Cách làm phim vội vã, hời hợt từ khâu kịch bản đến dàn dựng như hiện nay khiến diễn viên dù có xuất hiện liên tục trên màn ảnh nhỏ thì vai diễn nào của họ rồi cũng mau chóng bị lãng quên. Sau bao nhiêu năm, khán giả vẫn không thể quên một Trà Giang với vai chị Tư Hậu (phim Chị Tư Hậu), chị Dịu (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm); một Thế Anh với trung úy Phương (phim Nổi gió) và Ba Duy (Mối tình đầu); một Lý Huỳnh với ông Hai Cũ (phim Ông Hai Cũ), ông Hai Lúa (Vùng gió xoáy), vai đại úy Long (Mùa gió chướng); một Lâm Tới với vai Ba Đô (phim Cánh đồng hoang); Nguyễn Chánh Tín với vai Nguyễn Thành Luân (Ván bài lật ngửa)... Gần đây hơn, mỗi lần nhắc đến Lý Hùng – Diễm Hương là khán giả nhớ đến hai vai Phạm Công- Cúc Hoa trong phim Phạm Công Cúc Hoa; Ngọc Hiệp với vai cô gái mang dấu vết của quỷ (phim Dấu ấn của quỷ); Việt Trinh có Bạch Cúc “người đẹp Tây Đô” (phim Người đẹp Tây Đô)... Nếu như các diễn viên thế hệ trước luôn có được những vai diễn gắn liền với tên tuổi của họ, nhắc nhớ trong lòng khán giả suốt bao nhiêu năm thì bây giờ, cái gọi là “vai diễn để đời” có vẻ là ảo tưởng, chỉ có trong ước mơ đối với diễn viên.
Huỳnh Đông là diễn viên trẻ hiếm hoi có được những vai diễn ấn tượng. Trong ảnh: Huỳnh Đông vai Huỳnh Văn Nghệ trong phim Vó ngựa trời Nam. Ảnh: TFS |
Nhân vật nhàn nhạt Phim truyền hình Việt đã tạo được một dòng chảy mạnh mẽ nhưng càng lúc càng nhạt, hết phim này đến phim khác lên sóng rồi “kết thúc trong lặng lẽ”. Nhiều phim bây giờ chỉ giống như một chương trình truyền hình lắp vào cho đầy khung phát sóng. Có ý kiến cho rằng tìm được một bộ phim thật sự có giá trị, một vai diễn để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả ở thời buổi làm phim dễ dãi vội vàng như bây giờ cũng khó như mò kim đáy bể. Nhân vật cứ đi trôi đi nhạt nhòa. Gần như những gương mặt trẻ luôn bị đóng khung trong vai diễn, không có cơ hội thoát ra, bứt phá làm mới chính mình hoặc chỉ đóng những vai diễn tầm tầm, không lấy gì làm ấn tượng. Diễn viên Khương Ngọc nói anh từng cảm thấy chán khi cứ được đạo diễn giao vai dạng công tử con nhà giàu ăn chơi. Còn diễn viên Mai Phương dù được không ít khán giả yêu mến nhưng cô vẫn bày tỏ sự mong đợi có được một vai diễn thật sự để lại một ấn tượng khắc sâu trong lòng khán giả nhưng “chờ hoài mà chưa thấy”. Một gương mặt trẻ cũng bày tỏ trăn trở về các vai diễn không mấy sâu sắc mà cô đảm nhận nhưng theo cô thì “trong thời buổi diễn viên nhiều như nấm mọc sau mưa này, nhà sản xuất, đạo diễn không chờ mình, nếu mình từ chối thì họ cũng mời diễn viên khác thay thế”. Cũng chính suy nghĩ “cứ nhận vai xem như đó là công việc để kiếm sống” mà diễn viên trẻ đôi khi tự làm lu mờ tên tuổi của mình khi xuất hiện liên tục trước công chúng bằng những vai diễn nhạt. Đạo diễn Lê Cung Bắc nhìn nhận: “Chúng ta đã không có được những kịch bản hay, nhân vật trong các phim hiện nay nhiều khi xem xong thì trôi tuột ra khỏi trí nhớ của khán giả”. Kịch bản phim không thoát ra được những vòng luẩn quẩn. Tạo hình, tính cách và số phận của các nhân vật đôi khi na ná, trùng lắp, thiếu một sự khác biệt cần thiết để làm nên ấn tượng đặc biệt cho nhân vật. Diễn viên Lý Hùng ưu tư: “Nhân vật trong phim truyền hình đang mất dần bản sắc, dù có đẹp và hiện đại nhưng khó tạo dấu ấn đặc biệt”.Bất lực trước “xu thế tất yếu”? Diễn viên Công Hậu, thuộc thế hệ diễn viên cùng thời với Lý Hùng, bày tỏ: “Mỗi thời đại có những tầng lớp khán giả khác nhau. Khán giả ngày xưa thích cái trầm lắng, còn bây giờ nhiều khi người ta lại muốn tìm đến những món ăn tinh thần mang tính giải trí, nhẹ nhàng. Nhiều bạn trẻ than phiền rằng đóng 4 - 5 phim, nhân vật cứ na ná nhau nhưng rồi phim này tiếp phim kia thì họ vẫn lại tiếp tục vào guồng. Muốn làm khác đi cũng không được. Thực tế mà nói, trong thời đại này, diễn viên nếu cứ đứng lại chờ đợi một vai diễn hay, phù hợp với mình thì có vẻ như đang đi ngược lại xu thế chung. Dòng chảy thế nào thì mình phải theo nó vậy”. Bản thân Công Hậu cũng tham gia nhiều phim truyền hình nhưng theo anh thì những vai diễn đó chỉ là góp chút gia vị cho phim chứ nói đến khái niệm “ấn tượng, để đời” thì là điều không tưởng. Tuy nhiên, theo đạo diễn Lê Cung Bắc, dùng cái “tất yếu” để chấp nhận cho sự thay đổi của phim truyền hình chỉ là biện hộ cho sự dễ dãi. Dù khó có cơ hội có vai diễn để đời nhưng diễn viên nhất thiết cũng phải biết chọn vai, chứ nhận tùy tiện những vai diễn nhàn nhạt thì đừng trách sao hình ảnh mình lại không ấn tượng. Gương mặt diễn viên trẻ hiếm hoi có được những vai diễn ấn tượng, có thể gọi là “để đời” cho nghiệp diễn, có thể kể đến Huỳnh Đông. Ở góc độ của một diễn viên trẻ, Huỳnh Đông trăn trở: “Tôi hiểu với người trẻ thì mỗi vai diễn dù lớn nhỏ cũng đều là một cơ hội nhưng để đi đường dài, nhất thiết mỗi người phải biết làm chủ bản thân. Nếu cứ dễ dãi thì không ai khác chính diễn viên tự làm hỏng mình. Tôi không đồng tình với việc đổ lỗi nhân vật không hay vì kịch bản không sâu sắc. Nhân vật hay, không nhất thiết cứ phải áp đặt nó vào cái gọi là “có số phận, có nỗi đau với một cuộc đời sóng gió” mà là diễn viên có không khả năng sáng tạo, biết làm cho nhân vật mình có sức sống riêng”. Còn nói như Lý Hùng, cách duy nhất để diễn viên giữ được tên tuổi của mình bền vững trong lòng khán giả là “dám từ chối những vai diễn nhạt”. Nhưng theo anh, vẫn phải nhìn nhận một thực tế rằng cơ hội để diễn viên trẻ đi tìm một vai diễn để đời trong tình hình phim ảnh như hiện nay là điều rất khó.
“Vai diễn để đời” - Khái niệm xa xỉ! Khái niệm “vai diễn để đời” trong những tác phẩm điện ảnh có vẻ như càng lúc càng thưa vắng khi trên màn ảnh rộng, mỗi mùa phim Tết, chỉ xuất hiện những phim thương mại nhằm khai thác tiếng cười giải trí, đôi lúc có phần dễ dãi. Đội ngũ diễn viên cũng quy tụ những gương mặt nghệ sĩ đang ăn khách ở nhiều lĩnh vực nhưng phim cũng chỉ rộ lên trong mấy ngày Tết rồi rơi vào quên lãng. Có vẻ như “vai diễn để đời” đang dần trở thành một khái niệm xa xỉ trong dòng chảy phim điện ảnh hiện nay. |
Theo Tiểu Quyên
NLĐ