Ngày càng phổ biến
Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng ở nơi được vinh danh là “Vương quốc hang động” của thế giới – tỉnh Quảng Bình. Nơi đây ngày càng thu hút nhiều du khách đến với điểm đến hấp dẫn này với những hình thức du lịch mới lạ. Nổi bật trong đó là loại hình du lịch mạo hiểm, trải nghiệm khám phá hệ thống hang động kỳ vĩ, tráng lệ nơi đây.
Cùng với đó, tình trạng “du lịch chui” dù chưa ồ ạt nhưng đang ngày càng phổ biến ở các tuyến, điểm du lịch nổi tiếng trong VQG này. Khách du lịch thường lợi dụng địa bàn rộng lớn, lực lượng chức trách của vườn lại quá mỏng để thực hiện “du lịch chui” nhằm trốn tránh việc mua vé, phí tham quan. Gần đây, Hạt Kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng đã phát hiện và xử lý 3 vụ vi phạm về hành vi khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp trong VQG. Điều đáng nói, cả 3 vụ người vi phạm đều mang quốc tịch nước ngoài.
Ngày 29/12/2016, 3 du khách (2 người mang quốc tịch Ba Lan) đi tham quan trái phép tuyến du lịch Hang Va. Tiếp đó, ngày 24/2/2017, 3 du khách (2 người Pháp, 1 người Mỹ) đã đột nhập bất hợp pháp vào lâm phận VQG để tham quan “chui” tuyến du lịch Rào Thương – Hang Én. Gần đây nhất vào ngày 13/4, có thêm 3 du khách (2 người Latvia, 1 người Áo) tham quan trái phép hang Én. Khi bị lực lượng chức trách phát hiện, họ đều ú ớ bằng tiếng nước ngoài với lý do rằng: không biết có quy định cấm đi du lịch trái phép trong rừng đặc dụng (!?). Thống kê từ năm 2014 đến nay, tại VQG có hơn 40 đối tượng, mà chủ yếu là người nước ngoài nước ngoài “du lịch chui” đã bị phát hiện.
Đó chỉ là con số mà giới chức trách ở Phong Nha – Kẻ Bàng phát hiện được khi tuần tra, còn thực tế số lượng khách “du lịch chui” vào VQG này, hẳn rằng sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Và không chỉ ở Quảng Bình, nhiều địa phương phát triển mạnh về du lịch khác như Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An… cũng phát hiện tình trạng “du lịch chui” diễn ra rất nhức nhối.
Cần chế tài
Hoạt động du lịch trái phép đang ngày càng phổ biến sẽ kéo theo các hành vi khác như: trốn thuế, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch địa phương và làm “méo mó” hình ảnh, chất lượng và uy tín của ngành “công nghiệp không khói” đang được nỗ lực từng ngày để xây dựng.
Còn hậu quả nhãn tiền, việc “du lịch chui” rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của chính người vi phạm. Hẳn chưa ai quên vụ việc ở thác Hang Cọp, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) sáng 23/2 vừa qua. Một công ty du lịch nội địa đã cho 2 hướng dẫn viên đưa 8 du khách nước ngoài vào nơi này trái phép. Khi du khách Cwiakala Rafal (33 tuổi, quốc tịch Ba Lan) và hướng dẫn viên Nguyễn Quốc Khánh (24 tuổi, trú tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đang đu dây vượt thác thì bị tuột dây rơi xuống và bị nước cuốn trôi.
Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân cách vị trí chân thác khoảng 600m. Trước đó 1 năm (tháng 2/2016) cũng tại Đà Lạt, 3 du khách người Anh gồm 1 nam, 2 nữ “du lịch chui” không may tử nạn khi tham gia trò chơi mạo hiểm tại khu vực thác Datanla.
Riêng tại Phong Nha – Kẻ Bàng, đa phần các tuor tuyến du lịch đều mang tính chất khám phá, trải nghiệm mạo hiểm trong rừng sâu nhiệt đới và trong lòng hang động. Du khách khi mua vé tham tham các tour, tuyến sẽ được hướng dẫn bởi một đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo bởi các chuyên gian hang động, chuyên gia du lịch hàng đầu và đặc biệt nhất, được trang cấp các thiết bị bảo hộ an toàn. Nếu du khách trốn vé, đi “chui” vào các điểm tuyến du lịch này sẽ rất dễ bị lạc giữa rừng nguyên sinh, “mê cung hang động” và nguy hiểm đến tính mạng vì địa hình hang động rất hiểm trở, trơn trượt.
Trao đổi với PLVN, ông Đoàn Thanh Bình – Trạm trưởng phụ trách Bộ phận Pháp chế - thanh tra thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho hay: “Việc xử lý đối với người du lịch trái phép, mà nhất là người nước ngoài là rất khó và gặp phải nhiều vấn đề bất cập. Hiện các văn bản pháp luật chưa có chế tài xử lý đối với khách “trốn vé” mà chỉ xử lý đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ, du lịch, lưu trú, vận tải... vi phạm. Trong khi, nạn “du lịch chui” tại Phong Nha – Kẻ Bàng chủ yếu mang tính tự phát”.
Cũng theo ông Bình, hiện chỉ có Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hành vi tham quan phong cảnh trái phép trong rừng sẽ bị xử phạt hành chính cao nhất là 200.000 đồng/người. Trong khi đó, giá vé tham quan nhiều tuyến, điểm trong VQG này lại có giá cao gấp hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần so với mức xử phạt vi phạm hành chính nên ít nhiều tạo tâm lý sẵn sàng nộp phạt để “du lịch chui”. Đến hiện tại, cũng chưa có một chế tài nào bắt buộc khách du lịch phải mua vé bổ sung khi bị phát hiện hành vi đi du lịch trái phép cả./.