[links()]Giờ đây, trên khu vực quần đảo Trường Sa, nhiều hoạt động kinh tế đang diễn ra tấp nập. Trên biển, đã thấp thoáng những lồng nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao và chủ động. Cũng có những ngư dân đã tìm được những hướng làm ăn mới, mở ra tiền lệ tốt cho nhiều ngư dân khác…
Nuôi cá lồng giữa biển
Căn phòng của Đội nuôi cá lồng bè hải sản Trường Sa thuộc Hải đoàn 129 Quân chủng Hải quân nằm khiêm tốn bên cạnh Trung tâm Dịch vụ nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Công ty Biển Đông). Đây là nơi anh em của Đội tính toán tỷ lệ thành công mỗi vụ cá.
“Từ năm 2007, Đội đã triển khai nuôi thí điểm các loại cá tại khu vực đảo Đá Tây – quần đảo Trường Sa theo công nghệ của Na Uy”, anh Đậu Bá Quý, Đội trưởng Đội nuôi cá lồng bè hải sản Trường Sa cho hay.
“Từ đó đến nay, đơn vị triển khai nuôi một số loại cá như cá mú, cá ngựa, cá chim trắng, cá hồng đen… Nhưng, chỉ có cá chẽm, cá hồng đen và cá chim trắng là cho kết quả cao, đặc biệt, cá chim trắng đạt được năng suất cao, ít bệnh, chịu được sóng gió tốt và thích nghi với môi trường nuôi”.
Đội trưởng Đội nuôi cá lồng bè hải sản Trường Sa Đậu Bá Quý đang giới thiệu về “ao” nuôi cá giữa Biển Đông. |
Nói rồi anh Quý cùng chúng tôi xuống xuồng máy khoảng 10 phút đi thăm lồng. Giữa biển xanh Trường Sa, chiếc lồng nuôi cá nổi lên như một chiếc phao cao su lớn đường kính chừng 3m, có vành lưới bao xung quanh. Từ nỗ lực của người nuôi, con cá cũng đã quen với sóng nước Trường Sa, và đang dần khẳng định hiệu quả kinh tế.
“Việc nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá lồng bè trên khu vực quần đảo Trường Sa thành công có thể mở ra những hướng phát triển kinh tế mới, bắt biển phải sinh lợi một cách chủ động cho con người”, anh Quý tâm sự.
Mở hướng đi mới
Thiếu tá Hải quân Nguyễn Văn Thịnh – người con của tỉnh Bắc Giang, 20 năm tuổi quân thì 6 năm gắn bó với Trường Sa, kể cho tôi nghe câu chuyện từ khi anh còn công tác ở đảo chìm Tốc Tan.
Cách đây dăm bảy năm, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển, bà con ngư dân phải chuẩn bị công phu cho mỗi chuyến đi biển, bao gồm cả nhiên liệu, nước ngọt, lương thực thực phẩm… khiến cho chi phí đầu chuyến tăng lên rất cao. Trong khi đó, khi ngư dân đem sản phẩm vào bờ thì bị thương lái ép giá.
Giờ đây, với hoạt động của các Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, bà con bán cho doanh nghiệp giá cả ổn định, đồng thời rút ngắn chu kỳ sản xuất, tăng hiệu quả của chuyến biển. “Là người không ít năm gắn bó trực tiếp với ngư dân, tôi thấy rõ đóng góp quan trọng của các cơ sở dịch vụ hậu cần này”, anh Thịnh nói.
Trong những câu chuyện gần gũi, nhiều tâm tư cũng được ngư dân đem ra chia sẻ với bộ đội. Anh Dương Văn Thạch, ngư dân ở Quảng Ngãi, đã đem ý tưởng hợp tác với ngư dân Malaysia đánh bắt ở ngư trường nước bạn để “xin tham vấn” bộ đội, và khi được cổ vũ rằng việc hợp tác khai thác nguồn lợi hải sản thực hiện theo đúng quy định pháp luật luôn được các nước khuyến khích, anh Thạch đã mạnh dạn tìm hướng hợp tác với doanh nghiệp và ngư dân Malaysia.
“Sau đó 2 năm, chúng tôi được thông tin anh Thạch đã sang Malaysia ký kết chính thức hợp tác với doanh nghiệp nước bạn thực hiện khai thác đánh bắt trên khu vực ngư trường do Malaysia quản lý” – anh Nguyễn Văn Thịnh cho hay. Anh Thạch đã mở ra một hướng đi mới, mà sau đó, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đã cùng thực hiện và đạt được những kết quả kinh tế không nhỏ.
Cùng với quân và dân huyện đảo Trường Sa, các hoạt động dịch vụ, nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản của các doanh nghiệp và bà con ngư dân vừa là hoạt động kinh tế quan trọng, vừa khẳng định chủ quyền bất di bất dịch của đất nước đối với khu vực biển đảo quan trọng này.
Hoàng Thủy