Dây chuyền sản xuất, chế biến bột cá nhạt của Cty cổ phần chế biến hải sản Nam Định.
Ảnh: Tất Thắc
|
Những năm gần đây, phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp ở tỉnh ta ngày càng sôi nổi, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực như cơ khí, dệt may, nuôi trồng thủy sản, thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng… đã tổ chức phát động sâu rộng phong trào, thu hút được các tập thể, cá nhân tham gia phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Tùy theo điều kiện, mỗi doanh nghiệp có cách làm khác nhau như: hỗ trợ một phần kinh phí làm sáng kiến; cho người lao động học thêm nâng cao tay nghề; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, đầu tư thiết bị mới; có chế độ khen thưởng kịp thời đối với những sáng kiến mang lại giá trị kinh tế, xã hội thiết thực… Chính sự quan tâm này là nguồn động viên để đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động mạnh dạn đề xuất ý tưởng và nhiệt tình tham gia. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào các giải pháp tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm điện, nguyên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân… Từ đó tạo ra nhiều mặt hàng đa dạng, mẫu mã đẹp, giá thành giảm, góp phần tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các doanh nghiệp đã đạt giải cao trong hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh, được cấp bằng lao động sáng tạo và có khả năng áp dụng rộng rãi vào thực tế. Từ số tiền làm lợi do hiệu quả của các sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại, các doanh nghiệp đã sử dụng vào việc chăm lo, cải thiện đời sống và thu nhập cho công nhân. Cty cổ phần dây lưới thép Nam Định, chuyên sản xuất kinh doanh dây thép mạ kẽm, lưới thép rồng đá, rọ đá… phục vụ trong sản xuất công nghiệp, giao thông, thủy lợi…, trung bình mỗi năm có 50-60 sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở 19 tổ sản xuất. Đồng chí Trần Danh Tuyên, Chủ tịch Công đoàn Cty cho biết, trong 3 năm (2007-2009) Cty có gần 150 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong sản xuất kinh doanh, làm lợi cho Cty trên 1 tỷ đồng. Các sáng kiến đều được Cty khen thưởng kịp thời, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Riêng năm 2010, Cty có trên 60 sáng kiến, làm lợi cho Cty gần 600 triệu đồng, các sáng kiến tập trung vào nhiều lĩnh vực: bảo vệ môi trường, quản lý, thao tác, vận hành sản xuất, tiết kiệm điện, vật tư, hóa chất… Tiêu biểu như đề tài “Tập trung cải tiến, thiết kế chế tạo máy kéo rút thép liên hoàn ướt”, giá thành chỉ bằng 1/3 giá máy nhập ngoại nhưng năng suất, tác dụng tương đương, gọn nhẹ, dễ thao tác. Sáng kiến “Nghiên cứu điều khiển tự động hóa các dây chuyền mạ kẽm dây” giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm, nâng cao độ bền cho thiết bị máy móc. Sáng kiến “Nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện môi trường làm việc” tại dây chuyền mạ chuyển từ sấy than sang sấy bằng điện nội sinh, giúp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Cty cổ phần bia Na Da, phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã giúp Cty tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động tăng lên rõ rệt, doanh thu mỗi năm bình quân tăng trên 10% so với năm trước. Sáng kiến “Thiết kế, lắp đặt, lập quy trình nạp hoa houplon cho nồi sôi hoa” giúp quá trình sôi hoa diễn ra liên tục, an toàn cho người sử dụng và hiệu quả trích ly cao. Sáng kiến “Lắp đặt hệ thống hút bụi cho hệ thống xay nghiền tại nhà máy đồ uống Na Da” giúp cải thiện môi trường làm việc cho công nhân… Trong lĩnh vực dệt may, nhiều doanh nghiệp như Tổng Cty cổ phần dệt may Nam Định, Cty cổ phần dệt may Sơn Nam, Cty may Nam Định, Cty cổ phần may Nam Hà cũng là những doanh nghiệp có phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật sôi nổi. Những năm qua, nhiều sáng kiến của cán bộ, công nhân viên Cty cổ phần may Nam Hà đã được triển khai, áp dụng rộng rãi trong các dây chuyền sản xuất như sáng kiến “Cải tiến cách trải vải mã hàng” của công nhân phân xưởng cắt; sáng kiến “Sản xuất các loại gá lắp ke, cữ chạy mã hàng có nhiều đường viền” của nhân viên phòng kỹ thuật có tác dụng giảm thao tác phụ cho công nhân, rút ngắn thời gian đứng máy, tiết kiệm phụ liệu, năng suất tăng lên khoảng 3 lần so với trước. Ngoài ra, còn rất nhiều các sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác tiêu biểu tại nhiều doanh nghiệp như Cty cổ phần Honlei Việt Nam, Cty TNHH Thắng Lợi, Cty giống Thủy sản Mỹ Tân, Cty cổ phần may Sông Hồng…
Phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã đem lại hiệu quả và lợi ích rất thiết thực cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phong trào phát huy hiệu quả hơn, các ngành chức năng và mỗi doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động hăng hái tham gia phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đồng thời tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.
Thanh Thủy