Trong vai những vị khách “hám của lạ”, nhóm phóng viên báo Câu chuyện Pháp luật dạo quanh một số tụ điểm quán cà phê, mát xa trá hình vào loại nhộn nhịp bậc nhất Hà thành và thâm nhập “thiên đường sung sướng” ở phố Phan Đăng Lưu (Thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Thật bất ngờ, trong số các em tiếp viên ăn mặc hở hang, khiêu gợi, mời chào lôi kéo khách nơi đây, có nhiều em còn trong độ tuổi đi học, chỉ vì muốn có tiền để mua bộ quần áo mới mà bị kẻ xấu lừa gạt bán vào “tổ quỷ”.
Những tiếp viên ăn mặc mát mẻ đang đứng chờ khách trên con phố Phan Đăng Lưu. |
Săn “bướm đêm” ở nơi “lầu son sung sướng”
Phố Phan Đăng Lưu thuộc thị trấn Yên Viên của huyện Gia Lâm (Hà Nội) lâu nay vốn nổi tiếng với cái tên là “ngã ba quỷ”, “ngã ba sung sướng”, “lầu son sung sướng”... vì cả con phố chỉ dài chưa gần 1 cây số, nhưng có tới hơn ba chục “lầu son” trưng biển cà phê, giải khát, thư giãn, cắt tóc...
Ánh đèn lờ mờ, đo đỏ hắt ra từ những tiệm mát xa càng làm tăng sự tò mò cho cho những ai đi ngang qua và “quý ông” nào đi ngang qua đây chỉ cần giảm tốc độ xe là y như rằng sẽ được những em tiếp viên trẻ đẹp đứng sát lề đường kéo chiếc váy ngắn cũn cỡn, bó sát cặp đùi lên thật cao để mời chào, chèo kéo vào “lầu”.
8h tối, chúng tôi cũng cố tình cho xe chạy thật chậm dọc theo con phố này. Và ngay lập tức, các nữ tiếp viên thi nhau tràn xuống lề đường, kèm theo là những cái vẫy tay mời chào nhiệt tình. Có em còn mạnh bạo đến mức vừa mời chào vừa thực hiện những động tác “khiêu khích” khách. Vừa dừng xe trước một quán không biển hiệu, khách lập tức được đám tiếp viên vây quanh với đây đẩy những lời chào mời: “Các anh vào đi, vào đi, em làm cho... Quán em có nhiều em trẻ đẹp, các anh tha hồ mà chọn lựa. Toàn 9X thôi nhé! Đảm bảo phục vụ các anh sướng lên tận mây luôn!”.
Một ả vừa nói vừa ra hiệu cho mấy em tiếp viên lôi khách vào trong, gã bảo vệ thì nhanh tay dắt xe khách vào tận trong nhà rồi kéo cánh cửa sắt đóng “rầm” một cái. Cô tiếp viên trẻ măng cười tít mắt, đưa tay chà sát cơ thể anh bạn đi cùng khách, kèm theo lời cam đoan như đinh đóng cột: “Các anh cứ xuống “lầu”, đảm bảo sẽ sung sướng, nếu không hài lòng, em không lấy tiền đâu mà lo”.
Trong các nữ tiếp viên bày ra trước mắt, khách chọn một cô bé trông dáng vẻ mệt mỏi, buồn bã, ánh mắt phớt lờ. Đưa khách xuống “lầu”, cô bé nói bằng giọng run run: “Mời anh đi theo em”.
Đường đi xuống “lầu” là một chiếc cầu thang hẹp, dốc, gần như thẳng đứng. Lúc đầu cứ nghĩ “lầu” thì phải nổi hoặc ở trên cao, hóa ra nó lại nằm chìm dưới đất. Trong mỗi “lầu” được bày một chiếc ghế salon cũ kỹ, “lầu” nọ cách lầu kia một tấm vải ri-đô. Trên tường của mỗi “lầu” có treo 1 chiếc quạt tường, 1 chiếc móc áo.
Nền “lầu” là lớp xi măng ẩm ướt, lộn xộn những cuộn giấy đa năng, chai đựng nước trắng, và bô bằng nhựa. Thấy khách ngó nghiêng khắp phòng, cô bé liền phân bua: “Anh cứ yên tâm, nhà chủ làm nhiều năm nay rồi, không có ai đến kiểm tra đâu mà sợ. Nếu có “biến” thì tụi em được báo trước, khách sẽ được lánh tạm ra cánh đồng phía sau cánh cửa kia kìa!”.
Nữ sinh lưu lạc vào “lầu sung sướng” vì hai bộ đồ mới
Trấn an khách xong, cô bé có nước da trắng ngần, khuôn mặt trái xoan này ngồi thở dài rồi cúi gằm mặt im lặng. “Em tên gì?”, khách hỏi. “Em tên Mịn”, cô bé trả lời. “Vậy hả? Hình như Mịn không được vui thì phải?”. Mịn nhìn khách một hồi như để dò xét, sau đó lại cúi mặt nín thinh. “Mịn yên tâm, anh vào đây là để tâm sự thôi”, không ngờ câu nói đó đã khiến Mịn dốc bầu tâm sự: “Em không thích làm nghề này chút nào!”.
Hỏi nguyên nhân, Mịn đáp: “Em bị người ta cưỡng ép, không thể không làm”. Góp ý: “Em có thể báo công an” thì Mịn lo lắng: “Không được, chúng sẽ gây hại cho gia đình em mất”. “Vậy em định chấp nhận ở đây mãi sao?”, khách hỏi tiếp. Đáp lại, Mịn ngập ngừng: “Hay, anh… giúp em trốn khỏi nơi đây?”. “Sao em lại nhờ anh?”, Mịn nói trong tiếng nấc: “Vì em biết anh sẽ cứu được em, và vì mẹ em đang ốm nặng ở nhà”.
Những giọt nước mắt nóng hổi trên má Mịn cho thấy dường như cô bé đã không nói dối. Trong thoáng chốc, khách đồng ý nhưng với một điều kiện Mịn phải kể rõ chuyện gì đã xảy ra với em, tại sao em lại lưu lạc đến chốn này và những điều nguy hiểm nào đang chờ đón Mịn nếu khách cứu cô bé ra khỏi nơi đây.
Mịn bảo, em tên thật là Nguyễn Thị Mịn, sinh năm 1996, là con út trong một gia đình nhà nông có 5 chị em gái. Quê Mịn mãi ở Lào Cai, nơi xa xôi gần biên giới, với những cánh đồi bát úp đan xen với những dãy núi cao. Cũng vì gia cảnh khó khăn nên các chị của Mịn đã phải lần lượt bỏ học giữa chừng, trong đó 2 chị đã vượt biên sang Trung Quốc làm ăn rồi không về, 2 chị đã cưới chồng và theo chồng vào miền Nam làm ăn.
Là con út lại thông minh hơn những người chị nên Mịn được cha mẹ cho đi học đến nơi đến chốn với mong muốn "sau này được sướng cái thân". Chính Mịn cũng rất muốn học, em ước mơ sau này được làm cô giáo để giúp các em trong thôn bản mình dùng con chữ mà thoát khỏi cái nghèo. Cũng vì ham học mà Mịn đã vượt qua được những thời khắc khó khăn nhất.
Năm 2009, cha Mịn trong khi đi làm rẫy bị trâu húc rồi qua đời, mẹ Mịn cũng từ đó mà sinh ra ốm đau lay lắt. Mịn liên lạc với 2 chị trong Nam nhưng không chị nào về được. Phải thay mẹ lên nương, làm việc nhà nhưng nhờ nghị lực phi thường, Mịn vẫn lên lớp nghe cô giáo giảng bài và giờ đây đã học lên lớp 10.
Đầu năm 2012, trong một lần Tuấn “sẹo” (là người cùng bản, lại chơi thân với một người chị của Mịn) về quê ăn Tết, hắn đã đến nhà Mịn chơi. Hắn có nước da hơi ngăm đen, khuôn mặt có phần bặm trợn cùng vết sẹo ngang mặt tạo nên biệt danh Tuấn “sẹo”. Gặp Mịn, Tuấn “sẹo” múa mép: “Người đẹp như Mịn mà đi làm ở dưới Hà Nội thì được nhiều tiền lắm!”. “Em thì làm được gì?”, Mịn hỏi.
Tuấn tỏ ra sành sỏi: “Anh quen được một ông chủ giàu có ở dưới Hà Nội, chính ông ấy đã cưu mang anh và cho anh quản lý một đám nhân viên. Nếu em đồng ý đi với anh xuống Hà Nội thì em sẽ thay anh quản lý đám nhân viên dưới đó. Cũng vì thời gian tới anh phải đi nhiều lắm, không tiện cho công việc ngồi một chỗ. Em là người quen của anh lại cùng làng nên anh sẽ nói với ông chủ anh, ông ấy tốt bụng lắm!”.
Mịn nghe được đến đó thì đôi tai như ù đi vì sung sướng. Đắng sau ánh mắt mừng rỡ ấy đã có biết bao điều được vạch ra: Nào là Mịn sẽ kiếm đủ tiền để mua thuốc trị bệnh cho mẹ, để đi học tiếp và để mua 2 bộ quần áo mới đến trường bởi mấy bộ quần áo cũ của Mịn đã sờn hết sau những lần lên nương tra ngô, cắt lúa.
Sau bữa đó, Tuấn “sẹo” cho Mịn một chiếc điện thoại cũ và 500.000 đồng để mua thuốc thang cho mẹ cùng lời hẹn khi nào Mịn xuống Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), hắn sẽ ra tận nơi đón. Đem chuyện này kể với mẹ, Mịn được bà bảo nếu có cơ hội thì cứ yên tâm đi làm vì “ở nhà mẹ sẽ cố xoay sở được”.
Cuối tháng 5/2012, sau khi đã nhận được điểm tổng kết môn và chính thức được nghỉ hè, Mịn điện thông báo cho Tuấn quyết định của mình. Sau đó, nữ sinh này được mẹ tiễn xuống tận trung tâm bản để bắt xe đi Hà Nội. Chia tay mẹ trong nước mắt, Mịn xách theo túi hành lý chỉ có 3 bộ quần áo cũ và chiếc điện thoại dùng để liên lạc với Tuấn mà không biết rằng trước mắt cô bé là bao hiểm nguy rình rập.
(Còn nữa)
Vũ Phong - Vu Tử