Tính đến hết tháng 12-2009, đã có 12 nghìn tỷ đồng vốn từ các ngân hàng thương mại cho hơn 4.000 khách hàng là các DN, hộ kinh doanh vay, với số tiền hỗ trợ lãi suất (HTLS) là 180 tỷ đồng. Qua đó, góp phần làm khởi sắc hoạt động SXKD trên địa bàn.
Từ nguồn vốn vay HTLS, các hộ nông dân có điều kiện đầu tư cho sản xuất. |
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Đà Nẵng, trong số 12 nghìn tỷ đồng cho vay HTLS, cho vay theo Quyết định (QĐ) 131 là 9.850 tỷ đồng; QĐ 443 là 1.980 tỷ đồng; QĐ 579 là 120 tỷ đồng, thấp nhất là cho vay theo QĐ 497 chỉ có 50 tỷ đồng… Điều này cho thấy các gói vay ngắn hạn chiếm tỷ lệ lớn hơn các gói vay trung và dài hạn. Và các DN thuộc ngành thương mại được nhận hỗ trợ vốn vay cao nhất, tiếp theo là các ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, vận tải kho bãi và thông tin liên lạc, thủy sản, nông-lâm nghiệp, sản xuất phân phối điện, nước... Bằng số vốn vay được từ chương trình này, phần lớn DN dùng để duy trì hay mở rộng SXKD, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với thị trường trong và ngoài nước.
Khi nói về gói HTLS cho vay vốn kích cầu của Chính phủ, ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết, nhờ vào nguồn vốn kích cầu của Chính phủ mà các DN đã chủ động được trong SXKD, nhiều DN đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc mới. Riêng công ty của ông, nhờ có nguồn vốn HTLS mà đã mua được nguyên liệu, mở rộng sản xuất, đầu tư sản phẩm mới và giữ chân được người lao động, từ đó sản lượng xuất khẩu, doanh thu, tiền lương cho công nhân đều tăng hơn năm trước. Đại diện của Hội DN trẻ thành phố cũng chia sẻ, chính sách HTLS của Nhà nước đã giúp DN đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để duy trì hoạt động SXKD, tìm kiếm cơ hội phát triển mới. Cơ chế HTLS cũng đã có tác động tích cực đối với SXKD của hộ sản xuất, giúp họ đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm và quá trình chu chuyển vốn, các hộ vùng nông thôn có điều kiện mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi xe cơ giới...
Hiệu quả từ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ đã thấy rõ, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi. Đó là việc triển khai đến các đối tượng thụ hưởng chính sách này còn chậm và chưa rõ ràng, phạm vi triển khai chưa được rộng khắp. Nhiều DN cho rằng, thời gian làm thủ tục để được giải ngân nguồn vốn này quá dài, các thủ tục hành chính vẫn còn quá rườm rà khiến cho DN nản lòng.
Các DN giảm được chi phí, giá thành sản phẩm nhờ nguồn vốn vay HTLS của Chính phủ. |
Đối với NH, nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát vốn vay của khách hàng, chứng từ chứng minh mục đích vay vốn, đặc biệt đối với các trường hợp vay để thu mua nông sản, hải sản, vay thanh toán lương đối với lĩnh vực xây dựng, nhất là những địa bàn kinh doanh của đơn vị ở xa trụ sở NH. Bên cạnh đó, một số khách hàng hoạt động trong nhiều lĩnh vực và đan chéo nhau (có lĩnh vực thuộc đối tượng hỗ trợ, có đối tượng không được), trong khi việc chứng minh mục đích lại không rõ ràng (nhất là khoản phục vụ chi phí sản xuất chung, chi phí lương nhân viên) nên việc phân tích đối tượng và khoản vay được HTLS gặp khá nhiều khó khăn cho cả DN và NH.
Ngoài ra, các quy định về hỗ trợ lãi vay chưa cởi mở, thông thoáng đối với nhu cầu về vốn của nông dân. Quy định chỉ cho vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trong khi đất canh tác ít, manh mún, nhỏ lẻ, số máy móc phục vụ nông nghiệp hiện có trong dân gần như đáp ứng đủ, nhu cầu mua máy mới không nhiều; mặt khác, đối tượng được vay hỗ trợ là máy móc, thiết bị sản xuất trong nước, trong khi loại đó trên thị trường rất khan hiếm, giá cao...
Song thực tế cho thấy, nguồn vốn vay HTLS thực sự là đòn bẩy hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bài và ảnh: Thành Lân