Hành trình về đất Tây Tạng (P1)

Chưa bao giờ tôi nảy ra ý tưởng so sánh ánh sáng đèn màu trên những đại lộ sầm uất ở châu Âu với ánh

 Chưa bao giờ tôi nảy ra ý tưởng so sánh ánh sáng đèn màu trên những đại lộ sầm uất ở châu Âu với ánh hoàng hôn vàng rực phản chiếu trên những đỉnh tuyết sơn hùng vĩ đã triệu triệu năm soi bóng xuống làn nước xanh thăm thẳm của Thánh Hồ Namtso. Vì thế, cánh già chúng tôi quyết định đến với Tây Tạng.

Chuẩn bị cho “hành trình để đời”

Giấc mơ Tây Tạng đã thành hiện thực. Để thực hiện cho chuyến đi này, chúng tôi đã chuẩn bị trước đó 3 tháng: 15 người đăng ký đi, làm việc với công ty du lịch Trung Quốc chốt danh sách và lịch trình, đến khi làm Visa đi Trung Quốc còn lại 9 người. Lại phải làm việc một lần nữa với nước sở tại, còn 1 tuần nữa theo lịch trình phải lên đường còn lại 4 người.

Đi Tây Tạng, ngoài visa còn phải có Permit (giấy phép) vào Tây Tạng. Chúng tôi lên lịch trình đi đúng vào lúc Tân Cương đang bạo loạn nên giấy phép vào Tây Tạng rất khó khăn, chưa nói đến việc thay đổi người. Thông thường phải làm giấy phép trước 20 ngày. Gửi visa sang, chuyển tiền đặt cọc rồi mà 4 ngày hôm sau họ gửi giấy phép qua email. Giấy phép này phải nhận được bản gốc để làm thủ tục tại cửa khẩu đi đến Lhasa. Cũng may chúng tôi có bạn ở Bằng Tường nên công ty du lịch gửi bản gốc về Bằng Tường. Chỉ còn 3 ngày nữa lên đường, vé máy bay cũng đã mua, ko biết giấy phép có kịp nhận ko. Buổi chiều ngày hôm trước khi đi, bạn Trung Quốc điện thoại cho biết đã nhận được giấy phép. Thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi chuẩn bị lên đường.

Chúng tôi còn lại 4 người đều U60 thấp nhất là 50, cao nhất là 55 tuổi. Bác Hanoi341956 là lớn tuổi nhất, tôi (noicomdien – nickname trên diễn đàn Otofun), bác Forcus_S và cả vợ bác cũng đi. Đây cũng là chuyến đi để vượt qua thử thách, cánh già chúng tôi quyết tâm lên đường.

Bốn thành viên trong đoàn hành trình Tây Tạng
Bốn thành viên trong đoàn hành trình Tây Tạng

Chúng tôi xác định tư tưởng và chuẩn bị tinh thần từ trước rằng, chắc chắn Tây tạng không phải là nơi dành cho người yếu tim, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu đi bằng máy bay đến phải xác định ngày đầu tiên nằm nghỉ không thể làm ăn gì cả, những ngày sau đó quen dần sẽ đỡ hơn nhưng vẫn mệt. Đầu đau, tim đập nhanh, huyết áp lên cao trong khi bên ngoài áp suất lại thấp. Miệng nôn liên tục, không ăn uống gì được. Khách du lịch uống một loại thuốc chống sốc độ cao của thổ dân Tây Tạng sẽ đỡ hơn nhiều.

Vì thế, chúng tôi chuẩn bị những hộp thuốc chống sốc độ cao. Nó thật hữu hiệu và là vật bất ly thân của chúng tôi trong suốt hành trình. Mỗi hộp 12 lọ 10ml, giá 40 tệ một hộp. Từng lọ nhỏ, đủ một liều. Ngày uống 3 liều sau các bữa ăn. Thứ không thể thiếu khác là bình ô xy. 15 tệ một bình ở các hiệu tạp hóa, còn trong khách sạn bán 20 tệ. Một bình thở nhẹ được khoảng 15 phút. Đặc biệt tác dụng, khi nhẩy xuống xe chụp ảnh ở độ cao trên 4000 - 5000m.

Thuốc chống sốc độ cao
Thuốc chống sốc độ cao

 Đặt chân đến đất Tây Tạng

Chúng tôi bắt đầu đi từ Hà Nội vào lúc 7 giờ sáng. Trời mùa thu xanh ngắt, hứa hẹn 1 chuyến du lịch thú vị. Người bạn Trung Quốc của chúng tôi thuê một chiếc xe Nissan 2.0 đến sân bay Nam Ninh với giá 350 tệ. Đường đến sân bay Nam Ninh rất đẹp, “sư phụ” này mát ga chạy toàn 140km/h, có lúc lên đến gần 170km/h. Đến sân bay vẫn còn sớm, sân bay to, đẹp nhưng không có chỗ cho khách chờ. Đành gọi mỗi người 1 lon Cocacola với giá 20 tệ/lon để lấy chỗ ngồi.

Sân bay Nam Ninh
Sân bay Nam Ninh

Từ Nam Ninh bay đến Trùng Khánh, nghỉ lại một đêm ở đây, sáng hôm sau chúng tôi lên đường đến với Lhasa (Tây Tạng). Buổi sáng ra sân bay đáp chuyến bay đi Lhasa, cô bé làm thủ tục ưu tiên cho chúng tôi 2 chỗ ngồi cạnh cửa sổ máy bay. Bay hết địa phận Trùng Khánh sang địa phận Tây Tạng, đã nhìn thấy mây lãng đãng trôi trên những đỉnh núi tuyết. Rất nhiều hồ băng rộng lớn trên núi cùng những những ngọn núi ngủ yên hàng triệu năm trong mây trắng. Chót vót ở độ cao trên 3.500m so với mực nuớc biển, cao nguyên Tây Tạng (Tibet) được mênh danh là “nóc nhà thế giới” với những ngọn băng cao sừng sững, xa xa là đỉnh Everest.

Hồ băng trên đỉnh núi
Hồ băng trên đỉnh núi

Máy bay chuẩn bị hạ cánh, chúng tôi không giấu được cảm giác hồi hộp, pha chút băn khoăn: “Liệu chúng tôi có thích ứng được với không gian của đỉnh núi cao gần 3900 m, nơi mà áp suất không khí chỉ còn khoảng 70% , không khí loãng trị vì khắp nơi?”. Xuống sân bay, một em guide người Tạng đón tiếp chúng tôi, quàng khăn trắng lên cổ mỗi người theo phong tục.

Em tên là Luo Shang Cuo Mo – một khuôn mặt đặc trưng của người Tạng, dễ mến, dễ gần. Chúng tôi đặt chân đến đất Tây Tạng với nụ cười hồn hậu cùng lời cầu chúc may mắn của người hướng dẫn viên sẽ theo chũng tôi suốt hành trình Tây Tạng như thế.

Tới Lhasa “thưởng thức” sốc độ cao

Tây Tạng mang vẻ ấm nóng của màu đất, nắng chan hòa trên khắp thảo nguyên rộng lớn. Đường từ sân bay về Lasa lúc thì thẳng tắp, khi thì quanh co uốn khúc dọc sông,  bao quanh là các sườn núi thoai thoải với những vệt nắng. Trên đầu là những đám mây trôi lờ lững. Bầu trời Tây Tạng xanh thăm thẳm, sắc xanh vô tận từ màu thiên thanh của bầu trời. Chẳng có họa sĩ nào diễn tả được thần thái kỳ diệu của sự pha trộn màu sắc kì ảo của cảnh đẹp Tây Tạng. Sân bay Gong Ga cách thành phố Lhasa hơn 70 km. Sau 2 giờ đồng hồ, Lasa đã hiện ra trước mắt - " Thành phố mặt trời".

Đường vào thành phố Lhasa đẹp và sạch. Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy cung điện Potala. Ở đây, công trình kiến trúc Potala có thể được nhìn thấy từ mọi góc. Khách sạn chúng tôi ở ngay trung tâm thành phố. Khách sạn Cool Yak Hotel - một trong những khách sạn nổi tiếng được ghi trong sách tour du lịch của Tây Tạng vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Đường đến Lhasa đẹp như trong tranh
Đường đến Lhasa đẹp như trong tranh

Theo hướng dẫn của Luo Shang, chúng tôi về phòng nghỉ ngơi. Ngày đầu tiên ở Tây Tạng phải tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn viên: Đi lại nhẹ nhàng, tránh vận động nặng; Tuyệt đối không được tắm, gội; Nghỉ ngơi hoàn toàn; Tập thở sâu, để cơ thể hấp thụ được càng nhiều oxy; Luôn luôn có bình oxy bên cạnh, nhức đầu là mở luôn để thở; Không nên ăn no, cần uống nhiều nước…

Chúng tôi tuy đã có tuổi nhưng đều đã leo Fanxipan, đá bóng và đánh tennis tuần 3-4 buổi, ai nấy đều chủ quan nghĩ rằng, Tibet không đáng ngại như các thông tin đã đưa. Nhưng đến đêm thì chúng tôi đã bắt đầu phải trả giá cho sự chủ quan đó. Gần như suốt đêm vật vã vì đau đầu, uống thuốc giảm đau tình trạng vẫn không được cải thiện. Sốc độ cao bắt đầu ngấm. Từng cơn đau đầu giật từ 2 hốc mắt lên đỉnh đầu, mắt mờ đi. Chân tay tê mỏi, cảm giác như có kiến bò trong xương (có thể do thiếu oxy trong máu). Thở hết 3 bình oxy vẫn không giảm đau, mọi người chỉ mong trời mau sáng. Chúng tôi chào đón bình minh ngày đầu tiên tại Lhasa như vậy đó.

Buổi sáng ngày thứ 3, ở Lhasa, không ai trong chúng tôi nuốt nổi bữa sáng. Luo Shang nhanh chóng chuyển đổi lịch đi thăm Cung điện Potala sang ngày cuối cùng và đưa chúng tôi vào bệnh viện. Bệnh viện vừa đông vừa bẩn, nhìn quá ngán ngẩm, chúng tôi khám và mua thuốc uống. Lúc này chỉ trông mong vào nghị lực của chính mình. Ở bệnh viện Lhasa, sau khi khám, bác sỹ chỉ định cho chúng tôi dùng thuốc chống sốc độ cao. Ngày uống 3 lọ (sáng, trưa, tối - kể cả khi không ăn uống được gì).

Chúng tôi tự động viên nhau phải cố gắng để vượt qua . Buổi trưa mọi người gượng dậy ăn 1 chút gì đó để lấy sức và uống thuốc, lại thở oxy. Nghỉ đến 2h chiều, cơn đau đầu tạm lui. Chúng tôi đến Đại Chiêu Tự để thăm quan. Từ khách sạn đến Đại Chiêu Tự chỉ 5 phút đi bộ, đi chậm, thở sâu. Có lẽ Đức Phật cũng thương tình cánh già chúng tôi, nên chúng tôi vượt qua được thử thách đầu tiên tại Tibet.

Thăm Đại Chiêu Tự

Đại Chiêu tự (Jokhang temple) nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO từ năm 2000, là một ngôi chùa nổi tiếng ở Barkhor - Lhasa. Đối với người Tây Tạng, đó là ngôi chùa linh thiêng nhất nước. Đại Chiêu tự có trước rồi sau mới tới thành Lhasa. Chùa nằm giữa khu phố cổ sầm uất. Nơi ngày ngày, hàng ngàn người dân Tây Tạng đổ đến đây để hành hương.

Trước Đại Chiêu Tự
Trước Đại Chiêu Tự

Đại Chiêu tự tiếng Tây Tạng có nghĩa là Giác Khương, chính là nơi thờ Phật Thích ca. Chùa Đại Chiêu là một nơi hành hương của Phật tử từ nhiều thế kỷ qua. Trong quá khứ Lhasa từng bị Mông Cổ chinh phạt nhưng chùa vẫn sừng sững trang nghiêm. Qua nhiều lần tu sửa và xây thêm, hiện nay chùa chiếm diện tích khoảng 25 ngàn m2. Trong chùa ngoài điện Phật Thích Ca còn có điện của ngài Tông Khách Ba, điện Tạng Vương, điện thần Hộ Pháp của phái Cách Lỗ.

Điều đặc biệt khác ở Đại Chiêu Tự là những đoàn người hành hương về thánh địa đền Jokhang. Một ngày họ phải đi 13 vòng quanh chùa với nghi thức “tam bộ nhất bái” (đi ba bước, bái một lạy) - Một nghi thức tôn giáo dành cho những người hành hương được xem là khổ hạnh nhất thế giới.

Nghi thức "tam bộ nhất bái"
Nghi thức "tam bộ nhất bái"

Đối với những người theo Lạt Ma khắp Tây Tạng, một lần trong đời người đều hành hương theo nghi thức “tam bộ nhất bái” về thánh địa Jokhang. Họ đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến hành hương này từ nhiều năm trước. Những chuyến đi về đến Jokhang là niềm vinh dự lớn lao không chỉ của bản thân, mà còn của gia đình, làng mạc của họ. Họ đến từ khắp miền Tây Tạng, cách Jokhang là hàng trăm, có khi hàng nghìn cây số. Có thể họ đã đi ròng rã hàng tháng tháng trời để đến được thánh địa Jokhang. Người mộ đạo có niềm tin tuyệt đối tại thánh địa và không phải ai cũng đủ điều kiện và sức khỏe để thực hiện chuyến hành hương khổ hạnh của cả đời người này. Trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, chuyến hành hương khổ hạnh “tam bộ nhất bái” được xem là dài nhất, gian khổ nhất được ghi nhận là của thánh tăng Hư Vân. Ông đã đi suốt ba năm trời trong tuyết trắng và vượt qua chặng đường dài đến 2.500 km.

Ra khỏi Jokhang, về đến khách sạn, ai nấy đều rã rời. Đến bữa ăn, nhìn nồi lẩu bốc khói nghi ngút, chẳng ai muốn động đũa. Cơn đau đầu lại bắt đầu xuất hiện, hành hạ chúng tôi. Vì đang uống thuốc chống sốc độ cao để tuần hoàn não nên bác sĩ cấm tuyệt đối không cho chúng tôi uống thuốc ngủ. Lại một đêm vật vã, miệng nôn liên hồi. Chỉ còn cách cuối cùng là thở thật nhiều oxy. Đến gần sáng, mọi người mới thiếp đi.

Người hành hương ở Đại Chiêu Tự
Người hành hương ở Đại Chiêu Tự

Gượng dậy để đến với thánh hồ Namtso

Sáng ngày thứ tư, chúng tôi tỉnh đậy mà đầu vẫn đau như búa bổ, lại động viên nhau lội bộ xuống phòng ăn. Chúng tôi đã bàn đến phương án bỏ tour, thậm chí bỏ cả vé máy bay để bay về Quảng Châu thật nhanh về nhà. Món cháo trắng làm chúng tôi dần dần tỉnh lại. Hôm nay theo chương trình đi hồ Namtso – một trong ba Thánh hồ của Tây Tạng và là hồ nước mặn cao nhất thế giới.

Sau khi kiểm tra huyết áp từng người, uống thuốc, thở oxi (điệp khúc này nhắc lại 1 ngày 3 lần), chúng tôi quyết định lên đường. Giám đốc công ty du lịch vì lo cho sức khỏe của chúng tôi, đến tận nơi và đưa cho chúng tôi một vỉ thuốc đặc biệt đề phòng chuyện bất trắc .

 

Ra khỏi thành phố, cách vài km, xe dừng lại tại một trạm kiểm soát, Luo Shang xuất trình hộ chiếu và giấy phép của chúng tôi. Sau khi qua kiểm tra, xe lại đi tiếp. Nếu không có guide đi cùng, kể cả có giấy phép cũng không qua nổi. Dọc đường có khoảng 5 trạm như thế, chưa kể những trạm lưu động đỗ ven đường. Có lẽ bạo loạn ở Tân Cương ảnh hưởng rất nhiều đến Tây Tạng.

Một trạm kiểm soát trên đất Tây Tạng
Một trạm kiểm soát trên đất Tây Tạng

Cơn đau đầu đỡ dần, không khí trong lành, những cánh đồng đại mạch hai bên đường tươi tốt làm chúng tôi khỏe ra. Quyết định đi rất đúng dắn, nếu nằm ở khách sạn chắc giờ này chúng tôi chỉ muốn bỏ hết để về nhà thật nhanh.

Hồ Namtso cách Lhasa hơn gần 200 km. Đi khoảng 100km, mọi người đều vui mừng khi bụng đói (phải ở hoàn cảnh chúng tôi mọi người mới hiểu, từ khi đặt chân vào Lhasa cơ thể gần như không thể hấp thụ được, ăn vào lại nôn ra). Tạt vào quán cơm ven đường, chủ quán giới thiệu các món nấm của người Tây Tạng ăn để chống sốc độ cao.

Để đến được hồ Namtso, chúng tôi phải vượt qua đèo La Ken La. Mở bình ôxi, thở thật sâu, chuẩn bị vượt đèo. Đỉnh đèo La Ken La cao 5190 m, mưa đã tạnh, mây mù bắt đầu tan dần. Đứng trên đỉnh đèo đã nhìn thầy hồ Namtso, cả 1 vùng thảo nguyên bao la rộng lớn hiện ra trước mắt chúng tôi, xa xa là những túp lều của người Tạng chăn bò Yak. Người Tạng của vùng Namtso giầu nhất vùng Tibet vì bò Yak rất đắt. Lều nào cũng có 1 xe Lancuiser hoặc Prado, thậm chí vài xe pickup để chuyên chở gia súc.

Trên đỉnh La Ken La
Trên đỉnh La Ken La

Chúng tôi đã vượt qua thử thách thứ 2 ở độ cao này mà không ai bị sốc. Một chị người Hán ở đoàn bên cạnh, do chủ quan không chuẩn bị đã đổ máu mồm và ngất tại chỗ, quá hãi chúng tôi lên xe đi xuống luôn.

Hồ Namtso dài 70 km, cao 4.720m so với mực nước biển. Con đường từ đèo La Ken La đến nơi thăm quan du lịch của hồ gần 30 km, nằm giữa thảo nguyên mênh mông. Nằm trong khu vực sa mạc, lại ở độ cao hơn 4.000m trên mực nước biển nên nơi đây lạnh nhiều hơn nóng. Hồ Namtso vắng vẻ, hoang sơ, không có người sinh sống, là một trong ba hồ thiêng liêng nhất của đạo Phật ở Tây Tạng.

Thánh hồ Namtso
Thánh hồ Namtso

Gió mang hơi nước mặn từ hồ thổi vào làm tan biến những cơ đau đầu. Rất nhiều người đến đây lấy nước về chữa bệnh. Tôi cũng nếm thử vẫn vị mặn của biển, chát ở đầu lưỡi. Nước trong vắt, soi rõ từng viên sỏi đá, cảm giác giống như đang đứng trước biển Côtô hay giống như Côn Đảo. Đúng là thiên nhiên kỳ bí, chẳng biết bao giờ ta khám phá được hết bí ẩn của nó. Hồ có 5 đảo, một trong số đó được hình thành từ đá sa thạch. Các đảo này là môi trường sống lý tưởng cho các loại thực vật sống dưới nước. Cứ đến cuối đông, hàng nghìn người Tây Tạng hành hương thường đi bộ qua mặt hồ đóng băng sang đảo, phục vụ mục đích tâm linh. Họ mang theo thức ăn để có thể ở lại trên đảo suốt mùa hè, đến mùa đông năm sau mới trở về

Nơi đây vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ
Nơi đây vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ

Sau khi vượt đỉnh đèo LaKenLa xuống hồ Namtso, ai cũng chủ quan không mang theo bình oxy. Đến lúc này lượng oxy trong người bắt đầu cạn kiệt, hụt hơi, cơn nhức đầu xuất hiện trở lại. Đầu óc quay cuồng, lạnh buốt trong người, không thở được, tim đập loạn xạ, không thể tự chủ từng cử động của mình. Cảm giác cái chết kề bên, chúng tôi cố gắng nhích từng bước chân đến “vòng chuyển luân kinh”. Vịn vào dãy “chuyển luân kinh” để đi, mà đường còn rất xa mới đến bãi gửi xe. May mắn, Luo Shang đã năn nỉ những người trông xe để đưa xe vào đón chúng tôi. Lên xe mở được bình oxy, thở như chưa được thở trên đời.

Thở hết 2 bình oxy, sự sống đã hồi sinh. Trời cũng đã về chiều, chặng đường về Lhasa còn rất xa. Tạm biệt Namtso, chúng tôi tiếp tục lên đường. Hồ Namtso đã lùi lại sau lưng, những chiếc lều của người Tạng cũng chìm dần trong không gian tĩnh mịch. Chúng tôi thấy thanh thản nhẹ nhàng khi vượt đèo La Ken La, đường đèo không còn đáng sợ như lúc ban đầu. Rêu, cỏ cũng sáng bừng lên trong chiều tà.

Nước hồ trong vắt
Nước hồ trong vắt

Về đến Lasa, sau 1 chuyến đi dài, chẳng ai thấy mệt mỏi. Điều lạ kỳ không ai thấy bất cứ hiện tượng của sốc độ cao nữa, bình oxy cũng không cần. Không biết có phải là do uống nước Thánh hồ Namtso hay các loại thuốc đã có tác dụng. Cơ thể con người thật kỳ diệu, có thể thay đổi để thích nghi với mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

(Tổng hợp từ lời kể của các thành viên noicomdien, focus S, hanoi341956 – Diễn đàn Otofun). Ảnh do nhân vật cung cấp

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.