Câu chuyện Cty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội HANIC (mã chứng khoán SHN) loay hoay tìm cách giải quyết kết quả kinh doanh bê bết vì bị đối tác cho "ăn quả lừa" có thể là một trong những ví dụ điển hình về làm ăn "thời vỡ nợ".
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet |
HANIC từng là tiêu điểm quan tâm của dư luận khoảng hơn năm về trước, khi Cty này liên quan đến “thương vụ” lừa đảo bán đất dự án Thanh Hà của Nguyễn Anh Quân – nguyên Giám đốc Công ty BETA- BQP. Về sau, khi ông Quân tránh mặt khách hàng, HANIC trở thành “đương sự” có tư cách pháp lý không ít khách hàng tìm cách để "túm" vào.
Báo cáo công ty tự lập và Báo cáo kiểm toán 2012 vừa công bố đều đưa ra con số kết quả kinh doanh của SHN không mấy khả quan với khoản lỗ năm 2012 trên 127 tỷ đồng, chủ yếu do khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi liên quan đến Cty BETA-BQP và ông Nguyễn Anh Quân.
Theo hợp đồng vay vốn số 111-11/HĐVV/SHN-BETA ngày 27/1/2011, phụ lục 01 ngày 3/4/2011, HANIC cho Cty BETA-BQP vay số tiền 200 tỷ đồng và theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 22/2011/HĐHT/BETA-HANIC, HANIC cho BETA-BQP vay khoản tiền 38 tỷ đồng để hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh dự án thứ phát tại KĐT mới Thanh Hà – Cienco 5.
Sau đó, số nợ gốc và lãi liên quan đến hợp đồng này được chuyển sang cá nhân ông Nguyễn Anh Quân – Tổng giám đốc Cty BETA-BQP. Khoản vay được đảm bảo bởi hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Cty BĐS Âu Lạc do ông Nguyễn Thanh Tùng đứng tên với số cổ phần là 13.770.000 cổ phần, tương đương giá trị 335 tỷ đồng, chiếm 90% vốn điều lệ của Cty CP BĐS Âu Lạc và giá trị chuyển nhượng sẽ được bù trừ với số nợ còn phải thu của Nguyễn Anh Quân. Nhưng việc chuyển nhượng này chưa thành, vì thế HANIC vẫn phải trích lập dự phòng khó đòi 50% khoản công nợ này số tiền 119 tỷ đồng.
Ngoài ra, HANIC còn khoản phải thu thêm khoảng 111 tỷ đồng gồm lãi vay phải thu của các khoản vay, tiền phạt vi phạm hợp đồng, tiền Cty BETA-BQP xác nhận bồi thường thiệt hại cho Cty HANIC do không thực hiện đúng các cam kết về thanh toán…
Trong các khoản phải thu liên quan đến tài sản chờ thu hồi có một khoản 31 tỷ đồng được định giá bằng 10 cây tùng la hán. ("đối tác lớn” Nguyễn Anh Quân từng nổi tiếng với thú chơi cây cảnh).
“Bóng chim tăm cá”
Tính đến ngày 31/12/2012, tổng công nợ phải trả ngắn hạn của HANIC là khoảng 259 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn là khoảng 252 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu liên quan đến Cty BETA-BQP và Nguyễn Anh Quân là 238 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán, Cty đã trích lập dự phòng với số tiền 119 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2012 là hơn 252 tỷ đồng. Với tình hình tài chính như trên, khả năng tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp này phụ thuộc phần lớn vào khả năng thu hồi khoản nợ liên quan đến Cty BETA-BQP và Nguyễn Anh Quân cũng như khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
Nguyễn Anh Quân hiện bị truy nã. Thế nhưng, Ban Giám đốc của HANIC vẫn tin rằng công ty có khả năng thu hồi khoản công nợ này và thu xếp được các khoản phải trả khi đến hạn.
“Hiện tại, qua thông tin từ nhiều nguồn cũng như qua việc làm việc với gia đình ông Nguyễn Anh Quân, Cty đã tìm hiểu được ông Quân còn sở hữu một số tài sản và gửi công văn đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP. Hà Nội) đề nghị phong tỏa các tài sản trên giúp công ty thu hồi công nợ”, văn bản giải trình do Tổng giám đốc Đinh Hồng Long ký, nêu.
Các tài sản đề cập bao gồm các BĐS tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP HCM và 51% cổ phần của Cty bê tông thép Ninh Bình.
Bất động sản thì đang ví như “zombie” (thây ma), trong khi cổ phiếu thì còn chưa niêm yết không biết định giá thế nào. Nên nói thì nói vậy, khả năng đòi được nợ của HANIC quả như “bóng chim tăm cá”.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, chỉ số HNX tăng 0,29 điểm, tương đương 0,47%, chốt ở mức 61,38 điểm. Tuy nhiên, SHN tiếp tục bị bán tháo, giảm sàn, còn 1200 đồng/cổ phiếu, vào loại thấp nhất thị trường chứng khoán. |
Bách Nguyễn