Một trong những cách làm hay về PBGDPL cho thanh, thiếu niên trong nhà trường phải kể đến mô hình Tổ tư vấn tâm lý – giáo dục tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, các trường xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong Tổ, bố trí lịch trực thường xuyên để kịp thời giúp đỡ các em học sinh vượt qua những trở ngại về tâm lý, tinh thần để các em tự tin, yên tâm trong học tập và rèn luyện.
Tổ tư vấn tâm lý – giáo dục chú trọng việc tư vấn, giáo dục kỹ năng sống để học sinh biết rèn luyện thân thể, tự bảo vệ sức khỏe và tránh được những bất trắc, nguy hiểm đe dọa bản thân.
Còn Khoa Luật Đại học Huế đã triển khai mô hình Trung tâm tư vấn và thực hành pháp luật với các thành viên là các tư vấn viên pháp luật được Sở Tư pháp cấp giấy chứng nhận, tham gia tư vấn miễn phí cho học sinh, sinh viên của trường. Mô hình này đang hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng thanh, thiếu niên.
Được tổ chức định kỳ mỗi tháng 1 lần, mỗi tiết kéo dài 30 phút, mô hình Tiết pháp luật tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã dần mang lại những hiệu ứng tích cực. Với từng chủ đề, chủ điểm gắn liền với các vấn đề thực tế được thanh, thiếu niên quan tâm và do báo cáo viên pháp luật cấp huyện, thành phố triển khai, mỗi tiết học đã thực sự đem lại nhiều hứng thú cho các em học sinh trong trường.
Có thể nói, nhờ các cách làm sáng tạo và nội dung tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với lứa tuổi mà ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống của học sinh, sinh viên được nâng cao rõ rệt, góp phần giúp các em thực hiện đúng, đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng và bổ sung kịp thời cho công tác PBGDPL trong chương trình chính khóa, nhiều trường còn triển khai các hoạt động ngoại khóa dưới nhiều hình thức đa dạng như tổ chức Ngày Pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm pháp luật… Như tại Quảng Bình, trung bình mỗi năm các trường học trong tỉnh đã tổ chức 800 lượt, buổi ngoại khóa, thành lập các CLB đưa nội dung pháp luật vào sinh hoạt thường kỳ; tại Thừa Thiên Huế, gần 100% các trường tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về nhiều nội dung với các hình thức đa dạng…
Việc tuyên truyền, PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng được nhà trường chú trọng như lập các chuyên mục về pháp luật trên website của trường, phổ biến quy định pháp luật thông qua các kênh phát thanh của trường; in pano, áp phích, tờ rơi để thu hút sự chú ý của học sinh. Các hoạt động này đã đem lại sự hứng thú tham gia của giáo viên và học sinh cũng như có tác động hết sức tích cực trong việc nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật trong toàn trường.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên trong nhà trường hiện nay còn thiếu tính xuyên suốt, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của cơ sở. Tại một số địa phương, các cơ sở giáo dục chưa chủ động, linh hoạt trong xây dựng mô hình, phương pháp, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế; phần lớn giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác này trong nhà trường còn chưa được đào tạo đúng chuyên ngành. Nội dung giảng dạy pháp luật còn khô khan, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành, vận dụng trong thực tế, đôi khi chưa phù hợp với năng lực và tâm lý nhận thức của thanh, thiếu niên.
Do vậy, trong thời gian tới, ngành Tư pháp địa phương cần chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác PBGDPL, đồng thời các địa phương, cơ sở giáo dục cũng cần chủ động xã hội hóa công tác PBGDPL để công tác này ngày càng có chiều sâu. Có như vậy mới góp phần giảm thiểu tối đa hiện tượng lệch lạc về văn hóa, đạo đức, lối sống và vi phạm pháp luật của một bộ phận học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay.