[links()]Hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra nếu được can thiệp kịp thời, đúng pháp luật của các cơ quan chức năng. Chính sự quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân dẫn đến sự thật đau lòng, thiệt hại cả nhân mạng và tài sản…
“Sinh nghề tử nghiệp”
Khoảng 0h10 ngày 24/2, khi mọi người trong khu phố đang chìm vào giấc ngủ, một tiếng nổ lớn phát ra từ căn nhà số 384/9, thuộc phường 8, quận 3, TP.HCM. Vụ nổ làm hai căn nhà kế cạnh hai bên tiếp tục đổ sập xuống. Dư chấn của vụ nổ làm hàng chục nhà dân lân cận bên bị rung chuyển mạnh, đổ vỡ cửa kính.
Hiện trường vụ nổ |
Vụ tai nạn khiến 11 người thiệt mạng, trong đó có vợ chồng ông Lê Minh Phương (58 tuổi, thường trú tại 486 Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh) - chuyên viên tạo hiệu ứng cháy nổ, khói lửa cho phim của Công ty TNHH CP công nghệ giải trí Lạc Việt- và ba người con. Vụ nổ làm sập hoàn toàn 3 căn nhà liền kề (384/7A, 384/7, 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) với tổng diện tích khoảng 276 m2.
Công an TP.HCM cũng cho biết, trong quá trình tìm kiến nạn nhân, cơ quan chức năng phát hiện một số đạn mã tử và vỏ đạn các loại (đã lấy hết thuốc súng), khả năng được sử dụng để tạo hiệu ứng cháy nổ, khói lửa phim trường.
Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng - người phát ngôn Công an TP.HCM, cho biết, dù đây là tai nạn cũng khởi tố, điều tra để làm rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ.
Theo đại tá Tuấn, qua công tác điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định, Công ty Lạc Việt có giấy phép do Sở Kế hoạch và đầu tư cấp. Liên quan đến giấy phép này, hiện Cơ quan Điều tra đang làm rõ vì sao lĩnh vực công ty của ông Phương chuyên về giải trí nhưng chức danh của ông Phương lại là chuyên viên tạo hiệu ứng cháy nổ.
Việc quản lý lỏng lẻo
Với sự thận trọng (do chưa nắm hết thông tin vụ việc một cách đầy đủ), Luật sư Trần Công Ly Tao, phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: Tổn thất nhân mạng và tài sản từ vụ việc thật đau lòng. Hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra nếu được các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời, đúng pháp luật.
Tại sao Sở Kế hoạch và đầu tư cấp phép hoạt động lĩnh vực chuyên về giải trí trong khi chức danh của ông Lê Minh Phương là chuyên viên tạo hiệu ứng cháy nổ?. Chính vì sự tắc trách trong khâu cấp giấy phép của Sở Kế hoạch và đầu tư đã dẫn tới hậu quả tai hại như báo chí phản ảnh, là có phần trách nhiệm của Sở này.
Kể cả Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an phường, Cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương... vì không kiểm tra, nhắc nhở xử lý ông Phương trong việc mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất gây cháy, nổ...
Rất nhiều ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi vụ nổ |
Theo Luật sư Tao, nguyên nhân cháy nổ được cho là xảy ra tại nhà ông Lê Minh Phương, ông Phương và cả gia đình đều đã chết. Vụ án đã được khởi tố điều tra. Theo luật định, ông Phương và vợ con ông Phương không bị khởi tố bị can. Cơ quan Cảnh sát Điều tra có trách nhiệm thực hiện việc điều tra, thu thập các chứng cứ liên quan tới vụ án.
Trường hợp phát hiện có người gây ra vụ án mà còn sống thì khởi tố bị can đối với những người này, tùy theo tính chất hành vi, mức độ thiệt hại về người và của vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chưa nói tới chức danh “chuyên viên tạo hiệu ứng cháy nổ khói lửa cho phim” được công nhận có “chính danh định phận” hay không, việc ông Phương mang các vật liệu cháy nổ về để trong nhà là trái phép, có khả năng gây cháy, nổ. Lẽ ra, vật liệu cháy, nổ cần phải quản lý chặt chẽ, tồn trữ ở kho bãi của phim trường, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Chẳng những ông Phương (nếu ông Phương còn sống) và những người có trách nhiệm của Công ty nghệ thuật giải trí Lạc Việt cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả đã xảy ra.
Về trách nhiệm kiểm tra, xử lý đối với những người sử dụng vật liệu nổ trái phép thuộc về Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ được phân công đã không làm tròn chức trách được giao có thể bị xem xét, xử lý về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (quy định tại Điều 285 Bộ Luật Hình sự).
Có thể nói, để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” quả là đáng trách. Nhưng muộn còn hơn không. Trước sự việc đã rồi, cơ quan chức năng cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm, thẳng thắn nhận trách nhiệm và sớm tổ chức đào tạo các chuyên viên tạo hiệu ứng cháy nổ cho các hãng phim theo quy chuẩn mà các quốc gia có nền điện ảnh phát triển đang làm .
Nói về vấn đề bồi thường thiệt hại, một Luật sư xin không nêu tên, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, dựa trên những thông tin ban đầu từ các cơ quan chức năng, vụ nổ có thể xuất phát từ một lượng thuốc pháo chứa trong nhà ông Phương.
Theo quy định trách nhiệm bồi thường thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Điều 623 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, ngay cả khi không có lỗi;
Trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.
Đối chiếu trong trường hợp này loại trừ khả năng vụ việc nằm trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.
Luật sư này còn phân tích thêm: Trong vụ việc, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại gồm, các thiệt hại về người (ngoài gia đình ông Phương), căn nhà ông thuê và các nhà lân cận, ngay cả khi không có lỗi. Cụ thể, nguồn tài sản dùng để bồi thường là phần di sản của ông Phương còn lại.
Do ông Phương và toàn bộ vợ, con đều đã qua đời nên hàng thừa kế thứ nhất sẽ là cha mẹ ruột (hoặc các hàng thừa kế thứ hai, thứ ba) sẽ nhận phần thừa kế để thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp phần bồi thường vượt quá số di sản ông Phương để lại thì người thực hiện bồi thường chỉ thanh toán đến hết phần di sản này mà thôi.
Trần Phong – Chí Nguyễn