Hôn nhân “hai mặt”
Từ nhiều năm nay, vợ chồng anh N.V.C. và chị L.T.H.G. sống chung dưới một mái nhà nhưng gần như hai người dưng. Họ ở hai căn phòng riêng, chỉ nói chuyện khi có những việc liên quan đến vấn đề chung cần xử lý trong nhà, hoặc chuyện về con cái. Có gì cần, họ bảo con làm trung gian trao đổi, hoặc gửi cho nhau những tin nhắn rất ngắn gọn.
Bắt đầu chỉ từ những mâu thuẫn vụn vặt trong đời sống, như quan điểm về chi dùng, về cách dạy con, về ứng xử với hai bên nội ngoại, nhưng những bất mãn tích tụ dần, “chiến tranh lạnh” kéo dài, tình cảm phai nhạt. Bề ngoài, họ vẫn là một gia đình êm ấm, vợ chồng trí thức có công việc ổn định, kinh tế ổn, con cái ngoan ngoãn. Thực chất chỉ hai vợ chồng và cả hai đứa trẻ mới biết ngôi nhà của họ lạnh lẽo đến mức nào.
Không ít cuộc hôn nhân bên trong “chết lâm sàng” mà bên ngoài vẫn giữ được vẻ chỉn chu, ổn định, thậm chí khiến người ngoài nhìn vào thấy ngưỡng mộ. Từng có trường hợp cặp vợ chồng nghệ sĩ khá nổi tiếng thường xuyên khoe những bức ảnh hạnh phúc, nhiều năm sau bất ngờ một trong hai người lên tiếng “tố” đối phương vô trách nhiệm trong hôn nhân, thiếu tôn trọng vợ, không yêu thương con. Nhiều “người hâm mộ” khi ấy mới biết mái ấm của “thần tượng” đã âm thầm tan rã từ rất lâu bên trong cái vỏ hạnh phúc lung linh...
Làm sao con cái bình yên?
Nhiều bậc cha mẹ vẫn quan niệm “làm gì thì làm, miễn giữ lại gia đình cho con cái”. Với họ, miễn là con cái được sống trong một ngôi nhà có đủ cả cha lẫn mẹ, ấy là đủ rồi, còn thực chất bên trong như thế nào cũng không sao. Kết quả là nhiều đứa trẻ sống trong những gia đình có bề ngoài đủ đầy, bên trong phải chứng kiến cảnh cha mẹ mình ghẻ lạnh với nhau, giày vò nhau.
Những “tra tấn” các cặp vợ chồng dành cho nhau không chỉ khiến đối phương tổn thương và đau đớn mà một cách gián tiếp hay trực tiếp cũng khiến con cái phải nhận những hậu quả nặng nề về mặt tâm lý, tình cảm. Nguy hại hơn, hành xử của cha mẹ trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và sự phát triển của con cái, có thể dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc về hôn nhân và hành xử trong cuộc sống.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đã khẳng định, để có một gia đình tốt điều cần thiết là gia đình phải được xây dựng trên nền tảng hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng, một vợ, một chồng và sự chung thủy, yêu thương, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau trong suốt thời kỳ hôn nhân tồn tại. Cạnh đó, Bộ tiêu chí cũng chỉ ra rằng, cha mẹ cần bày tỏ tình yêu thương đối với con cái qua những hành động cụ thể, bằng sự chăm sóc, tạo mọi điều kiện tốt nhất về tài chính, thời gian, suy nghĩ cho con mình để cho trẻ em - từ tình yêu thương ấy trưởng thành và là một người con ngoan, một công dân tốt, phải giáo dục, định hướng, tôn trọng cá tính, ý kiến của con trong quá trình nuôi dạy.
Như vậy, yếu tố cần thiết để cuộc hôn nhân tồn tại đúng ý nghĩa phải là tình yêu thương giữa đôi bên. Chỉ có duy trì được yêu thương mới có thể cùng nhau định hướng, giáo dục, để con phát triển lành mạnh, cho con một tương lai tốt đẹp.
Một ngôi nhà đầy đủ cả cha lẫn mẹ, một cuộc hôn nhân “vỏ bọc” không quan trọng bằng cách các bậc cha mẹ cùng nhau nuôi dạy con, dành tình thương cho con và làm những tấm gương tốt cho con trong cuộc sống.