Sau thành công vang dội của Liên hoan Nghệ thuật tuồng truyền thống lần thứ nhất (trong khuôn khổ Festival Tây Sơn-Bình Định), các đoàn tuồng cả nước đã có một hướng đi mở, hứa hẹn một tương lai khả quan của loại hình sân khấu vốn được xem là khó “sống” này. Tại Đà Nẵng, mấy năm gần đây, khán giả đang dần trở lại với tuồng, đó là một tín hiệu đáng mừng trong việc gìn giữ và phát huy vốn tuồng cổ trên thành phố trẻ.
Kết quả bước đầu
Một cảnh trong vở “Đào Phi Phụng” do các diễn viên trẻ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Ảnh: CAO ĐÌNH LIÊN |
Được biết, trong năm vừa qua, chỉ tiêu 130 đêm biểu diễn của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã vượt, lịch diễn Tết Tân Mão từ mồng 1 đến 18 tháng Giêng đã kín trên các địa bàn từ Huế đến Quảng Nam, đặc biệt khán giả đến với tuồng ngày một đông (kể cả những khán giả trẻ). Điều này góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và truyền bá vốn tuồng cổ trong nhân dân. Hiện tại, Nhà hát tuồng đang tập trung lớn cho vở tuồng cổ Đào Phi Phụng để dự thi Liên hoan Nghệ thuật tuồng lần thứ hai. Thành công của vở diễn một phần để thông tin với các bạn nghề trong nước, mặt khác cũng là để nâng cao nghề nghiệp cho các diễn viên, đặc biệt là những diễn viên trẻ (vì theo quy chế thì chỉ các diễn viên dưới 40 tuổi mới được tham gia liên hoan). Sắp tới, nếu đề án tập huấn được thành phố đồng ý thì nhà hát sẽ tổ chức dựng lại một số vở tuồng thầy như: “Ngọn lửa hồng sơn”, “Ngũ hổ bình liêu”, “Lý Phụng Đình”, “Ngoại tổ dâng đầu”...
Để có được những kết quả đó, theo NSƯT Cao Đình Liên là nhờ Nhà hát có những thuận lợi cơ bản. Trước hết là về đội ngũ diễn viên trẻ hiện nay, họ được đào tạo rất bài bản, lại rất yêu nghề. Một thuận lợi khách quan có tính khích lệ động viên rất lớn là trong 2 năm gần đây, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến tuồng. Cụ thể, thành phố đã hỗ trợ một khoản kinh phí tương đối cho các đêm diễn phục vụ khách du lịch; kinh phí mua sắm vật chất, vật dụng và cho việc đi lại, biểu diễn tuồng; đặc biệt, theo thông tin chưa chính thức thì sắp tới thành phố sẽ tăng chế độ độc hại cho diễn viên từ 20-40% lương...
Phía trước còn dài...
Điều trăn trở cũng là cái khó nhất trong hành trình phục hồi tuồng cổ là kịch bản đã có nhưng thiếu thầy, bởi những vở tuồng cổ chứa đựng nhiều hình mẫu nhân vật đạt đến độ mẫu mực, đòi hỏi ê-kíp tham gia phải có tay nghề cao, dày dạn kinh nghiệm diễn xuất. Bản thân đạo diễn muốn dàn dựng tác phẩm tuồng cổ phải am hiểu sâu về nghệ thuật này, đồng thời có sự từng trải trên sàn diễn và có đầu óc tổ chức tốt. Thực tế, những nghệ sĩ đáp ứng các yêu cầu trên tại Đà Nẵng chỉ đếm trên đầu ngón tay, lại đã già (như nghệ sĩ Đinh Huế, Hồ Hữu Cỏ), hoặc còn sức cũng đã về hưu (như nghệ sĩ Trần Đình Sanh, nghệ sĩ Thu Nhân). Do đó, Nhà hát nói riêng, thành phố nói chung cần phải rất tranh thủ lực lượng nghệ sĩ này, khi họ còn có thể cống hiến.
Điều cốt lõi, theo NSƯT Cao Đình Liên thì để giữ gìn vốn tuồng là làm sao phải phổ cập tuồng rộng rãi hơn trong công chúng, làm sao để tuồng có được những chương trình thu hút rộng rãi công chúng định kỳ như “Vầng trăng cổ nhạc” của cải lương; câu lạc bộ ca trù, câu lạc bộ chèo như ở Bắc Bộ... Và nói gì thì nói, “có thực mới vực được đạo”, chi phí mỗi đêm diễn tuồng mất khoảng 8 triệu đồng và nếu chỉ riêng địa phương sẽ không lo nổi. Nếu được Nhà nước hỗ trợ một ít thì 180 đêm diễn trong 1 năm là việc có thể thực hiện trong tầm tay. Hiện tại, chúng ta đã đầu tư tốt cho du lịch, nhưng việc này chỉ giúp quảng bá loại hình sân khấu tuồng với bạn bè quốc tế, cái gốc vẫn là dân ta, tuồng của ta phải do dân ta giữ. Và tất nhiên, muốn giữ được thì phải hiểu, phải nắm trước đã.
Mong rằng, tới đây, hành trình khôi phục vốn tuồng sẽ không chỉ là trách nhiệm và niềm vui của những nghệ sĩ tâm huyết, vì đây là tài sản văn hóa tinh thần không chỉ riêng ai. Và bởi tuồng không đơn thuần là một loại hình nghệ thuật thuần túy, nó còn mang cả truyền thống, khí tiết, bản sắc của dân tộc Việt Nam.
TRẦN THANH TÂN