biết, rồi đây khi phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn, bộn bề của cuộc sống, tương lai của những đứa trẻ không cha sẽ ra sao?
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN