Phạm Đình Trọng (1714-1754) quê xã Kinh Dao, huyện Giáp Sơn, trấn Hải Dương (nay là thôn Kinh Dao, xã An Hưng, huyện An Dương). Ông đỗ tiến sĩ năm 1939, sau đó đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng dưới thời vua Lê - chúa Trịnh như: Phó đô ngự sử, Thượng thư bộ binh, Hiệp trấn 3 đạo Đông-Nam-Bắc. Là người tài cao, chí lớn, văn võ song toàn, Phạm Đình Trọng được người đương thời và hậu thế hết sức nể trọng. Do ghen ghét với tài đức của Phạm Đình Trọng, kẻ gian thần Đỗ Thế Giai gièm pha chúa Trịnh bức ông phải uống thuôc độc tự tử. Sau khi Phạm Đình Trọng mất, nhân dân nhiều vùng lập đền thờ để tưởng nhớ công đức ông.
Trong thời gian qua, tên tuổi và công trạng của Phạm Đình Trọng dần bị quên lãng, đền thờ ông ở nhiều nơi bị xâm hại… Thực trạng trên cũng bởi những bất đồng, tranh cãi về công và cũng là tội của ông trong việc cầm quân đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của lãnh tụ nông dân Nguyễn Hữu Cầu (Quận He).
Với tinh thần đổi mới theo phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, cùng với việc kết hợp quan điểm dân tộc và quan điểm giai cấp, các tham luận trong hội thảo của nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành lịch sử Việt Nam đều hướng tới mục tiêu: đối xử một cách công minh với Phạm Đình Trọng, nhằm khôi phục và tôn vinh tên tuổi vị tướng lừng danh này.