Nỗi ám ảnh mùa hè
Từ đầu tháng 4 đến nay, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm, nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Đơn cử tại Hà Nội, theo thống kê của Công an TP Hà Nội, chỉ tính riêng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5 vừa qua (từ ngày 27/4 - 1/5), trên địa bàn Thủ đô xảy ra liên tiếp 8 vụ đuối nước, khiến 9 người tử vong.
Đặc biệt, vụ việc đuối nước thương tâm xảy ra ngày 29/4 trên địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên khiến nhiều người xót xa. Theo thông tin, khoảng 15 giờ 40 phút ngày 29/4, một nhóm học sinh lớp 11 chủ yếu sinh sống tại quận Long Biên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã rủ nhau ra khu vực sông Hồng, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy để bơi lội, không may xảy ra tai nạn thương tâm khiến hai học sinh bị đuối nước. Đến khoảng 16 giờ 15 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 em dưới sông đưa lên bờ.
Trẻ học bơi là giải pháp căn cơ phòng, chống tai nạn đuối nước. (Ảnh: BioTechPool) |
Mới đây, tại Bắc Giang cũng đã xảy ra vụ đuối nước dưới hố sâu khoảng 3m khiến 1 người lớn, 2 trẻ nhỏ tử vong. Khoảng 15h ngày 9/5, ba cháu V.H.P 11 tuổi, V.T.N 13 tuổi và V.B.A 15 tuổi, đều trú tại xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn rủ nhau đi tắm tại hố nước rộng hơn 10m2, sâu khoảng 3m do một gia đình trong xã đào trữ nước tưới cây. V.H.P và V.T.N không may bị đuối nước, V.B.A sau đó chạy về nhà gọi ông nội, 59 tuổi, ra cứu. Tuy nhiên, cuộc giải cứu bất thành, ba ông cháu được người dân đưa lên khi đã tím tái người và ngừng thở.
Nhìn vào các sự việc trên, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo tai nạn đuối nước vào thời điểm mùa hè. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm.
Dù thời gian qua, các cấp, các ngành tại địa phương đã cảnh báo, triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em, nhưng thực trạng đuối nước luôn báo động vào thời điểm mùa khô, dịp nghỉ hè. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng cộng với đây là thời điểm trẻ em được nghỉ hè, nhiều gia đình cho trẻ đi bơi tại các bể bơi, đi du lịch biển; trẻ em ở các vùng quê thường có thói quen tắm sông, suối, đập thủy lợi, đặc biệt là ao, hồ được xây dựng để dự trữ nước phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp vào mùa khô nhưng không có rào chắn, bảo vệ, cảnh báo khu vực đuối nước.
Từ đó, dẫn đến tình huống như trẻ không biết bơi vô tình ngã xuống ao hồ, sông suối hay trẻ bơi rất giỏi nhưng bị chuột rút, bạn bè nô đùa gây tai nạn,… Có thể thấy, hầu hết các vụ tai nạn đều bắt nguồn từ bản tính hiếu động, tò mò, tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình, cộng đồng. Dù trẻ em không biết bơi hay biết bơi, nếu chủ quan thì cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm khi tai nạn xảy ra.
Theo các chuyên gia y tế, khi bị đuối nước, khả năng tử vong rất cao hoặc để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Những ngày hè, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. ThS.BS Lê Nhật Cường - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định, các bệnh nhi đuối nước nhập viện thường trong 2 tình trạng chính là suy đa cơ quan do hậu quả sau ngừng tim hoặc tổn thương phổi nặng - hội chứng suy hô hấp cấp do tổn thương hít.
Phòng, chống đuối nước: Trách nhiệm của toàn xã hội
Trường Tiểu học Mỏ Chè, TP Sông Công, Thái Nguyên tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh. (Ảnh: Trường TH Mỏ Chè). |
Trước tình trạng nhiều vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian gần đây, để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em và cộng đồng là giải pháp hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố có ngân sách để đầu tư riêng cho phòng, chống đuối nước. Bên cạnh đó, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, chỉ có gần 2.200/25.000 trường học có bể bơi (chiếm 8,63%); tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ chiếm 33,59%.
Nhằm đảm bảo công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và hiệu quả các chương trình của Chính phủ như: Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; các công điện, công văn của Ủy ban Quốc gia về trẻ em có nội dung về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tăng cường tổ chức các lớp dạy bơi; có các giải pháp truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước và tầm quan trọng của việc học bơi cho phụ huynh và cộng đồng dân cư… Chị Nguyễn Tố Ly (30 tuổi, Hà Nội) cho biết, chị luôn chủ động phòng ngừa đuối nước cho các con của mình: “Cứ vào hè, tôi đều đăng ký cho con đi học bơi lội, ngoài việc rèn luyện sức khỏe, đây cũng là một kỹ năng sống để con tự bảo vệ được bản thân”.
Trong trường hợp trẻ không may xảy ra tai nạn đuối nước, phụ huynh cần nắm rõ cách sơ cấp cứu trẻ tại hiện trường đúng cách để kịp thời cứu sống trẻ. Bởi kỹ thuật sơ cứu đuối nước tại chỗ có vai trò quan trọng quyết định đến tính mạng nạn nhân cũng như tránh các di chứng về sau. Phần lớn các nạn nhân bị ngạt nước khi đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu oxy.
Với đối tượng học sinh, tại các buổi tuyên truyền nhà trường cần đưa ra nội dung cụ thể như tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước, cách xử lý, cách nhận biết vùng nước không an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước, kỹ năng bơi lội, cứu người đuối nước… Ngoài ra, học sinh còn được giao lưu trả lời câu hỏi và tham gia vào các tình huống cụ thể liên quan tới nguy cơ thương tích, đuối nước. Đồng thời, cần đa dạng hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo với các hình ảnh bắt mắt, nội dung thú vị nhằm thu hút sự quan tâm của học sinh.
Cô Trần Thu Hà (giáo viên trường tiểu học quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đuối nước luôn là nỗi lo không chỉ với các bậc phụ huynh, nhà trường mà của cả xã hội. Tuy nhiên, nỗi lo này hoàn toàn phòng tránh được từ sự quan tâm và hành động thiết thực của mỗi gia đình, cá nhân. “Hơn ai hết, bố mẹ, người thân hay thầy, cô giáo là mắt xích quan trọng, tác động trực tiếp và gần nhất đến các em. Bên cạnh tăng cường giám sát trẻ em, tạo điều kiện để các con được học bơi an toàn và học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các em cũng cần học cách chủ động bảo vệ bản thân trong tình huống xấu, hạn chế mức thấp nhất các vụ đuối nước thương tâm xảy ra”, cô Hà chia sẻ.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần chú ý thực hiện đánh giá và rà soát các điểm nguy hiểm như hố nước, ao hồ, sông ngòi và các vùng nước sâu trong khu vực để cảnh báo nguy cơ đuối nước kịp thời. Triển khai các biện pháp phòng ngừa như xây dựng rào chắn, dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, hạn chế tối đa nhất những cái chết thương tâm, đau lòng đến với con trẻ.
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề vẫn là trách nhiệm giám sát và kỹ năng phòng ngừa đuối nước, sơ cứu trẻ khi bị đuối nước của cha mẹ, người lớn trong gia đình; song song với đó là trang bị đầy đủ kiến thức phòng, chống đuối nước và kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước cho trẻ em.