Các trường đại học danh tiếng đang dần trở thành điểm đến du lịch hút khách khi vừa tạo ra giá trị kinh tế cho ngành du lịch vừa là định hướng giáo dục bổ ích cho du khách, đây được ví như một lợi ích kép từ kinh doanh du lịch.
Những thành phố đại học nức tiếng
Người ta gọi tên nước Anh không chỉ với cái tên xứ sở sương mù, mà nơi đây còn được mệnh danh là nơi có những thành phố đại học. Vốn được biết đến là trường đại học danh tiếng, Đại học Oxford nổi tiếng bởi các công trình đồ sộ được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo. Với bề dày lịch sử lâu đời, trường được coi là biểu tượng cho các thời kỳ phát triển của kiến trúc, từ phong cách kiến trúc Saxon cổ đến Palladian.
Công trình đồ sộ của đại học Oxford nước Anh thu hút khách du lịch |
Đại học Oxford nằm cách thủ đô London 80km về phía Tây, bên bờ sông Thames. Quần thể đại học Oxford có 36 trường, phục vụ học tập và nghiên cứu cho hơn 14.000 sinh viên. Xe đạp là phương tiện được ưa chuộng nhất ở đây. Đây cũng là lý do khiến thành phố Oxford được gọi là “thành phố của sinh viên” hay “thành phố của trường đại học”.
Điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất là Trường Christ Church, trường đại học lớn và nổi tiếng nhất trong quần thể đại học Oxford. Đây là nơi đã đào tạo ra nhà khoa học thiên tài Albert Einstein cùng 13 vị thủ tướng Anh.
Hiện tại, Trường còn lưu giữ rất nhiều cổ vật xa xưa và cả một ngôi mộ cổ. Vẻ đẹp huyền bí và cổ kính của Christ Church đã được lựa chọn làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng Harry Potter, với bãi cỏ xanh mướt nơi Harry luyện tập cưỡi chổi bay là địa điểm nổi tiếng nhất đối với khách du lịch.
Nhà hát Sheldonian cũng là một điểm đến đầy thu hút khác. Nhà hát cổ điển này được lấy cảm hứng từ nhà hát Marcellus ở Rome, ngày nay thuộc sở hữu của Đại học Oxford và trở thành nơi dành cho các hoạt động biểu diễn quần chúng. Ghé thăm quần thể Đại học Oxford không thể bỏ qua Bảo tàng Ashmolean được thành lập năm 1683, cũng là viện bảo tàng đại học cổ xưa nhất thế giới.
Lưu giữ tại Viện Bảo tàng này là những bộ sưu tập quan trọng về nghệ thuật và khảo cổ, trong đó có những tác phẩm của Michelangelo, Leonardo da Vinci, Turner và Picasso, cùng các cổ vật quý như bình đá Scorpion, bia văn Parian và bộ châu báu Alfred.
Chuỗi Thư viện Bodleian - trung tâm của Viện Đại học sẽ là điểm ghé thăm tuyệt vời cho du khách yêu sách báo. Với hơn 11 triệu đầu sách chứa trên các kệ có chiều dài tổng cộng lên tới 190km, chuỗi Thư viện Bodleian là thư viện lớn thứ nhì tại Anh, chỉ sau Thư viện Anh Quốc.
Thư viện Bodleian là một trong 6 thư viện ở Anh có đặc quyền lưu trữ, do đó, tốc độ tăng trưởng chiều dài kệ sách của chuỗi thư viện mỗi năm là hơn 5km. Với tổng thể các công trình đồ sộ, Đại học Oxford sẽ là điểm đến du lịch kết hợp giáo dục lý tưởng cho du khách.
Thư viện Trường đại học Oxford là bối cảnh trong nhiều bộ phim nổi tiếng |
Nếu như Oxford là thành phố đại học của nước Anh xinh đẹp thì Đại học Harvard lại nằm trong quần thể “làng đại học” được mệnh danh là cái nôi của nền học thuật nước Mỹ, cũng là trường đại học có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới. Đại học Harvard được thành lập năm 1636, đến thế kỷ XIX, Harvard nổi lên như một cơ sở văn hóa chủ chốt của giới tinh hoa vùng Boston.
Viện Đại học Harvard được tổ chức thành 11 đơn vị học thuật – 10 phân khoa đại học và Viện nghiên cứu cao cấp Raddiffe - với khuôn viên chính rộng 209 mẫu anh (85ha) ở thành phố Cambridge. Nổi bật trong lối kiến trúc của trường là Thư viện Viện Đại học Harvard.
Là thư viện lớn nhất Hoa Kỳ và là một trong các thư viện lớn nhất thế giới, với hơn 80 thư viện riêng lẻ chứa hơn 15 triệu tài liệu. Bộ sưu tập tài liệu ngôn ngữ Đông Á lớn nhất (bên ngoài Đông Á) được lưu trữ tại Thư viện Harvard - Yenching.
Harvard còn có một số viện bảo tàng nghệ thuật văn hóa và khoa học. Bảo tàng nghệ thuật có ba viện: Viện Bảo tàng Arthur M. Sackler có các bộ sưu tập nghệ thuật cổ châu Á, Hồi giáo, và Ấn Độ thời kỳ sau; Viện Bảo tàng Busch-Reisinger trưng bày nghệ thuật Trung Âu và Bắc Âu; còn Viện Bảo tàng Fogg thì trưng bày nghệ thuật Tây phương từ thời Trung cổ đến thời hiện đại.
Hội trường Memorial Hall là nơi nổi bật với lối kiến trúc độc đáo, cổ điển và vô cùng xa hoa, tráng lệ. Bên cạnh đó, Harvard còn sở hữu nhiều khu luyện tập thể dục thể thao dành cho nhân viên; khu nội trú trong trường bên cạnh dòng sông Charles dành cho các sinh viên năm 2, năm 3, năm 4 sinh sống; sân vận động rộng 145ha ở khu Aliston cho các hoạt động giải trí; các tòa nhà hành chính và khu để học tập, nghiên cứu như University Hall, Server Hall, nhà thờ cổ kính Memorial…
Toàn cảnh Trường Đại học hàng đầu thế giới - Harvard |
Harvard nổi tiếng với khuôn viên rộng 85ha với nhiều thảm cỏ xanh mướt và cây cối bao bọc xung quanh, cùng những con đường nhỏ nhắn quanh co tạo nên một khung cảnh lãng mạn và cảm giác yên bình khi được học tập, làm việc tại đây. Nhờ vậy, Harvard là nơi thường xuyên được sử dụng làm bối cảnh cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn học, điện ảnh và các lĩnh vực văn hóa lịch sử khác.
Anh và Mỹ là hai quốc gia nổi tiếng với nền giáo dục hiện đại cùng với chất lượng đào tạo hàng đầu thế giới. Đây cũng là hai quốc gia đón nhận thành quả của xu hướng du lịch giáo dục nở rộ như hiện nay. Lượng học sinh đổ về tham quan các trường đại học lớn đến mức một thành viên hội đồng Trường Oxford đã thốt lên trên mạng xã hội Twitter rằng vào mùa hè, khuôn viên nhà trường đã biến thành “địa ngục của đám khách du lịch”.
Lợi ích kép từ du lịch giáo dục
Có thể thấy, xu hướng du lịch kết hợp với giáo dục đang thổi một luồng gió mới vào mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch tại các nước trên thế giới. Với phương châm “không chỉ là du lịch”, điểm đến trong mỗi hành trình tham quan là các trường đại học danh tiếng sẽ đem lại những trải nghiệm về giáo dục đầy đáng nhớ cho du khách, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.
Sau mỗi chuyến đi, du khách sẽ được tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại, qua đó định hướng con đường học hành hoặc mở mang tầm hiểu biết. Với các bậc phụ huynh, lựa chọn những khóa học ngắn ngày đến các trường đại học danh tiếng cho con mình vào mỗi dịp hè là sự đầu tư “sinh lợi” cho phát triển tri thức.
Đón đầu xu hướng du lịch này là Trung Quốc. Theo một thống kê vào năm 2018, hơn 650.000 học sinh Trung Quốc đã tham dự các khóa học ngắn ngày ở nước ngoài, tăng 30% so với hai năm trước đó.
Học sinh Trung Quốc thăm quan tại Trường đại học Harvard |
Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, lượng học sinh Trung Quốc tới tham quan học xá và giảng đường của các trường đại học hàng đầu thế giới tăng mạnh, do nhiều bậc phụ huynh tầng lớp trung lưu nước này muốn con cái được sớm tiếp xúc với tinh túy của nền giáo dục hiện đại của phương Tây.
Số lượng những chuyến học hè ngắn ngày ở nước ngoài đạt mức tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây, điều đó đồng nghĩa với lượng sinh viên Trung Quốc du học sẽ tăng gấp đôi trong những năm tới, Joe Chiu, Giám đốc Trung tâm tiếng Anh quốc tế EF dự đoán.
Anh và Mỹ vẫn là hai quốc gia thu hút đông học sinh Trung Quốc nhất, xếp sau là Australia, Canada và Singapore, ông Chiu nói. Chỉ tính riêng năm ngoái, ngành này đã thu về 4,5 tỉ USD doanh thu. Theo dự đoán, con số này sẽ tiếp tục tăng khoảng 30% mỗi năm trong vòng 10 năm tới.
Du lịch tới các trường đại học danh tiếng là phương pháp học tập được khuyến khích ở hầu hết các nước trên thế giới. Ở các nước phát triển, phần lớn học sinh, sinh viên đều có kế hoạch tham gia các chuyến du lịch học tập ít nhất một lần trong đời. Ngay cả những người đã đi làm cũng có những kế hoạch du lịch mà ở đó mục đích học tập được đặt lên hàng đầu.
Những năm gần đây, các tập đoàn du lịch học tập lớn đã hình thành, ví dụ như Tập đoàn Du lịch EF - EducationFirst của Anh đã có mặt trên 80 quốc gia và lãnh thổ nhằm phục vụ nhu cầu đi để học của du khách trên toàn thế giới.
Tại các nước đang phát triển, một số quốc gia cũng xây dựng hẳn một chiến lược biến đất nước trở thành điểm đến cho các chương trình du lịch giáo dục và du học mà điển hình là Malaysia. Năm 2015, Bộ Giáo dục nước này đã phối hợp với Bộ Du lịch và Văn hóa tung ra chiến dịch “Malaysia - 101 gói du lịch kết hợp với giáo dục” tại Tuần lễ giáo dục Malaysia nhằm tiến thêm bước nữa trong nỗ lực thúc đẩy du lịch Malaysia trên sân khấu toàn cầu.
Thiết nghĩ, đây là một mô hình kinh doanh hiệu quả cho ngành du lịch, cũng đồng thời tạo ra những lợi ích to lớn đối với nền giáo dục của mỗi nước. Song, mỗi quốc gia cũng cần có những chính sách đầu tư hiệu quả và sự kết hợp của các cấp, các ngành để hướng tới kết quả tốt nhất cho loại hình du lịch đầy tiềm năng này.