Sẽ đem lại lợi ích cho các nước tham gia
Sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là Hiệp định CPTPP. Hiệp định này về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ trước Quốc hội, 11 nước tham gia CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD.
Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước…
Mặc dù không còn Hoa Kỳ nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Dự kiến, Hiệp định sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia.
Cũng như TPP, Hiệp định CPTPP là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v. mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước...
Ngoài các nội dung chính thức trên, cũng như với Hiệp định TPP trước đây, các nước dự kiến cũng ký một số thư trao đổi về liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mỗi nước khi Hiệp định CPTPP được ký chính thức.
Việt Nam được hưởng lợi gì?
Hiệp định CPTPP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu nên Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình. Việt Nam cũng trông đợi ở Hiệp định này nhiều khía cạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, hầu hết các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm, đã xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Về chính trị - đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Phần quan trọng khác chính là việc giúp ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Hoa Kỳ không còn nữa nhưng các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cũng sẽ là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Hoa Kỳ quay trở lại tham gia và sự tham gia của các nước khác.
Tất nhiên, để tận dụng được lợi thế từ CPTPP, ngoài trách nhiệm của Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể “thụ động” ngồi chờ.
Những vấn đề phải tiếp tục
Việc tham gia Hiệp định CPTPP là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các quy định trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cân nhắc tương thích đến các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam chuẩn bị tham gia. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, thời gian qua, Chính phủ phân công Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để rà soát pháp lý Hiệp định CPTPP.
“Kết quả đã rà soát 265 văn bản quy phạm pháp luật ban hành ở cấp Trung ương có hiệu lực tại thời điểm ngày 30/4/2018. Theo báo cáo của Chính phủ, Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tính toàn diện và tiêu chuẩn cao; các tiêu chuẩn, cam kết của Hiệp định CPTPP về cơ bản tương tự như các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nên yêu cầu về sửa đổi pháp luật là tương đồng”, ông cho biết.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo rõ mức độ và lộ trình sửa đổi, bổ sung các luật để phù hợp Hiệp định CPTPP và đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện Hiệp định CPTPP.
Ông Nguyễn Văn Giàu nói, đối với các luật đang và sẽ trình Quốc hội như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm…, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết của Hiệp định.
Liên quan đến khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, các nội dung trong dự kiến Kế hoạch thực thi Hiệp định CPTPP được trình bày tại Phụ lục VII kèm theo Báo cáo của Chính phủ là những nội dung định hướng, cơ bản cho việc thực thi Hiệp định.
Sau khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn và trong vòng 15 ngày từ ngày Bộ Ngoại giao thông báo chính thức có hiệu lực, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch chi tiết với phân công và lộ trình triển khai cụ thể để bảo đảm thực thi Hiệp định một cách chủ động, đầy đủ và hiệu quả.
Như vậy, với Chính phủ, trách nhiệm là xây dựng thể chế, chính sách hội nhập trong môi trường mới, xây dựng doanh nghiệp trong nước vững mạnh, đủ sức cạnh tranh...Về phía các doanh nghiệp họ phải chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
Dù thuận lợi và thách thức đang ở phía trước nhưng với việc phê chuẩn CPTPP “thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế”, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Việt Nam – Quốc gia thứ 7 phê chuẩn
Ngày 28/6/2018, Mexico trở thành quốc gia đầu tiên hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong nước của CPTPP, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto nêu rõ: “Với thỏa thuận thế hệ mới này, Mexico đa dạng hóa quan hệ kinh tế với thế giới và thể hiện cam kết cởi mở và giao dịch tự do”.
Ngày 6/7/2018, Nhật Bản trở thành quốc gia thứ hai phê chuẩn thỏa thuận. Ngày 19/7/2018, Singapore trở thành nước thứ ba phê chuẩn thỏa thuận và gửi văn bản phê chuẩn của nước này. Ngày 17/10/2018, Quốc hội Úc thông qua luật pháp liên quan thông qua Thượng viện Úc. Việc phê chuẩn chính thức được thực hiện ngày 31/10/2018.
Ngày 25/10/2018, New Zealand phê chuẩn CPTPP, nâng số quốc gia đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận lên con số 4. Cũng ngày này, Canada đã thông qua và đạt được đồng ý của Hoàng gia cho CPTPP. Việc phê chuẩn chính thức được thực hiện ngày 29/10/2018. Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn Hiệp định.
Chiều 12/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, với 469 đại biểu tham gia biểu quyết, 469 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 100% đại biểu tham gia quyết, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan.